Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Những lỗ hổng trong quản lý

Nhóm PV Kinh tế| 07/10/2011 06:47

(HNM) - Mặc dù Việt Nam là một trong các quốc gia xuất khẩu dầu thô, nhưng phần lớn lượng xăng dầu phục vụ nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng trong nước đều phải nhập khẩu. Do đó, giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng lớn từ những biến động giá trên thị trường thế giới.

Để hệ thống giá trong nước phản ánh đầy đủ quá trình hình thành và vận động của giá xăng dầu trên thị trường thế giới, Chính phủ đã ban hành Nghị định (NĐ) 84/2009/CP để tháo gỡ các vướng mắc về hành chính và kinh tế ngăn cản sự hội nhập, làm sai lệch thước đo hiệu quả. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện NĐ84/CP vẫn bộc lộ những lỗ hổng trong quản lý giá xăng dầu.

Giá xăng dầu và vòng xoáy lạm phát

Xăng dầu là yếu tố "đầu vào" của nhiều hoạt động kinh tế và tiêu dùng xã hội. Mỗi khi giá xăng dầu tăng đều trực tiếp dẫn đến sự điều chỉnh tăng chi phí và giá các yếu tố cấu thành hàng hóa - dịch vụ sản phẩm "đầu ra", dẫn đến tăng giá hầu hết các mặt hàng hóa, dịch vụ xã hội, từ đó làm tăng tổng mặt bằng giá, đẩy chi phí tăng cao.

Giá xăng dầu ở Việt Nam chưa hoàn toàn mang tính thị trường. Ảnh: Đàm Duy

Giá xăng dầu tăng còn là cái cớ để các DN và nhà phân phối, thậm chí nhiều mặt hàng không liên quan vẫn "té nước theo mưa". Ngoài ra, khi giá xăng dầu tăng cũng dễ làm tăng nỗi lo lạm phát và tâm lý sẵn sàng thương lượng cũng như chấp nhận các kiểu tăng giá giữa các nhà kinh doanh theo hợp đồng, hoặc giữa các bà nội trợ với tiểu thương ngoài chợ, tức làm tăng lạm phát tâm lý của cả nhà kinh doanh lẫn người tiêu dùng.

Vì vậy, mỗi khi giá xăng dầu tăng sẽ trực tiếp và gián tiếp khởi động một vòng xoáy lạm phát đan xen phức tạp, thậm chí đầu cơ bùng phát. Thực tế, giá xăng dầu ở nước ta vẫn chưa hoàn toàn mang tính thị trường vì chưa có cơ chế cạnh tranh đầy đủ. Về cơ bản, giá xăng dầu được phân quyền quản lý giữa các đơn vị chủ quản và một số đầu mối nhập khẩu xăng dầu truyền thống độc quyền. Đã có lúc người ta thấy có sự vận dụng ngược trình tự quy luật thị trường, tức chủ trương cho phép các DN độc quyền được định giá xăng dầu theo giá thị trường thế giới mà không phải cạnh tranh thị trường; trong khi cần phải làm ngược lại, đó là phải cho cạnh tranh thị trường đầy đủ và lành mạnh trước khi tự do hóa giá cả thị trường để tránh biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền DN, DN độc quyền thừa cơ hội thu lợi nhuận từ độc quyền kép.

Sau Quyết định 187, NĐ 54/CP, NĐ 55/2007/CP là NĐ 84/2009/CP về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày 15-12-2009. Theo NĐ 84/CP, DN có quyền tăng giá xăng dầu cứ 10 ngày/lần nếu tăng dưới 7% và báo cáo sau; nếu tăng từ 7% đến 12%, DN được quyền tăng giá bán lẻ 7%, cộng thêm 60% của mức tăng từ 7% đến 12%. Khoản lỗ 40% còn lại, DN sẽ được quyền sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính (chỉ được dùng quỹ bình ổn khi mức tăng giá hơn 7%). Và trường hợp giá thế giới tăng hơn 12%, giá xăng dầu trong nước hoàn toàn do Nhà nước quyết định. NĐ này được coi là bước tiến trong việc quản lý thị trường xăng dầu khi cơ chế giám sát minh bạch hơn, tạo sự chủ động cao hơn cho DN theo cơ chế thị trường, song không thể thiếu sự quản lý của Nhà nước.

Gần đây có sự thỏa hiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các DN độc quyền kinh doanh xăng dầu trong cơ chế mới về quản lý giá mặt hàng này. Theo đó, cơ quan quản lý chấp nhận mức giá hiện tại sau đợt tăng giá tháng 3-2011 như là giá gốc để so sánh và cho phép DN chủ động tăng, giảm giá xăng dầu theo sát động thái giá thị trường thế giới khi mức điều chỉnh không quá 5% giá gốc đó; còn nếu vượt mức trên, DN lập phương án trình cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt… Đồng thời, giãn cách điều chỉnh không ngắn hơn 3 tháng/lần thay vì 10 ngày/lần như quy định trong NĐ 84/CP được coi là quá dày và dễ bị DN lợi dụng.

Khách mua xăng tại cây xăng trên đường Láng Hạ. Ảnh: Đàm Duy


Tình trạng "neo giá", "đông giá"

Điều khiến dư luận không thể thỏa mãn là chưa có kiểm toán giá xăng dầu, thậm chí chưa có cả việc minh bạch và công khai các chỉ số thành phần giá xăng dầu. Dù Petrolimex gần đây đã đưa cách tính giá xăng dầu lên trang thông tin điện tử của mình, nhưng phải nói thêm đây là mức giá cơ sở được tính trên quy định của NĐ 84/CP và các yếu tố đầu vào đều do các cơ quan nhà nước ban hành chứ không phải giá vốn của DN. Giá vốn có thể cao hơn hoặc thấp hơn xoay quanh giá cơ sở đó, phụ thuộc vào việc ký kết thỏa thuận với nhà cung cấp và thời điểm giao hàng. Dù giá lên hay xuống, DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu luôn kêu lỗ, cơ quan chức năng không kiểm soát được, ngân sách nhà nước thất thu và người tiêu dùng phải chịu vì không còn lựa chọn nào khác. Nếu vậy, tất cả lợi lộc độc quyền xăng dầu rơi vào túi ai? Theo Bộ Công thương, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) hiện chiếm 25%, Saigon Petro chiếm 8%, Petrolimex chiếm gần 60% thị phần của thị trường xăng dầu cả nước và 30% thị phần của Petrolimex là bán buôn cho các DN.

Với cơ chế quản lý điều hành giá xăng dầu còn nhiều lúng túng, không có cạnh tranh thị trường dễ gây cảnh "đục nước béo cò", làm giảm sức hấp dẫn, lành mạnh của môi trường đầu tư và làm chậm lại quá trình đột phá thể chế, trước hết là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta theo đúng định hướng. Khi cơ chế quản lý giá xăng dầu không cho phép ổn định và thị trường hóa giá xăng dầu cũng có nghĩa là hiệu quả quản lý nhà nước với giá xăng dầu nói riêng, giá thị trường và nền kinh tế vĩ mô nói chung chưa đạt yêu cầu đề ra. Vấn đề đặt ra là cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện nay liệu có bình thường không khi mà chỉ có DN kinh doanh xăng dầu mới biết chính xác là lỗ hay lãi; trong khi đó, các cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý nhà nước đảm nhận nhiệm vụ giám sát, kiểm soát giá vẫn còn lúng túng với những thông tin lỗ - lãi của các DN độc quyền này. Khi giá xăng dầu bị "bóp méo", lợi ích chung của xã hội bị thiệt hại, lợi ích người tiêu dùng cùng bị xâm hại. Mục tiêu lớn nhất để giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả của nền sản xuất xã hội, bình ổn giá, khắc phục tình trạng "neo giá" trong nước quá cao không hợp lý bất chấp sự giảm giá trên thị trường thế giới, hoặc "đông giá" ở mức thấp bất hợp lý khi giá thế giới đã tăng và các yếu tố hình thành giá đã thay đổi. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn tồn tại sau khi NĐ 84/CP được triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Những lỗ hổng trong quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.