Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Lối thoát để phát triển bền vững (Tiếp theo và hết)

Bạch Thanh - Quỳnh Dung| 10/06/2011 06:51

(HNM) - Không thể phủ nhận mô hình trang trại (TT) ở Hà Nội đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần giải quyết lao động tại chỗ, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhưng để tháo gỡ những khó khăn mà các TT đang gặp, cần có một chiến lược đầu tư lâu dài, bài bản. Các TT phải phát triển theo hướng bền vững, năng động, sáng tạo với nhiều mô hình, đổi mới cách làm ăn để đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đổi mới cách làm ăn

Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thực tế cho thấy các TT tổng hợp có thu nhập tăng lớn nhất nếu chủ TT biết cách vận dụng, đổi mới cách làm ăn, đầu tư trồng cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi với thả cá hoặc kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái. Chẳng hạn như TT của anh Nguyễn Đắc Hải (Chuyên Mỹ - Phú Xuyên) từ chỗ quy mô 10ha giờ đã lên 60ha. Hiện TT của anh Hải có hàng trăm tấn cá, 500 con cá sấu với trọng lượng trung bình 20kg/con, đàn lợn rừng tự sinh sản hơn 50 con và nhiều loại gia cầm khác… Từ hướng đi có hiệu quả ấy, xã Chuyên Mỹ đã tạo điều kiện cho TT của anh Hải có thêm quỹ đất để mở rộng mô hình du lịch sinh thái. Trên cơ sở đó, TT Nguyễn Đắc Hải đã thành lập Công ty cổ phần Minh Tâm với phương thức sản xuất, kinh doanh ngày càng đa dạng. Ngoài tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản, TT của anh Hải còn đầu tư trồng nhiều loại cây cảnh nghệ thuật, có cây trị giá gần 1 tỷ đồng. Anh Hải khẳng định: Để TT phát triển thì phải biết kết hợp làm dịch vụ tổng hợp, nếu chỉ chuyên một loại cây, con thì vừa lãng phí đất đai vừa không mang lại giá trị cao. Ngoài ra, TT phải chủ động liên kết với các doanh nghiệp (DN) cung cấp nguyên liệu đầu vào như con giống, thức ăn chăn nuôi hay các DN tiêu thụ sản phẩm để giảm bớt các khâu trung gian và trực tiếp bán hàng hóa cho DN để nâng cao giá trị sản phẩm.

Chăm sóc cá sấu tại một trang trại ở xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng. Ảnh: Bá Hoạt

Ông Nguyễn Duy Sáng, chủ TT nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch sinh thái ở Đông Mỹ (Thanh Trì) cho biết, để TT tồn tại và phát triển mạnh, nếu chỉ biết nuôi các loại cá truyền thống thì giá trị kinh tế không cao. Qua những chuyến học tập kinh nghiệm ở tỉnh bạn, TT đã chuyển sang mô hình nuôi trồng thủy sản sạch kết hợp với nuôi các loại cá đặc sản như cá điêu hồng, cá vược. Mô hình này cho năng suất cao hơn từ 25-30% so với nuôi thông thường và giá bán cũng cao hơn nuôi thủy sản thông thường khoảng 30%. Để nâng cao thu nhập, TT còn kết hợp du lịch sinh thái, phục vụ nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi của khách hàng khi tới đây câu cá. Do đó, trung bình mỗi năm, trừ các khoản chi phí, TT cũng có lãi hàng trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây) có 150 xã viên với 275 TT. Để bảo đảm đầu ra bền vững cho sản phẩm, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với các công ty kinh doanh thực phẩm trong và ngoài nước, từng bước chuyển từ chăn nuôi công nghiệp sang mô hình chăn nuôi lợn sạch trên tổng đàn 3.000 con. HTX thành lập một tổ cơ khí chuyên sản xuất trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chăn nuôi như quạt công nghiệp, máng ăn, vòi uống và các vật dụng khác; thành lập tổ dịch vụ gồm 5 đại lý kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm, một cửa hàng bán thuốc thú y phục vụ xã viên và nhân dân trong khu vực. HTX còn liên kết với một số công ty tận dụng chất thải chăn nuôi để sản xuất phân bón vi sinh với sản lượng 400 tấn/năm. Nhờ vậy, các TT nuôi lợn của HTX năm nào cũng có lãi, kể cả khi xuất hiện bão giá.

Lập quy hoạch tổng thể phát triển KTTT

Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, để mô hình KTTT phát huy hiệu quả, các đơn vị của ngành nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương cần hỗ trợ các chủ TT lập quy hoạch thiết kế TT vay vốn với lãi suất ưu đãi, tăng nguồn vốn đầu tư cho vay trung hạn và dài hạn. Nhà nước phải là cầu nối giúp đỡ các TT trong việc liên kết với các DN chế biến và ngân hàng nông nghiệp để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trực tiếp và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhiều hơn. Các địa phương cần quy hoạch sử dụng đất làm TT một cách cụ thể cho từng vùng để phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho các địa phương có nhiều mô hình KTTT xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm để giải quyết bài toán tiêu thụ cho các TT.

Ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định, để KTTT phát triển bền vững, hiệu quả, nhằm sớm khắc phục những mặt hạn chế và hỗ trợ các TT có thêm điều kiện mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, trước mắt các địa phương cần đẩy mạnh việc giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất lâu dài trên toàn bộ quỹ đất hiện có của các TT. Bên cạnh đó là cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh cho các TT có đủ điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi để họ yên tâm sản xuất. Khuyến khích các hình thức liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các TT nhằm tạo điều kiện thành lập HTX; tạo điều kiện cho các DN ký kết hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm với các TT, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Các đơn vị của ngành cần thường xuyên cung cấp thông tin thị trường nông sản hàng hóa để các chủ TT, định hướng sản xuất, kinh doanh. Xây dựng chương trình đào tạo nâng cao trình độ quản lý cho chủ TT, giúp họ vận dụng kiến thức đã học vào phát triển mô hình của mình đạt hiệu quả cao nhất...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Lối thoát để phát triển bền vững (Tiếp theo và hết)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.