(HNM) - Có một thực tế là một số điểm trong quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm chưa thực sự phù hợp với thực tế và cơ chế đặc thù để triển khai dự án chưa mang lại kết quả như mong muốn... Còn nhiều việc phải làm để di tích Làng cổ Đường Lâm phát huy giá trị trong đời sống.
Bài 1: Vẫn còn khoảng cách về nhận thức
Không gian, cảnh quan làng cổ cũng như cuộc sống, sinh hoạt của người dân Đường Lâm đang thay đổi từng ngày. Một số tuyến đường chính đã và đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng; trường học được xây dựng khang trang, hiện đại. Các di tích bị xuống cấp nghiêm trọng đã và đang được tu bổ, tôn tạo... Tuy nhiên, những bức xúc trong việc xây dựng nhà ở vẫn chưa thể giải quyết triệt để ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân... Ông Giang Mạnh Hoằng, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm nói với chúng tôi như vậy. Và để lấp đầy những khoảng cách về nhận thức giữa các cơ quan chức năng và người dân vẫn là cả vấn đề.
Cổng làng Mông Phụ, xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Linh Ngọc |
Từ khoảng lùi xây dựng nhà ở...
Phóng viên Báo Hànộimới đã đến nhà ông Lê Bá Lợi ở thôn Đoài Giáp, một căn nhà hai tầng khang trang nằm cách chỉ giới đường khá xa, nhưng là công trình xây dựng không phép do không bảo đảm đúng khoảng lùi quy định. Theo quy hoạch, căn nhà của ông Lê Bá Lợi được phép xây dựng hai tầng, tầng 1 phải có khoảng lùi tối thiểu 10m so với mép đường và tầng 2 có khoảng lùi ít nhất 12m. Tuy nhiên, cả tầng 1 và tầng 2 của ngôi nhà này chỉ lùi khoảng 9,7m nên các cơ quan chức năng không cấp phép xây dựng, đình chỉ thi công nhiều lần kèm theo hình phạt cắt điện, cắt nước sinh hoạt... "Chúng tôi biết xây nhà khi chưa được cấp phép là sai, nhưng chúng tôi khó có thể làm khác. Trước khi xây dựng, chúng tôi xin phép, song thủ tục quá rườm rà, phức tạp, đến ngày giờ định khởi công vẫn chưa xong buộc phải khởi công theo kế hoạch. Hơn nữa, chúng tôi làm gì còn đất mà lùi" - ông Lê Bá Lợi cho biết thêm: Nhiều tháng nay, gia đình ông phải kéo nhờ điện từ nhà hàng xóm với giá cao, sinh hoạt của gia đình gặp nhiều khó khăn.
Với thửa đất có chiều dài khoảng 8m, gia đình ông Lê Văn Đào, ở Xóm 1, thôn Đông Sàng chưa biết phải làm thế nào khi ngày, giờ ấn định cho việc khởi công xây nhà đã cận kề. Nếu xây đúng khoảng lùi, chiều rộng của căn nhà chỉ còn khoảng hơn 2m, hóa ra nhà "siêu mỏng", nếu xây quá cũng có nghĩa là vi phạm thì đương nhiên các cơ quan chức năng không cấp phép xây dựng. Cũng ở thôn Đông Sàng, ông Lê Văn Thảo chỉ vào ngôi nhà đang xây nói: "Nhà tôi có phép xây dựng, nhưng thật khó nói trong quá trình xây dựng sẽ không vi phạm quy định. Xây dựng đúng sẽ không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho gia đình...". Đây cũng là nỗi niềm của đa số người dân Đường Lâm hiện nay.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng Đô thị - thị xã Sơn Tây cho biết: Dân số ở Đường Lâm ngày một tăng, trong khi diện tích đất ở không thay đổi. Khi con cái trưởng thành, cha mẹ chia nhỏ phần đất ra cho các con ở riêng nên rất ít hộ còn diện tích đất đủ rộng để bảo đảm khoảng lùi theo quy định. Năm 2015, Đường Lâm có 30 hộ xây dựng nhà có phép, 16 hộ xây dựng không phép hoặc sai phép. "Nỗi niềm của người dân Đường Lâm chúng tôi hiểu và rất thông cảm. Song, với vai trò là người phụ trách việc cấp phép xây dựng, chúng tôi không thể làm trái quy định" - ông Nguyễn Viết Đạt nói.
Phối cảnh mẫu nhà mới thiết kế ở Đường Lâm. |
...đến mẫu thiết kế mới
Cùng với khoảng lùi, việc thiết kế các mẫu nhà truyền thống sao cho phù hợp với không gian làng cổ cũng được đặt ra trong quy hoạch. Các ngành chức năng của thị xã Sơn Tây đã phối hợp với Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH,TT&DL) khảo sát, nghiên cứu và đề xuất 20 mẫu nhà chính, một số mẫu nhà phụ, cổng, tường bao và một số chi tiết kiến trúc trên các công trình. Các mẫu nhà trong khu vực bảo vệ 1 của di tích cao không quá 7,5m, mái lợp ngói; các mẫu nhà trong khu vực bảo vệ 2 có thể gồm 2 hoặc 3 sàn tầng, mái lợp ngói với vật liệu truyền thống. Hiện tại, hồ sơ nghiên cứu về các mẫu nhà cơ bản đã được Bộ VH,TT&DL đồng ý. Trên thực tế, những ngôi nhà được cấp phép xây dựng trong thời gian qua ở Đường Lâm đều dựa trên kiến trúc của các mẫu thiết kế này. Dù đã đưa ra nhiều mẫu, đã lấy ý kiến nhân dân, tuy nhiên, theo ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm, việc triển khai xây dựng nhà ở theo các mẫu thiết kế nêu trên không dễ. "Dù các mẫu nhà mới được đánh giá là phù hợp, nhưng nếu thiếu sự hỗ trợ phần mái cho các gia đình thì tôi e rằng tương lai Làng cổ Đường Lâm sẽ khó tương đồng về mặt kiến trúc. Bởi vì, các thửa đất xây dựng ở Đường Lâm không thống nhất về mặt kích thước nên khi triển khai xây dựng phải áp dụng linh hoạt các mẫu nhà này. Nghĩa là cùng một khu vực, hộ A có thể xây dựng theo mẫu số 2, hộ B có thể áp dụng theo mẫu số 10; cùng một căn nhà, hình dáng bên ngoài có thể là mẫu này, kiến trúc bên trong có thể áp dụng theo mẫu khác. Chưa kể, một số hộ dân lợp chất liệu không phải là ngói đỏ cho mái nhà của mình... rất phản cảm - ông Phạm Hùng Sơn phân tích. Từ thực tế đó, ông Phạm Hùng Sơn kiến nghị các cơ quan chức năng nên hỗ trợ vật liệu làm mái nhà cho người dân để tạo sự thống nhất về kiến trúc cho làng cổ. Một số nước trên thế giới đã làm theo cách này và họ giữ được làng cổ, phố cổ.
Ông Kiều Văn Quang, Bí thư Chi bộ thôn Đông Sàng cho biết: Các mẫu nhà mới được treo tại các nhà văn hóa để lấy ý kiến nhân dân trong nhiều tháng, song cũng như khoảng lùi xây dựng, người dân nhìn mẫu thiết kế không hình dung hết được khi triển khai trong thực tế sẽ như thế nào? "Với cá nhân tôi, các mẫu thiết kế phù hợp với mảnh đất chưa có công trình xây dựng, đối với những gia đình có nhu cầu xây thêm nhà ở không dễ áp dụng theo các mẫu này. Với quy định khoảng lùi như hiện tại, việc áp dụng các mẫu nhà mới gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, quá trình triển khai phải đặt trong từng trường hợp cụ thể mới có thể đưa ra phương án khả thi" - ông Kiều Văn Quang trăn trở.
Một số hộ dân đã xây nhà nhận được hỗ trợ tư vấn, thiết kế và cấp phép xây dựng dựa trên các mẫu nhà mới nhưng đa số cho rằng, họ xây nhà theo kiến trúc truyền thống, chứ không phải theo mẫu mới. Điều đó phần nào cho thấy, các quy định, hướng dẫn từ các cơ quan chức năng so với thực tế và nhận thức của người dân vẫn còn những khoảng cách nhất định.
Theo quy hoạch, việc xây dựng công trình nhà ở tại thôn Mông Phụ - vùng bảo vệ 1 của di tích phải bảo đảm khoảng lùi tối thiểu 10m so với chỉ giới đường có mặt cắt ngang lớn hơn 3m và khoảng lùi tối thiểu 6m so với chỉ giới đường có mặt cắt ngang dưới 3m. Tại thôn Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Cam Lâm - khu vực bảo vệ 2 của di tích, công trình xây dựng nhà ở dọc các tuyến đường phải bảo đảm khoảng lùi từ 3 đến 12m, tùy thuộc vào chiều rộng của tuyến đường và chiều cao của ngôi nhà. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.