Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Chưa tìm được đường ra ''biển lớn''

Nhóm phóng viên Văn hóa - Xã hội| 06/08/2021 07:39

(HNM) - Sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa đồ sộ cùng năng lực sáng tạo dồi dào, nhưng hầu hết các lĩnh vực công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Trong khi công nghiệp văn hóa ở nhiều nước đã trở thành một ngành kinh tế, một thị trường văn hóa mở, định vị thương hiệu trên phạm vi toàn cầu, thì các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thời trang... của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung vẫn như những "dòng sông" quanh co, chưa tìm được đường ra "biển lớn".

Hà Nội đã thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật sáng tạo in đậm dấu ấn văn hóa hiện đại. Trong ảnh: Một cảnh trong vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” tại Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy (huyện Quốc Oai).

Nỗ lực tận dụng tiềm năng, thế mạnh

Là nơi gặp gỡ Đông - Tây, Hà Nội là thành phố của sự đa dạng với hệ thống di sản dày đặc, cơ sở hạ tầng văn hóa phong phú, mạng lưới làng nghề thủ công rộng khắp cùng cộng đồng sáng tạo mới mẻ. Tiềm năng, lợi thế này đưa Hà Nội trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy sáng tạo, hình thành nên những sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết: "Nhiều năm qua, với quan điểm "văn hóa không chỉ là mục tiêu, động lực, mà còn là sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng phát triển bền vững Thủ đô", Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng; tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều sự kiện văn hóa sáng tạo quy mô lớn; hình thành, phát triển các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật cộng đồng..., đem lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế".

Trong nỗ lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, Hà Nội tập trung đổi mới phương thức khai thác "mỏ vàng" di sản qua việc gắn các lễ hội dân gian, di tích, đình chùa với phát triển du lịch văn hóa; "thổi hồn" thời đại vào các sản phẩm làng nghề truyền thống, vừa có tính ứng dụng cao, vừa đậm đà bản sắc, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Thành phố cũng bước đầu thành công trong việc tạo dựng những tuyến phố ẩm thực chuyên biệt, những không gian ẩm thực đậm chất Kẻ Chợ trong lòng phố cổ...

Theo Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh, từ nền ẩm thực lâu đời, những món ăn chất chứa tinh hoa, góp phần đưa thiên đường ẩm thực đường phố Hà Nội trở thành điểm đáng nhớ trên bản đồ ẩm thực thế giới. Những thương hiệu phở Thìn, chả cá Lã Vọng, cà phê trứng Giảng, bún chả Hương Liên... xuất hiện ngày càng nhiều trên các thành phố châu Âu, châu Á..., trở thành cầu nối đặc biệt đưa Hà Nội đến gần hơn với bạn bè, du khách quốc tế.

Nỗ lực hội nhập với văn hóa thời đại, Hà Nội đã có những chương trình nghệ thuật sáng tạo in đậm dấu ấn trong công chúng. Đó là Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa tại Di sản văn hóa thế giới - Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long; vở xiếc "Làng tôi" với đạo cụ chủ yếu là những cây tre, mang đến cho khán giả những hoạt cảnh tái hiện chân thực và sống động về đời sống làng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ; hòa nhạc cổ điển Vietnam Airline Hà Nội tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ...

Đặc biệt, vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" tại Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy (huyện Quốc Oai), được coi là một trong những chương trình nhất định phải xem khi đến Hà Nội, không chỉ nhờ thấm đẫm sắc màu văn hóa dân gian, mà còn được thể hiện bởi chính những người nông dân bước ra từ đồng đất xứ Đoài. Ông Jacques Legrand, một người Pháp sinh sống và làm việc tại Việt Nam chia sẻ: "Sự thuần khiết, chân chất của họ, khiến tôi cảm giác như đang hòa mình vào không gian làng quê Bắc Bộ, cảm nhận sâu sắc về sự dung dị, thanh bình và một nền văn hóa giàu truyền thống. Đây là cách quảng bá thực sự độc đáo và hữu hiệu về đất nước, con người bản xứ".

Những tín hiệu vui còn đến từ sự hình thành của các không gian văn hóa, nghệ thuật cộng đồng, với những đại diện tiêu biểu là không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; phố bích họa Phùng Hưng; không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân... cùng hơn 100 không gian sáng tạo đa lĩnh vực lớn, nhỏ khác. Đây là những sân chơi sáng tạo, bổ ích kết nối các giá trị văn hóa, khuyến khích thể hiện các ý tưởng sáng tạo và thúc đẩy giao lưu văn hóa. Như nhận xét của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giám tuyển Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân: "Những dự án mang yếu tố cảnh quan và cộng đồng không chỉ làm cho những không gian vốn chật hẹp, ngổn ngang của thành phố được cân bằng trở lại, mà còn tái tạo sức sống mới ngay trên những không gian di sản chất chứa ký ức văn hóa, lịch sử đô thị".

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai:

Sự phát triển chủ động, mạnh mẽ về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng của các mô hình sáng tạo từ các doanh nghiệp, cộng đồng sáng tạo đã và đang góp phần nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng hòa trong nhịp đập văn hóa và sáng tạo của thành phố. Đặc biệt, việc Hà Nội ghi danh vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) năm 2019, đã giúp thành phố xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Những "dòng sông" chưa thể ra "biển lớn"

Những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, song thẳng thắn nhìn nhận: Công nghiệp văn hóa ở Hà Nội về cơ bản vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Những đại diện kể trên giống như những cánh én nhỏ chưa thể làm nên mùa xuân, khi phần lớn sản phẩm công nghiệp văn hóa khác của Hà Nội còn thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện bản sắc văn hóa sống động; chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao của người dân trong nước; chưa tạo nên làn sóng tiêu dùng của khách du lịch tại các điểm đến du lịch... Nhìn ra thế giới sẽ thấy những khoảng cách khá xa về phát triển công nghiệp văn hóa, có thể mô tả một cách hình ảnh: Trong khi công nghiệp văn hóa ở các nước như những dòng thác cuộn chảy, thì ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, các ngành công nghiệp văn hóa vẫn như những dòng sông quanh co.

Ngoại trừ những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong 2 năm trở lại đây, khiến đời sống làng nghề cũng như mô hình kết hợp khai thác di sản văn hóa gắn với du lịch gặp nhiều khó khăn, thì cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những năm qua, việc khai thác "mỏ vàng" tri thức dân gian từ mạng lưới 1.350 làng nghề ở Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Nghệ nhân làng nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín) Đỗ Trọng Toàn chia sẻ: "Các làng nghề hầu như chưa phát huy được những nét độc đáo, đặc trưng riêng có của nghề truyền thống để hình thành chuỗi tham quan trải nghiệm khác biệt và chất lượng, kết hợp với khung cảnh làng quê, những điểm đến di sản khác của địa phương".

Nhìn rộng ra ở lĩnh vực di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý cho rằng: "Hà Nội đã quan tâm đầu tư cho di sản văn hóa - nguồn tiềm năng của công nghiệp văn hóa; bước đầu đã có những cơ chế, chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa. Tuy nhiên, các sản phẩm này chưa đa dạng, chưa bản sắc và độc đáo, chưa xứng tầm với vị thế của Thủ đô trong tương quan khu vực và quốc tế".

Bối rối không kém là một số mảng nghệ thuật, mà điển hình là lĩnh vực điện ảnh. Theo Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan, thành phố hầu như chưa có đội ngũ làm phim, rất ít nhà đầu tư cho điện ảnh, ít dự án phim được khởi động, nên không khí làm phim nguội lạnh. Điều này rất đáng buồn, vì không thể phát triển công nghiệp điện ảnh, nếu không sản xuất phim.

Ở điểm nhìn khác, các không gian sáng tạo có ý nghĩa đặc biệt trong việc xác lập hình ảnh thành phố sáng tạo, nhưng lâu nay hoạt động khá bấp bênh, do phải "tự sinh, tự tồn" nhờ tâm huyết của những người sáng lập và nguồn tài trợ nhỏ lẻ. Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo Lê Quốc Vinh cho hay, tính chất tự phát, quy mô nhỏ, tản mát và thiếu liên kết, quảng bá quốc tế, khiến người ta khó nhận diện được một đời sống sáng tạo mãnh liệt ở Thủ đô tương tự như các nền công nghiệp văn hóa tại Bandung (Indonesia), Chiang Mai (Thái Lan) hay Thượng Hải, Hàng Châu (Trung Quốc).

Thị trường văn hóa cũng là một câu chuyện dài với nhiều vấn đề nội tại; việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; ngăn chặn văn hóa phẩm độc hại..., nhất là sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm công nghiệp văn hóa ngoại nhập. Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh cho biết, các doanh nghiệp làng nghề ở Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như chi phí sản xuất đầu vào ngày càng cao, việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong cải tiến mẫu mã hàng hóa còn nhiều hạn chế, nên chịu sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm của các nước trong khu vực. Còn theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, điều đáng buồn, hiện các cụm rạp chiếu phim hiện đại trên địa bàn Hà Nội hầu hết đều đến từ doanh nghiệp nước ngoài.

Những vấn đề nêu trên phần nào cho thấy, có lĩnh vực công nghiệp văn hóa của Hà Nội đang thua ngay trên "sân nhà". Công nghiệp văn hóa của Hà Nội hiện vẫn chỉ là "tiềm lực", chưa hình thành được một nền công nghiệp tương xứng với tiềm năng, chưa hội tụ được "sức mạnh mềm" để dẫn hướng sáng tạo, nâng cao khả năng tiếp nhận, hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân cũng như làm giàu thêm bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong giai đoạn phát triển mới của thời đại kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế. Những "dòng sông" tiềm năng vẫn chưa tìm được đường ra "biển lớn".

(Còn nữa)

Giám đốc, Tổng đạo diễn Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa Nguyễn Quốc Trung:

Hà Nội còn bỏ phí nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh trong và ngoài nước. Hiện tại, thành phố chưa có một dự án nghệ thuật nào mang tầm quốc tế, đủ sức thu hút mọi thành phần công chúng trong và ngoài nước, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe về tính cạnh tranh với thói quen thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của khán giả quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Chưa tìm được đường ra ''biển lớn''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.