(HNM) - "Đổi mới" được "đóng mốc" vào năm 1986, nhưng thực ra nó đã có những chuyển động từ trước. Thời gian đã lâu, nên những gì được kể ra sau đây nên coi là ấn tượng đọng lại trong một trí nhớ người viết, có thể chưa đầy đủ…
Hạt cựa mình…
Cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc vĩ đại dài dằng dặc kết thúc bằng chiến thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất. Dòng văn học chủ đạo sau đó vẫn là hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trường ca, tiểu thuyết ra nhiều, như một thứ cảm quan "tổng kết" cái đã qua, đồng thời báo hiệu cái mới phải đến. Loạt kịch, truyện, ghi chép của Nguyễn Khải phát lộ những con người khác, với góc nhìn khác, có thể đơn giản, lại có thể đã từng trải, chứng kiến những giai đoạn lịch sử.
Những tác phẩm văn học có tiếng vang trong những năm 80 của thế kỷ XX. |
Đầu tiên, nó cho thấy sự khắc nghiệt, bạo liệt, mất mát đau đớn của chiến tranh - điều trước đó không thể nói hay nói kiểu "Hương thầm". Một trong những câu thơ hay được đọc tới là của Thanh Thảo, trong trường ca "Những người đi tới biển":
Chúng tôi đi không tiếc tuổi hai mươi
Tuổi hai mươi ai mà không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi là đất nước
Cỏ sắc mà ấm quá em ơi
Thanh Thảo thuộc lớp sinh viên rời nhà trường vào chiến trường, trước đó có trường ca "Những dấu chân trên trảng cỏ" rất ấn tượng. Đọc những câu trên, thấy sự hy sinh không đơn thuần là "hào sảng", mà day dứt, trở đi trở lại.
Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh đi bê từ sớm, và rất sâu. Khoảng cuối những năm 1970, tiểu thuyết "Đất trắng" của ông trích đăng trên "Văn nghệ Quân đội", khung cảnh là một trung đoàn quân giải phóng bị dồn đuổi sau Tết Mậu Thân 1968. Hình ảnh một cán bộ cao cấp không chịu nổi ác liệt ra chiêu hồi gây sốc trong dư luận, tạo ra những phản ứng. Rất may, "Đất trắng" sau đó vẫn ra ở NXB Quân đội.
Những người lính tập hợp về Trường viết văn Nguyễn Du khóa 1, tạo nên một "thế hệ nhà văn trung úy" như ở Liên Xô. Từng "đẫm mình" hoàn toàn vào cuộc chiến vĩ đại, giờ được các thầy Hoàng Ngọc Hiến, Trần Quốc Vượng… cổ vũ, họ trải lòng với những sắc thái rất khác nhau, vừa lãng mạn vừa bi hùng, vừa rõ rệt vừa rất khó nói. Sau "Hai người trở về trung đoàn" nhắc tới kẻ cơ hội trong chiến tranh, Thái Bá Lợi viết "Họ cùng thời với những ai", kể về một chiến sĩ lập chiến công, đang được bồi dưỡng thành anh hùng vẫn có ý định đào ngũ. Tiểu thuyết "Chim én bay" của Nguyễn Trí Huân có số phận hẳn hoi, cô bé tham gia đội thiếu niên diệt ác trừ gian, đóng góp, hy sinh lớn lao, sau này đơn côi, bệnh tật. Đây là những tác phẩm được giải thưởng Hội Nhà văn, bên cạnh những "Đường tới thành phố" của Hữu Thỉnh, "Nắng đồng bằng" của Chu Lai, "Trong cơn gió lốc" của Khuất Quang Thụy, các truyện ngắn của Trung Trung Đỉnh.
Trưởng thành ở miền Nam, những người cùng trà với các tác giả trên như Ngô Thị Kim Cúc, Lê Văn Thảo… có cách tiếp cận, mô tả chiến tranh riêng. Một nhà văn lớp trước, tác giả những câu thơ "Giá mà kéo núi lên cao nữa/Giáp mặt quân thù đánh tuyệt hơn", thời gian này góp vào truyện vừa "Truyền thuyết quán Tiên" rất lạ, lưu giữ nhiều ẩn ức. Đến lượt mình, Phan Thị Thanh Nhàn cho ra "Bông hoa không tặng", Ý Nhi có "Người đàn bà ngồi đan", Xuân Quỳnh với "Tự hát"…
Rục rịch, âm thầm, với sự nhạy cảm, nhà văn tự thân tìm tòi, dần dần ra khỏi trạng thái "Hậu chiến" với cái nhìn mới và tâm thế mới hơn.
… Nảy mầm
Đại hội Đảng lần thứ VI, Nghị quyết TƯ 5 về văn hóa văn nghệ, các đại hội III, IV Hội Nhà văn, cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa, là những "cột mốc" tác động lớn đến sáng tác văn học giai đoạn này.
Khoảng tháng 10-1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ giới văn hóa văn nghệ. Mở đầu cuộc nói chuyện, Tổng Bí thư nói: "… Hình như từ sau ngày giải phóng đất nước đến nay những thành tựu văn học nghệ thuật của chúng ta nghèo hơn trước, không biết có đúng thế không? Nếu không đúng như thế, thì tôi mừng… Nếu có tình hình ấy, tôi đề nghị có thể đó là một chủ đề để chúng ta trao đổi. Tôi mong được nghe ý kiến các đồng chí…". Nhiều ý kiến phát biểu nghiêm túc, mạnh dạn, đặt ra cả vấn đề lý luận. Dư âm rất lâu và sâu. Trước và sau đó, hai đại hội III và IV Hội Nhà văn "nóng ran" với văn hóa tranh luận "mới".
Nhưng gì thì gì, tác phẩm là cái đáng bàn nhất. Dòng văn học chủ đạo trước đó tiếp tục âm hưởng anh hùng ca, những nhân vật điển hình trong chiến đấu, xây dựng. Cái mới bắt đầu gây áp lực. Rất nhạy bén, Nguyễn Khải tung ra "Cái thời lãng mạn" nhìn nhận lại các nhân vật của mình trong truyện ngắn "Tầm nhìn xa" từng được đưa vào sách giáo khoa; ông phó chủ nhiệm Tuy Kiền cá thể, cóp nhặt cho mình được "phát hiện lại" nhiều nét tích cực. Nguyễn Minh Châu sáng rực lên sau bao nhiêu dồn nén, vật vã. "Cỏ lau" đào xới lại chiến tranh ở một độ sâu rất lớn. "Phiên chợ Giát", "Khách ở quê ra", "Chiếc thuyền ngoài xa", cái ngắn, cái dài, nói đến những nỗi rất tù mù mà ám ảnh cõi nhân sinh.
Báo Văn nghệ do nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả "Đất nước đứng lên" thời chống Pháp, "Rừng Xà nu" thời chống Mỹ, làm tổng biên tập, thực sự nóng với những bài vở tranh luận, chẳng hạn có nhất thiết chỉ "phản ánh cuộc sống theo hướng đi lên"? Đây cũng có thể coi là bệ phóng cho vài cây bút gây sốc. Nguyễn Huy Thiệp mang hơi hướng sử ký, sắc lạnh, nghiệt ngã. Phạm Thị Hoài có "Man nương", "Thợ may Sài Gòn", lý giải những góc khuất một thế hệ hay một cộng đồng. Xen giữa những gì sắc lẻm vẫn có vị lãng mạn hay hài hước bi thảm. Hệ quả phân hóa trong người đọc về mỹ cảm, đạo đức rất rõ.
Cuối những năm 1980 chứng kiến một giải thưởng Hội Nhà văn đồ sộ và chất lượng, cho ba tiểu thuyết. Nguyễn Khắc Trường phơi bày một nông thôn đầy quyền lực phe giáp trong "Mảnh đất lắm người nhiều ma". Cùng "Bến không chồng" của Dương Hướng, "Mảnh đất…" vẫn theo kiểu hiện thực truyền thống. Nhưng "Thân phận tình yêu" của Bảo Ninh đã nhào trộn quá khứ với hiện tại, vừa tự sự kiểu ẩn ức vừa kể, vừa tả…
Nhà văn là người phát ngôn của chính mình, nhưng nhà văn phải có trách nhiệm công dân. Những cuộc tranh luận, những tác phẩm văn học trong những năm 80 của thế kỷ XX vừa là thực tế sinh động minh chứng điều đó. Và thực tế đó cũng cho thấy những đổi mới của Đảng trong đường lối lãnh đạo văn nghệ. Những trăn trở, những cách tiếp cận đời sống đa chiều, nhiều day dứt, với đường lối văn nghệ đổi mới của Đảng, càng giúp cho nhà văn nhiều hiện thực, phản ánh hiện thực đúng hơn, với tình yêu con người, tình yêu đất nước rõ hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.