(HNM) - Ngày 16-7-1999 đã ghi dấu thời khắc đáng tự hào của Hà Nội khi được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”. Giờ đây, khi nói về Hà Nội, những nhà ngoại giao, người nước ngoài sống, làm việc và gắn bó với thành phố có chung cảm nhận rằng, đây là một Thủ đô yêu chuộng hòa bình, có nền văn hiến lâu đời, nhiều tiềm năng để hợp tác phát triển và đã trở thành điểm đến của bạn bè năm châu.
Đại sứ Venezuela tại Việt Nam Jorge Rondon Uzcategui:
Hà Nội sẽ mãi là "Thành phố Vì hòa bình"
Từ khi Hà Nội được UNESCO công nhận là “Thành phố Vì hòa bình”, đến nay tôi đã có 13 năm chứng kiến sự phát triển của Thủ đô mang danh hiệu cao quý này. Sau hai thập niên, thành phố giờ đã có diện tích rộng hơn, dân số đông hơn, đa dạng về màu sắc văn hóa, với các tuyến giao thông rộng rãi, nhiều trung tâm thương mại được xây dựng có thể sánh ngang với bất kỳ thành phố hiện đại nào. Trên nền tảng truyền thống tốt đẹp được gìn giữ qua các chặng đường lịch sử, đồng thời đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ phát triển mới, Hà Nội đã phát huy tốt vai trò là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và đầu mối giao dịch quốc tế.
Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là dù đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới và hội nhập thì Hà Nội vẫn giữ được vẻ đẹp hiền hòa của một thành phố hòa bình, đậm đà bản sắc với người dân thân thiện, hiếu khách. Mặt khác, thực hiện chính sách đối ngoại tự chủ, là bạn, là đối tác với các quốc gia trong cộng đồng quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam, Hà Nội đã luôn nêu cao tinh thần phát triển hòa bình thông qua các hoạt động hợp tác, đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc thúc đẩy sự gắn kết và thịnh vượng với nhiều đối tác, tổ chức khu vực và thế giới. Những dân tộc từng trải qua chiến tranh luôn coi trọng giá trị của hòa bình và tôi cho rằng Hà Nội sẽ mãi là “Thành phố Vì hòa bình”.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam Park hyejin:
Hà Nội trở thành điểm đến hòa bình
Khi mới tới Hà Nội và cả đến tận bây giờ, điều làm tôi thực sự ấn tượng là, trong khi người Hàn Quốc thường được biết đến với hình ảnh gấp gáp, bận rộn thì ngược lại, người dân Hà Nội lại khoan thai, không vội vã dù cuộc sống cũng vô cùng hối hả. Hà Nội mang đến một không gian êm đềm, điều không dễ có đối với một đô thị đang hội nhập sâu rộng. Ở đây, tôi luôn nhìn thấy những con người làm việc chăm chỉ nhưng thân thiện, quan tâm lẫn nhau như đã quen biết từ lâu. Tôi nghĩ đó chính là vẻ đẹp rất riêng của thành phố này.
Trong 20 năm qua, cùng với sự phát triển nhanh chóng của Hà Nội, số lượng người dân Hàn Quốc sinh sống ở thành phố cũng gia tăng mạnh mẽ.
Tôi rất vui mừng vì trong quá trình chuyển mình đó có phần đóng góp của các doanh nghiệp, cơ quan Hàn Quốc. Hiện có khoảng 1.800 dự án của Hàn Quốc đang được triển khai tại Hà Nội. Lượng khách du lịch Hàn Quốc đến thành phố cũng ngày càng tăng nhanh. Không chỉ riêng tôi mà những người Hàn Quốc đang sống, làm việc hay đến thăm thành phố luôn có chung cảm nhận rằng, Hà Nội là thành phố của hòa bình.
Từ khi được UNESCO công nhận là “Thành phố Vì hòa bình” đến nay, Hà Nội đã tổ chức thành công nhiều sự kiện mang tầm cỡ quốc tế. Tôi nghĩ đó cũng là một trong những lý do để nâng tầm vị thế của không chỉ riêng thành phố mà của cả Việt Nam. Đặc biệt, tháng 2 vừa qua, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội đã khiến tôi cảm nhận được điều đó rõ hơn bao giờ hết. Hà Nội đã trở thành điểm đến hòa bình và nỗ lực thúc đẩy việc đối thoại để cùng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.
Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar:
Hà Nội là trung tâm của các hoạt động thúc đẩy tình hữu nghị
Tôi thấy Hà Nội hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình". Đây là một thành phố sôi nổi, nhưng cũng chính ở nơi này, bạn luôn cảm thấy an toàn và được chào đón. Là một nhà ngoại giao nước ngoài, tôi cảm nhận tình bạn ở mọi nơi tôi đến.
Đây cũng là một thành phố đầy sức sống và đã chứng minh vai trò trung tâm trong nhiều hoạt động thúc đẩy hòa bình và tình hữu nghị giữa các quốc gia. Hà Nội cũng sẽ sớm tổ chức Giải đua xe Công thức 1 (F1). Đây là minh chứng rõ nét của việc thúc đẩy sự giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, qua đó khẳng định khả năng tổ chức các hoạt động ở cấp độ quốc tế. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có đủ khả năng để trở thành hình mẫu của việc đưa các quốc gia lại gần với nhau.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thường thấy tại các đô thị lớn. Tôi nghĩ lãnh đạo thành phố đã làm được những điều rất ấn tượng, bằng cách khuyến khích Hà Nội trở thành một trung tâm văn hóa - du lịch và thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Mỗi cuối tuần, trung tâm Hà Nội trở thành phố đi bộ và có rất nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Các sự kiện thể thao, trình diễn quốc tế cũng đã đưa Hà Nội lên bản đồ du lịch toàn cầu. Số lượng du khách đến Hà Nội ngày càng tăng và thách thức lớn nhất chỉ là làm sao duy trì sự chú ý và quan tâm của thế giới tới Hà Nội, với tư cách là “Thành phố Vì hòa bình”.
Chúng tôi luôn mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Hà Nội, trọng tâm là vấn đề sáng tạo và đổi mới. Năm 2018, Israel đã lựa chọn tổ chức các hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước tại thành phố này. Chúng tôi cũng hy vọng có thêm nhiều cơ hội để tiếp tục giới thiệu những tiềm năng lớn hơn trong thúc đẩy hợp tác về sáng tạo với Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.