Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: "Cõng" nước ngọt ra đảo

Đức Trường| 09/08/2015 08:17

(HNM) - Đã bao mùa mưa gió trôi qua, tàu HQ 936 lầm lũi hướng ra Biển Đông tới quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Ở nơi đó, có gì đợi tàu ra? Ở nơi đó, có những đồng đội trên những hòn đảo giữa muôn trùng sóng gió đang mong tàu chở nước ngọt ra như


Ở tàu nhiều hơn ở nhà

Tàu HQ 936 được sản xuất năm 1952, hạ thủy 1957 và vốn là tàu chuyên chở dầu. Ngày 10-7-1989, Liên Xô bàn giao tàu cho Việt Nam và HQ 936 được cải hoán thành tàu chuyên cấp nước ngọt cho cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa. Từng ấy năm trôi qua là từng ấy năm "ông tàu" gần 60 tuổi cần mẫn chở nước ngọt và đưa không biết bao nhiêu lượt người ra Trường Sa.

Thiếu tá chuyên nghiệp Trần Ngọc Bảy, thủy thủ trưởng tàu HQ 936 quê ở thị xã Ba Đồn, Quảng Bình, sinh năm 1973, tính đến nay đã làm thủy thủ trải qua 6 đời thuyền trưởng, gắn bó với con tàu tới 22 năm trời, dài hơn cả thời gian ở nhà. Con tàu đã trở thành nhà của anh dù nó nhỏ bé như cái kim trên biển. Ngày đầu khi bước lên tàu, anh Bảy mới là chiến sĩ với mỗi chiếc ba lô trên vai bên trong vài ba bộ áo quần. Ngày đầu cũng sợ vì chưa đặt chân lên tàu bao giờ và thấy ngợp vì biển mênh mông quá. Đi chuyến đầu tiên vào dịp Tết, say sóng, nôn mật xanh mật vàng, bụng bảo dạ: "Chắc mình không ở được tàu rồi". Về đến bờ, anh Bảy vác ba lô lên gặp chỉ huy để xin chuyển nhưng được khuyên cứ thử đi chuyến nữa xem thế nào, anh đành cố ở lại mà không ngờ rằng mình sẽ gắn bó mấy chục năm với nó.

Từ ngày làm thủy thủ, Trần Ngọc Bảy cùng với con tàu thường xuyên chở nước ngọt ra Trường Sa, thi thoảng cùng tàu đi cứu trợ lũ lụt. Đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Trường Sa vẫn còn khan hiếm nước ngọt. Các đảo tiết kiệm từng giọt nước nên thấy HQ 936 ra thì như thấy "mẹ về chợ". Lúc đó, tiếp nước là một việc vừa gian nan vừa nguy hiểm. Sau khi neo tàu, một người bơi giỏi đưa dây mồi vào trước để anh em trên đảo kéo đường ống được cột phao vào đảo rồi dùng hai máy bơm áp lực bơm nước từ tàu lên đảo. "Mình cũng suýt chết mấy lần đấy", anh Bảy buột miệng. Năm 1997, trong lần đi cấp nước ở Đá Tây, lúc đang lặn xuống biển cột phao để nâng đường ống cấp nước vào đảo thì giông nổi lên. May hôm đó bơi vào đảo, nếu mình mà bơi ra tàu thì chắc chết rồi! Anh Bảy cười.

Thượng tá Bùi Đình Dương, Lữ đoàn phó 146 (trái) đang trao đổi công việc với Thiếu tá Nguyễn Thế Kỳ, Thuyền trưởng tàu HQ 936 trong chuyến công tác ở quần đảo Trường Sa.


Ngày trước, Trường Sa Lớn chỉ được tiếp khoảng 60m3 nước thôi. Nước được phát cho cán bộ chiến sĩ tính bằng lít đựng trong can, 2 lít một lần. Giờ vẫn còn đảo thiếu nước ngọt dù không căng thẳng như trước. Mấy đảo thường xuyên thiếu nước là Đá Thị, Trường Sa Đông và Đá Nam. Nước ngọt ra đây giờ vẫn quý như vàng. Anh em trên tàu vẫn tâm niệm: "Mình chịu khó dùng ít nước để anh em ở lại đảo dùng vì mình còn về bờ chứ anh em ở ngoài đảo thiếu nước khổ lắm".

Anh Bảy chắc sẽ không chuyển tàu khác vì HQ 936 như gia đình của anh. Cuộc đời bao nhiêu khó khăn, vất vả, khi vui khi buồn thì anh em trên tàu chính là người chia sẻ đầu tiên. Thiếu tá Trần Ngọc Bảy còn nhớ mãi cái năm 2001, anh cùng tàu đưa đoàn công tác ra đảo thì mẹ anh ở nhà đổ bệnh. Biết chuyện, lên đến bờ là thuyền trưởng cho anh về nhà ngay. Khuya về đến ngõ thấy trong nhà hương khói và đông người, anh tưởng mẹ đã mất. Mẹ anh bị ung thư dạ dày, đau lắm nhưng vẫn nói chuyện được với người con làm thủy thủ cứ biền biệt. Anh về hôm trước thì hôm sau mẹ mất. Từ đó, mỗi lần giỗ mẹ, anh Bảy đều thắp hương ở trên tàu vì thường vào đợt đi biển.

Con tàu bền bỉ của Trường Sa

Từng ấy năm ở tàu, Thiếu tá Trần Ngọc Bảy biết từng tật bệnh của tàu. Tàu già quá! Trên tàu chỉ có một người về trước anh Bảy. Đó là Thượng tá chuyên nghiệp Nguyễn Công Hiến, quê Thái Thụy, Thái Bình, máy trưởng tàu HQ 936. Sinh năm 1966, anh Hiến là người già nhất tàu. Cánh lính trẻ nhiều lúc gọi anh là "bố già" với cái cớ anh nhiều tuổi hơn cả bố đẻ họ. Thường ngày anh nói ít và chậm, nhưng khi câu cá thì sôi nổi, nhanh nhẹn hẳn lên. Trên tàu, anh Hiến được coi là một trong những người sát cá nhất.

Tốt nghiệp Trường chuyên môn kỹ thuật Hải quân ở Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), anh Hiến được biên chế về Vùng 4 Hải quân rồi về Lữ đoàn vận tải Trường Sa 955. Về tàu năm 1990, việc đầu tiên là nhân viên vận hành. Học kỹ thế mà về tàu thấy cái gì cũng lạ lẫm. "Nhưng chỉ mất khoảng 1 tuần thì đảm nhiệm máy phụ luôn", anh Hiến kể. Từ ngày về HQ 936 anh chỉ đi tăng cường có một chuyến, cả đời gắn bó với con tàu già nua này. "Các anh đi trước chỉ dạy cho kinh nghiệm nên "sống lâu lên lão làng" thôi", anh Hiến đùa, "hiểu "trái tim của tàu" hơn cả trái tim của vợ mình".

Máy chính của tàu là máy chậm tốc hai thì nên chạy cũng bền. Ăn ở buồng máy, ngủ cũng ở buồng máy nên "bố già" nghe tiếng máy gõ, nghe độ rung là có thể phát hiện ra bệnh. Đận mới thay máy là đận anh vất vả nhất. Lúc đầu, hai máy hay gặp sự cố như kẹt kim phun, hỏng máy phát. Giờ thì vận hành tương đối ổn, chỉ thỉnh thoảng bị xì xoẹt, không hỏng hóc lớn. "HQ 936 gần như đảm nhiệm cấp nước cho toàn quần đảo", anh Hiến kết luận. Lúc đầu đưa nước vào bằng đường ống nên phải kéo đường ống, có lúc giông gió tàu trôi vào sát đảo gặp nhiều sự cố. Rồi chuyển sang cấp bằng téc được vận chuyển qua xuồng để đưa vào đảo, song cũng không hiệu quả. Sau này chuyển sang cấp nước bằng ống cứu hỏa thì cũng phải nối và cũng phải cột phao nhưng ống dai không đứt nên bơm nước tốt hơn.

Ngày xưa cấp nước khổ nhất là cấp cho đảo chìm vì quãng đường xa, từ mép san hô vào đến nhà có lúc phải kéo hơn 1.000m đường ống. Ở tàu thì cứ nối ra, còn anh em dưới xuồng thì cố gắng kéo ống vào đảo. Nếu giông gió nổi lên bất ngờ, cả nhóm khẩn trương đưa xuồng và dây mồi nối với ống vào bãi san hô trước để bớt nguy hiểm. "Sợ nhất là lúc đưa người vào đảo", anh Hiến nói. Vào đảo bao giờ cũng khó hơn ra. Đó chính là lý do tại sao trưởng đoàn Bùi Đình Dương phải chờ xuồng chuyển tải vào qua mép xanh mới đi làm việc với chỉ huy đảo Cô Lin. Có những lúc xuồng chuyển tải bị sóng đánh nhanh thúc thẳng vào đuôi xuồng công tác. Người lái xuồng vừa phải quan sát con sóng, quan sát san hô, đá mồ côi vừa phải quan sát cả xuồng chuyển tải đằng sau để còn tránh hoặc kịp thời thốc ga thoát khỏi cú đâm từ phía sau.

Ngoài việc cấp nước, mỗi lần HQ 936 ra Trường Sa là kết hợp với chuyển thư báo. Hồi chưa có ti vi, điện thoại như bây giờ, anh em trên đảo thèm tàu ra lắm và mong nhất là thư báo. Cứ phải chia thư xong thì mới đến việc bốc dỡ hàng. Ngày đó, nhà thì nhỏ, tàu ra vào thì ít, phương tiện thông tin đại chúng thì hạn hẹp mà mỗi đảo chìm được cấp khoảng 20 khối nước. Khổ nhất là những đảo nhà cao chân chỉ dùng téc nước vài khối. Sau này cơ sở hạ tầng hoàn thiện hơn, đảo đã có thể tích trữ nước mưa và nước cấp với khối lượng nhiều hơn.

HQ 936 là con tàu cấp nước ngọt bền bỉ nhất ở Trường Sa. Những chuyến cấp nước của HQ 936 đã góp phần duy trì sức sống, sức chiến đấu bền bỉ, kiên cường của quân và dân huyện đảo tuyến đầu của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: "Cõng" nước ngọt ra đảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.