(HNM) - Điều chỉnh lương tối thiểu như thế nào, lấy nguồn nào để điều chỉnh, đích đến là nâng cao cuộc sống của người lao động (NLĐ) liệu có còn xa và hơn hết, cần những giải pháp để tránh vòng luẩn quẩn trong cải cách tiền lương như trước đây…?
Dự báo nhu cầu sống xác định mức tăng
Việc ra đời HĐTLQG, thành lập cơ chế xác định tiền lương tối thiểu theo cơ chế ba bên (Chính phủ, người sử dụng lao động và NLĐ) tại Việt Nam thừa nhận tầm quan trọng của NLĐ và người sử dụng lao động tham gia vào quá trình xác định lương tối thiểu, tiến tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa và hợp tác. Để tiền lương của NLĐ được xem xét công khai, toàn diện và phù hợp, HĐTLQG có nhiệm vụ phân tích tình hình kinh tế - xã hội, mức sống dân cư để xác định, dự báo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, qua đó đánh giá tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng và trên thị trường lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp (DN). Dựa vào những yếu tố trên, HĐTLQG sẽ xây dựng và khuyến nghị Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu vùng hằng năm và từng thời kỳ. Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch HĐTLQG, cho biết: Mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh áp dụng từ 1-1 đến 31-12 hằng năm. Sau khi HĐTLQG hoạt động ổn định, các tiểu ban kỹ thuật sẽ điều tra, khảo sát cả thành thị và nông thôn để đưa ra phương án hợp lý nhất. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là thời gian tới lương tối thiểu vùng sẽ tăng và mức tăng phải đủ để cải thiện cuộc sống cho NLĐ.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2014 áp dụng đối với NLĐ tại khối DN. Theo dự thảo, mức lương tối thiểu sẽ tăng 250.000 - 400.000 đồng. Trong đó, lương vùng 1 đến vùng 3 tăng 17%, riêng vùng 4 tăng 15% so với năm 2013. Cụ thể, đối với DN hoạt động tại vùng 1, tăng từ 2,35 triệu đồng/tháng lên 2,75 triệu đồng/tháng, vùng 2 từ 2,1 triệu đồng lên 2,45 triệu đồng/tháng, vùng 3 từ 1,8 triệu đồng lên 2,1 triệu đồng/tháng và vùng 4 từ 1,65 triệu đồng lên 1,9 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu năm 2014 được điều chỉnh với mức tăng tương đương như mức tăng của năm 2013 so với năm 2012 (16-18% tùy theo vùng).
Thách thức trước mắt
Hiện nay, dự thảo Nghị định do Bộ LĐ-TB&XH xây dựng vẫn đang tiếp tục thu thập ý kiến nếu được Chính phủ phê chuẩn, mức lương này sẽ được áp dụng vào ngày 1-1-2014. Tuy nhiên, trước đề xuất của HĐTLQG, cũng có nhiều luồng ý kiến phản hồi từ DN. "Giữa lúc nền kinh tế suy thoái, hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, để duy trì được hoạt động đã là một thách thức không nhỏ, nay tăng lương sẽ là một bài toán hóc búa" - anh Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc Công ty Bắc Hà (Đông Anh), phân trần. Ông Trần Đức Việt, Giám đốc Điều hành Tổng Công ty May 10, cho biết: "Với khoảng 10.000 lao động, lương bình quân hơn 4 triệu/người/tháng, mỗi tháng công ty phải chi ít nhất 40 tỷ đồng tiền lương. Tới đây, nếu tăng lương tối thiểu, chắc chắn chúng tôi sẽ phải tăng giá thành sản phẩm…".
Chia sẻ với DN, ông Lê Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH, cho hay: Lương ở khu vực nhà nước phụ thuộc vào ngân sách, còn khu vực DN ngoài nhà nước thì phụ thuộc vào kết quả SXKD, năng suất lao động, khả năng chi trả của DN. Điều đó đã được khẳng định trong năm 2013, dự báo tình hình SXKD của DN tiếp tục gặp nhiều khó khăn, vì thế, Chính phủ đã phải quyết định điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1-2013 tăng ở mức 16 đến 18% (trong khi mức dự kiến ban đầu là 35 đến 37%). Đối với khu vực hưởng lương ngân sách, mức điều chỉnh sẽ là 1,15 triệu đồng/tháng từ 1-7-2013 thay vì điều chỉnh lên 1,3 triệu đồng từ 1-5-2013 như đã trình. Như vậy, nếu điều chỉnh mức lương tối thiểu theo đúng lộ trình thì mức tăng sẽ rất lớn và DN không chịu được. Còn nếu điều chỉnh để bảo đảm ngay nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ thì sẽ có nhiều DN phá sản và tất yếu, tình trạng thất nghiệp sẽ tăng cao.
Cần linh hoạt, hài hòa lợi ích
Những thách thức mà HĐTLQG phải đối mặt trong quá trình cải cách tiền lương sẽ là không nhỏ. Sau hơn một tháng thành lập, HĐTLQG vẫn đang trong giai đoạn "khởi động" bởi chưa đưa ra được những quyết sách trong lộ trình tăng lương tối thiểu mà mới dừng lại ở mức "sẽ tăng hài hòa" như phát biểu của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và chia sẻ của ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch HĐTLQG là "làm cách nào để tăng lương và lương tối thiểu sẽ tăng bao nhiêu thì chưa có câu trả lời chính xác nhưng chắc chắn sẽ tăng trong năm 2014". Thực tế này cho thấy, chưa như sự kỳ vọng, để HĐTLQG hoạt động hiệu quả, thiết nghĩ cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan chủ quản như Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… để đưa ra quyết sách đúng đắn nhất. Mặt khác, cần xây dựng cơ chế hoạt động để các thành viên của hội đồng chủ động hơn trong việc tìm ra giải pháp hữu hiệu cho lộ trình tăng lương.
Trước mắt, theo lộ trình tăng lương đã được Chính phủ thông qua, đến 2015, lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Như vậy, mỗi năm lương tối thiểu phải tăng khoảng 40%. Với bức tranh tổng thể của nền kinh tế hiện nay, HĐTLQG cần có những đánh giá, phân tích thật kỹ để đưa ra một lộ trình thích hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của cả NLĐ và người sử dụng lao động. Về lâu dài, phải đưa ra được một định hướng trong giai đoạn tới tăng như thế nào, tăng khoảng bao nhiêu phần trăm để DN chủ động cân đối SXKD. Quan trọng hơn, việc tăng lương tối thiểu phải tính đến nhiều yếu tố khác như tốc độ tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế... và tăng lương phải nhìn ở góc độ trả lương cho giá trị sức lao động bỏ ra. Yếu tố then chốt chính là việc chủ động thực hiện tốt cơ chế phối hợp ba bên nhằm thực hiện linh hoạt quy định tiền lương tối thiểu, đáp ứng nhu cầu tối thiểu của NLĐ. Sự linh hoạt còn cần thể hiện ở việc mở rộng quyền tự chủ của DN, khuyến khích hình thành cơ chế đối thoại, thương lượng, thỏa thuận về tiền lương, đồng thời huy động được các nguồn lực từ NLĐ góp sức cùng DN tăng hiệu quả SXKD.
Tăng lương trong giai đoạn này thực sự là một bài toán quá khó đối với DN bởi phần lớn các DN Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn và chắc chắn, đích đến của lộ trình cải cách tiền lương sẽ chưa thể gần hơn. Song giữa lúc cam go như hiện nay, đòi hỏi một chính sách tiền lương linh hoạt, tính toán cụ thể từng giải pháp, cách thức triển khai nhằm tránh lặp lại vòng luẩn quẩn như trước đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.