(HNM) - Trong khi chính cán bộ BVTV, khuyến nông, HTX và các hội, đoàn thể còn chưa nắm bắt đầy đủ thông tin về các loại thuốc BVTV mới xuất hiện trên thị trường, thì nông dân, thương lái, chủ cửa hàng thuốc BVTV đã tư vấn cho nông dân sử dụng.
Qua mặt cơ quan chức năng
Tại nhiều huyện ngoại thành Hà Nội, thị trường thuốc BVTV khá phức tạp. Những quy định về việc niêm yết các loại thuốc bán, niêm yết giá từng loại thuốc, hướng dẫn cách pha chế, liều lượng… thường bị bỏ qua. Một số đại lý bán thuốc BVTV vì lợi nhuận, hướng dẫn người dân phun kèm nhiều loại thuốc khác nhau để bán được nhiều thuốc; thậm chí có cửa hàng bán cả những loại thuốc cấm lưu hành. Sở dĩ có tình trạng trên là do các địa phương chưa thường xuyên kiểm tra việc kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn. Ngay cả ở những xã đã kiểm tra, xử lý, sau một thời gian ngắn "đâu lại vào đó". Trên thực tế, chỉ có một số cửa hàng, đại lý lớn và các HTXNN niêm yết danh mục thuốc BVTV, giá cả và có hướng dẫn cụ thể. Thế nhưng, hiện mới chỉ có 20% số HTX tham gia cung ứng thuốc BVTV và toàn thành phố có chưa đầy 10 HTXNN đảm nhận được khâu dịch vụ phun thuốc BVTV cho nông dân; còn lại là "tiện đâu mua đấy, mạnh ai người ấy phun".
Thuốc bảo vệ thực vật cần được quản lý chặt chẽ về chất lượng và phân phối để đem lại hiệu quả cho nhà nông. |
Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Hiến cho biết: Trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp và các hội, đoàn thể… đã tổ chức nhiều buổi tập huấn nhằm nâng cao nhận thức trong việc sử dụng thuốc BVTV cho nông dân, nhưng vẫn còn nhiều nông dân sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép hoặc với liều lượng quá cao. Huyện Hoài Đức cũng đã tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, song hiệu quả không cao. Khi có động thái kiểm tra tại xã A, thì lập tức các cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV ở xã bên cạnh đã tìm cách giấu hàng hóa để qua mặt cơ quan chức năng, chỉ bày bán các loại trong danh mục. Mặc dù cán bộ khuyến nông, BVTV bám đồng ruộng, phát hiện có bao bì sản phẩm thuốc BVTV "lạ", nhưng khi kiểm tra các cửa hàng chỉ phát hiện được một vài chai, lọ và mức xử phạt cũng không đủ sức răn đe. Từ đầu năm 2014 đến nay, các đoàn của huyện đã tiến hành kiểm tra chéo, nhằm tạo yếu tố bất ngờ cũng mới xử phạt được 5 hộ kinh doanh thuốc BVTV.
Mập mờ đánh lận con đen
Thực tế nhiều sản phẩm thuốc BVTV chất lượng, có thương hiệu đang bị lép vế so với sản phẩm ăn theo tên trên bao bì, chất lượng kém. Chưa kể việc các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV liên tục được thành lập, đi kèm là một loạt loại thuốc mới ra đời. Cây lúa có 11 loại dịch hại cơ bản, nhưng trên thị trường có hàng trăm loại thuốc được công nhận đặc trị, khiến người nông dân rơi vào "mê hồn trận". Và việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân trên cây trồng thường theo sự hướng dẫn của các cửa hàng bán thuốc. Khi thiệt hại thì nông dân chẳng biết kêu ai. Điển hình là hàng trăm héc ta hồ tiêu, điều của tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai… bị chết do nông dân mua phải thuốc BVTV kém chất lượng, vừa mất tiền, mất công. Mới đây, tại tỉnh An Giang, qua kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn các huyện, thị xã trong tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường đã phát hiện 10 cơ sở vi phạm về sở hữu trí tuệ, bán phân bón lá giả nhãn hiệu "Boom-n flower" của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang. Chỉ một nhãn hiệu "Boom" nhưng có đến hàng chục nhãn hiệu tương tự, gây nhầm lẫn cho người sử dụng. Tương tự tại tỉnh Đắc Lắc, sản phẩm Agri fos 400 do Australia sản xuất dùng để diệt trừ nấm Phytophthora và kháng kích cây trồng gây bệnh thối rễ, hay bệnh vàng lá trên cây tiêu đã ngang nhiên bị làm giả, làm nhái. Nhiều đại lý thuốc BVTV còn "lái" người dân mua các sản phẩm chất lượng kém, giá nhập rẻ hơn để ăn chênh lệch. Bởi lẽ, nếu bán hàng nhái, hàng giả, đại lý được hưởng triết khấu tới 70-80 nghìn đồng/chai, trong khi đó bán thuốc chính hãng chỉ được lãi 2.000 đồng/chai…
Để che mắt người dân, các đơn vị sản xuất, sang chiết thuốc BVTV dởm đã "mập mờ đánh lận con đen" giữa thuốc BVTV và phân bón lá nhằm lừa nông dân, đồng thời lách luật, vì quy trình được cấp giấy chứng nhận thuốc BVTV ngặt nghèo, khó khăn. Đối với thuốc BVTV, phải được các tổ chức quốc tế công nhận, có tên trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ NN&PTNT và khi đưa thuốc vào thị trường phải thử nghiệm 1 năm, có kết quả tốt mới được Bộ NN&PTNT cấp phép lưu hành. Còn đối với phân bón lá, quy trình cấp phép đơn giản hơn. Doanh nghiệp chỉ cần đăng ký loại phân bón được phép sản xuất tại Việt Nam và làm thủ tục công bố tiêu chuẩn cơ sở. Chính vì vậy, có những lô hàng thuốc BVTV bị cơ quan phát hiện, bắt giữ, trên tem mác vẫn còn ghi là vitamin, nâng cao sức đề kháng, phòng bệnh cho cây trồng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.