Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 17: Địa chỉ đỏ Xuân Dương

Hiền Phương| 15/12/2016 06:59

(HNM) - Vinh dự và tự hào cho quê hương Thanh Oai được 7 lần đón Bác Hồ về ở, thăm và làm việc. Một trong những mốc son đáng ghi nhớ nhất đó là ngày 19-12-1946, sau khi chủ trì phiên họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), Chủ tịch Hồ Chí Minh rời làng Vạn Phúc về ở và làm việc tại xã Xuân Dương.

Bộ bàn ghế Bác Hồ làm việc trong những ngày ở tại nhà ông Nguyễn Huy Chúc, xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai.


Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều chính sách đối nội, đối ngoại quan trọng để chỉ đạo toàn diện cuộc kháng chiến.

Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Dương ghi rõ: Ngày 19-12-1946 sau khi chủ trì phiên họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), vào lúc 18h45, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời làng Vạn Phúc về ở và làm việc tại gia đình ông Nguyễn Huy Chúc - một quần chúng cách mạng ở thôn Xuyên Dương, xã Xuân Dương (Thanh Oai) vừa bảo đảm bí mật, vừa thuận tiện liên lạc và cơ động. Cùng đến Xuân Dương với Chủ tịch Hồ Chí Minh có các đồng chí lãnh đạo Trung ương: Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Vũ Kỳ... Trong căn phòng nhỏ trên tầng 2, mọi công việc và sinh hoạt của Bác đều được giữ bí mật tuyệt đối...

Theo tài liệu của huyện Thanh Oai, trong 25 ngày ở và làm việc tại Xuân Dương (từ đêm 19-12-1946 đến ngày 13-1-1947), Bác Hồ đã viết hơn 60 văn kiện ở các lĩnh vực đối nội, đối ngoại, kinh tế, chính trị, xã hội... để chỉ đạo cuộc kháng chiến vừa nổ ra trên cả nước. Cũng tại đây, nhiều cuộc họp của Bác với các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp đã diễn ra. Trong đó có thể kể đến, ngày 21-12-1946, Bác Hồ viết lời kêu gọi gửi nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp, nhân dân các nước Đồng minh, tố cáo cuộc tấn công xâm lược Việt Nam của bọn thực dân Pháp, kêu gọi nhân dân Pháp và nhân dân các nước Đồng minh ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, đồng thời khẳng định tinh thần quyết chiến, quyết thắng của nhân dân ta. Ngày 25-12-1946, Bác viết lời kêu gọi đồng bào cả nước nhân ngày đầu năm mới năm 1947...

Ngày 2-1-1947, Bác viết thư khen ngợi tinh thần quyết chiến của các chiến sĩ bị thương, khen ngợi sự tận tâm của các y sĩ, khán hộ, cứu thương. Ngày 7-1-1947, Bác viết thư gửi Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp trịnh trọng tuyên bố lập trường 7 điểm về việc chấm dứt chiến tranh, khôi phục mối quan hệ Việt - Pháp. Ngày 10-1-1947, Bác viết lời kêu gọi gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và Hoa kiều ở Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi...

Những ngày Bác Hồ ở và làm việc tại Xuân Dương đã được bảo vệ chu đáo. Sau khi quyết định di chuyển lên thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất để tiếp tục cùng Trung ương Đảng chỉ đạo kháng chiến, chập tối 13-1-1947, Bác mời vợ chồng ông Chúc vào gặp. Ngoài việc hỏi thăm sức khỏe bà Nguyễn Thị Dần (vợ ông Chúc) sau khi sinh con gái đầu lòng, theo nguyện vọng của gia đình, Bác đã đặt tên cho cháu bé là Kim Minh và tặng chiếc dây chuyền bằng bạc rồi cảm ơn gia đình trước khi chuyển tới Thạch Thất.

Những ngày Bác ở và làm việc tại Xuân Dương để lại những kỷ niệm không bao giờ quên cho nhân dân địa phương và gia đình ông Nguyễn Huy Chúc. Theo những người cao tuổi ở Xuân Dương kể lại, sau khi Bác rời khỏi địa phương, thực dân Pháp đã tới phá dỡ toàn bộ ngôi nhà hai tầng nơi Người từng ở. Năm 1996, Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao đã công nhận khu nhà ở của gia đình ông Nguyễn Huy Chúc là Nhà lưu niệm Bác Hồ và được xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

Năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) quyết định đầu tư, xây dựng lại toàn bộ khuôn viên Nhà lưu niệm Bác Hồ. Nơi đây hiện đang lưu giữ một số kỷ vật, gắn liền với những ngày Bác ở Xuân Dương như: Chiếc máy đánh chữ, bộ bàn ghế và chiếc giường bằng gỗ lim... Tại đây còn trưng bày một số hình ảnh của Bác những ngày đầu kháng chiến; ảnh chân dung của các đồng chí đã từng về Xuân Dương gặp Bác trong các cuộc họp cùng tấm sơ đồ ghi lại quá trình di chuyển của Bác những ngày đầu kháng chiến. Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Xuân Dương đã trở thành địa chỉ “đỏ”, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về sự nghiệp cách mạng của Bác.

Lần về Xuân Dương ở và chỉ đạo kháng chiến không phải là duy nhất mà Bác Hồ còn về thăm, làm việc tại huyện Thanh Oai 6 lần khác. 70 năm qua, những lời dạy của Người vẫn luôn được Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Oai ghi nhớ và làm theo. Cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Xuân Dương luôn nỗ lực phấn đấu trong công cuộc đổi mới. Thanh Oai là huyện thuần nông đã được thành phố quy hoạch thành vành đai xanh của Thủ đô. Đến nay, đã có 10 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 3,67%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định và được giữ vững, Đảng bộ nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, 70 năm Ngày Bác Hồ về ở và làm việc tại Xuân Dương cũng là thời điểm huyện triển khai kế hoạch thực hiện những nội dung quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương gắn liền với sự kiện những lần Bác Hồ về Thanh Oai là điểm tựa, là niềm tự hào động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân nơi đây không ngừng phấn đấu, vươn lên xây dựng quê hương giàu mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 17: Địa chỉ đỏ Xuân Dương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.