Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Giám sát đến cùng vấn đề cử tri quan tâm

Việt Tuấn| 22/04/2023 07:23

(HNM) - Hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề của các ban HĐND thành phố Hà Nội có nhiều đổi mới và nâng cao chất lượng. Đáng lưu ý, các ban còn phối hợp thực hiện để tăng tính phản biện, liên thông giữa các lĩnh vực thuộc đối tượng khảo sát, giám sát và giám sát đến cùng vấn đề cử tri quan tâm. Qua đó, tham mưu cho Thường trực HĐND thành phố thực hiện các phiên giải trình, chất vấn.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội giám sát việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Ứng Hòa, tháng 3-2023. Ảnh: Tuấn Việt

Chú trọng lựa chọn vấn đề

Từ năm 2022 đến nay, các ban HĐND thành phố đã tổ chức hơn 30 cuộc giám sát, khảo sát về các chuyên đề, là những vấn đề dân sinh bức xúc. Cụ thể như các chuyên đề: Việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố; việc thực hiện quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông và quản lý bến thủy nội địa trên địa bàn; việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố…

Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Nguyễn Minh Tuân cho biết, trước mỗi cuộc giám sát, các thành viên đoàn giám sát nghiên cứu kỹ để nắm chắc những vấn đề trọng tâm, trọng điểm. Ngoài đánh giá kết quả còn chỉ rõ bất cập, hạn chế; gợi mở, đưa ra kiến nghị để đơn vị chịu sự giám sát có hướng tháo gỡ, xử lý nhằm thực thi hiệu quả các chủ trương, chính sách, nghị quyết của thành phố.

Cụ thể như giám sát việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất phục vụ SEA Games 31 của thành phố; tái giám sát việc quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn thành phố; khảo sát công tác chuẩn bị thủ tục và triển khai đầu tư một số dự án đầu tư công…

Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Thủy thông tin, cách thức giám sát cũng được linh hoạt theo từng thời điểm. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thay vì đến tận nơi nắm bắt, việc giám sát được thực hiện linh hoạt theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến để bảo đảm điều kiện phòng dịch và hoạt động giám sát không bị gián đoạn.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình cũng chia sẻ, Ban chú trọng vào các đối tượng tác động trực tiếp; trao đổi kỹ giữa các bên có liên quan để có cái nhìn chân thực, khách quan nhất, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp. Trước đây, các ban tổ chức khảo sát riêng lẻ lĩnh vực phụ trách, nhưng thời gian gần đây, các hoạt động giám sát, khảo sát đều được một Ban chủ trì, mời các ban cùng tham gia để nắm thông tin toàn diện, tăng tính phản biện. Cách làm kết hợp khảo sát thực địa trước, sau đó mới làm việc với chính quyền, đơn vị.

Sau các đợt giám sát, khảo sát, các báo cáo kết quả giám sát, khảo sát được các ban HĐND gửi tới các tổ chức, đơn vị chịu giám sát, các cơ quan liên quan, gửi báo cáo Thường trực Thành ủy và được công khai trên trang Thông tin điện tử của HĐND thành phố để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.

Đưa những kiến nghị xác đáng

Qua 2 lần giám sát, khảo sát về công tác quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông và quản lý bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố (năm 2020 và 2022), các Ban HĐND thành phố Hà Nội nhận định, dù có cố gắng, song việc quản lý vẫn bấp cập, nhất là công tác phối hợp giữa các ngành, đơn vị, vì thế cần có giải pháp mạnh trong thời gian tới.

Cụ thể, tính đến tháng 9-2022, Hà Nội có 201 bãi tập kết (trong đó, 77 bãi có thủ tục hoạt động hoặc phù hợp tiêu chí và 124 bãi chưa đủ thủ tục hoạt động hoặc không phù hợp tiêu chí). Như vậy, số lượng các bến bãi chưa đủ thủ tục hoạt động còn lớn và ít có cải thiện so với khảo sát năm 2020 (246 bãi chứa, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên các tuyến sông; trong đó, 209 bãi đang hoạt động, 37 bãi dừng hoạt động).

Sau đợt giám sát, các ban HĐND thành phố đã kiến nghị UBND thành phố xem xét lập, điều chỉnh quy hoạch hệ thống bến bãi và cấp giấy phép bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông theo quy định; giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản của tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản; thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh với các tỉnh. Cùng với đó, tổ chức đấu giá quyền khai thác cát, sỏi; rà soát các khu vực bến bãi đủ điều kiện hoạt động và phù hợp tiêu chí, có hướng dẫn cụ thể về thủ tục thuê đất; chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã giải tỏa các bến bãi không đủ điều kiện hoạt động... Hay như Ban Đô thị HĐND thành phố tham mưu với HĐND thành phố Hà Nội giám sát về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Thủ đô cũng là vấn đề nổi cộm được cử tri quan tâm.

Qua giám sát cho thấy, nhiều dự án xây dựng trạm xử lý nước thải được đầu tư xây dựng nhưng không đấu nối, không đi vào hoạt động. Đơn cử như Nhà máy xử lý nước thải xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), Trạm xử lý nước thải tại Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên), Trạm xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều (huyện Thanh Trì)... Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng tính đến tháng 8-2022, mới có 30 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Sau giám sát, Ban Đô thị HĐND thành phố tham mưu với Thường trực HĐND thành phố chọn nội dung về xử lý nước thải là một trong các nội dung chất vấn tại kỳ họp thứ mười, HĐND thành phố khóa XVI vào tháng 12-2022.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, các nội dung mà các ban HĐND thành phố chủ trì giám sát, khảo sát đều bảo đảm tiến độ, chất lượng, cung cấp nhiều thông tin cho Thường trực Thành ủy, Đảng đoàn, Thường trực HĐND thành phố, UBND thành phố Hà Nội trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các hoạt động chung của thành phố.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Giám sát đến cùng vấn đề cử tri quan tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.