(HNM) - LTS: Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội (năm 2003), sau đó là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) (năm 2015) quy định rất nhiều chủ thể tham gia giám sát việc thi hành Hiến pháp, trong đó Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND, đại biểu HĐND đóng vai trò quan trọng.
Toàn cảnh kỳ họp lần thứ mười một, Quốc hội khóa XIII.Ảnh: Nhật Nam |
Báo Hànộimới giới thiệu loạt bài phản ánh việc xây dựng, thi hành pháp luật và những yêu cầu đặt ra trong việc lựa chọn nhân sự đối với cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021, với đích đến quan trọng là nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử.
Quốc hội khóa XIII sắp hết nhiệm kỳ và sẽ chuyển giao việc thực hiện quyền lập pháp cho Quốc hội khóa XIV được cả nước sáng suốt lựa chọn bầu ra trong ngày bầu cử 22-5 tới. Nhìn lại thành tựu của Quốc hội khóa XIII trong 5 năm qua có thể thấy, 500 ĐBQH chính là "hình ảnh của nhân dân được thu nhỏ", đã thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước, đại diện cho nhân dân thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước và giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước.
Thể chế hóa các quy định của Hiến pháp
Mốc son rực rỡ nhất trong hoạt động lập hiến, lập pháp của Quốc hội khóa XIII là đã thay mặt nhân dân cả nước xem xét thông qua bản Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện cả về kinh tế lẫn chính trị; chủ động hội nhập quốc tế và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bản Hiến pháp này là cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc đất nước trong thời kỳ mới.
Tiếp đó, hoạt động lập pháp của Quốc hội khóa XIII sôi động hơn sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực. Trong hai năm 2014-2015 và cả kỳ họp cuối cùng vào đầu năm 2016, hầu hết các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước lần lượt được Quốc hội khóa XIII sửa đổi, bổ sung và ban hành theo tinh thần và nội dung mới của Hiến pháp: Từ Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử…
Đặc biệt, các đạo luật mới thể chế hóa những quan điểm, nguyên tắc mới về đề cao quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013. Từ luật hình thức như Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hình sự đến luật nội dung như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và các đạo luật mới như Luật Trưng cầu dân ý, Luật Tiếp cận thông tin - những đạo luật lần đầu tiên ra đời ở Việt Nam. Có thể nói, chất lượng lập pháp của Quốc hội thời gian qua được nâng lên rõ rệt nhờ hoạt động đóng góp ý kiến xây dựng luật được các Đoàn ĐBQH thực hiện dưới nhiều hình thức.
Đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Thành Nam |
Cùng với lập hiến và lập pháp, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội khóa XIII cũng để lại nhiều dấu ấn. Điều cử tri nhận thấy rõ rệt nhất là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội được tiến hành trong không khí ngày càng dân chủ, cởi mở và trách nhiệm. Nhờ đó, ĐBQH thực hiện quyền chất vấn ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt và có mong muốn đi đến cùng vấn đề mình đặt ra.
Người có nghĩa vụ trả lời chất vấn đã có ý thức hơn trong việc nâng cao năng lực và trách nhiệm trước nhân dân và trước đại biểu. Vì thế, dân chủ trong hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động của Nhà nước tại kỳ họp đã trở thành một phương thức không thể thiếu để thông qua người đại biểu do mình bầu ra, thay mặt mình kiểm soát quyền lực nhà nước đối với những người đứng đầu bộ máy nhà nước, nhất là những người có trọng trách trong bộ máy hành pháp.
Quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước
Thực hiện thẩm quyền quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, Quốc hội khóa XIII đã tiến hành bầu và phê chuẩn các chức danh đứng đầu các cơ quan nhà nước cao nhất theo đúng quy trình, thủ tục và bước đầu thể hiện được chính kiến của mình trong việc bấm nút thông qua. Trong việc quyết định những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hằng năm và 5 năm, Quốc hội cũng đã dành thời gian thích đáng cho việc xem xét và đánh giá một cách khách quan, toàn diện những mặt tích cực và những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ; chỉ ra các nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhất là phân tích kết quả điều hành của Chính phủ, các ngành, các cấp, để từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về chính sách và cách thức điều hành nhằm đạt được mục tiêu. Những quyết định về tài chính, ngân sách quốc gia những năm gần đây được Quốc hội thảo luận và quyết định một cách công khai, có sự tư vấn và hỗ trợ chuyên môn về tài chính của các nhà hoạch định chính sách… đã góp phần giảm tính hình thức trong các quyết định.
Tuy đạt được những thành tựu cơ bản và quan trọng nói trên nhưng những mong mỏi của cử tri cả nước đặt ra cho Quốc hội khóa XIV những đòi hỏi. Trước hết, thước đo để đánh giá một Quốc hội mạnh, thực chất, không hình thức, đó chính là khi thực hiện các chức năng của mình, Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân đến mức độ nào? Nhân dân mong muốn các ĐBQH khóa XIV sắp tới tiếp tục thể hiện sâu sắc hơn nữa, đại diện đầy đủ hơn nữa ý chí và nguyện vọng của nhân dân trong việc thực hiện chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước.
Hai là, hoạt động của Quốc hội theo trình tự và thủ tục nghị trường (trình tự và thủ tục dân chủ nhất trong đời sống nhà nước). Vì vậy, cử tri mong muốn Quốc hội khóa XIV phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa quy trình và thủ tục hoạt động nghị trường sao cho không còn những bài tham luận viết sẵn chủ yếu để biểu dương, khen ngợi, minh họa, chứng minh về những điều mà ai cũng biết, làm tốn thời gian, để có một Quốc hội chủ yếu làm việc theo quy trình phản biện, tranh luận, làm rõ chân lý, phân tích đúng sai, xác định trách nhiệm, quyết sách một cách thấu đáo, nhiều chiều, thể hiện chính kiến đại biểu một cách minh bạch. Có như vậy, chất lượng của các kỳ họp của Quốc hội mới được nâng cao, đáp ứng mong mỏi của đại đa số cử tri trong cả nước.
Ba là, ý chí và nguyện vọng của nhân dân lao động không phải là ý chí và nguyện vọng chủ quan của từng cá nhân nhân dân lao động cộng lại mà là ý chí, nguyện vọng hợp quy luật, phù hợp với sự vận động và phát triển của thực tiễn khách quan. Đó chính là những giá trị mà xã hội có, xã hội cần, xã hội ủng hộ được thừa nhận chung.
Vì vậy, để đại diện nhân dân không chút do dự, các ĐBQH, trước hết phải là người có vốn hiểu biết sâu rộng, am hiểu thực tiễn cuộc sống, nghe nhiều, thấy rộng, có khả năng tái cấu trúc ý kiến đóng góp của người khác bằng sự hiểu biết của mình để có thể đưa ra các giải pháp thỏa mãn sự mong muốn chung của nhân dân và biết thỏa hiệp cần thiết với các ý kiến khác. Cử tri cả nước mong muốn ĐBQH gần dân hơn nữa, nắm bắt kịp thời các nhu cầu của cuộc sống bằng sự vận động của trí tuệ, chứ không phải bằng sự phản ánh đơn thuần ý muốn chủ quan của từng cá nhân cử tri. Nhân dân - chủ thể của quyền lực nhà nước luôn mong muốn người đại diện của mình - ĐBQH khóa XIV - xem xét và "bấm nút" thông qua các đạo luật, các nghị quyết với chất lượng tốt nhất, thể hiện đầy đủ, đúng đắn nhất ý chí của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.