Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Những chiêu lách luật

Nhóm phóng viên| 17/04/2016 05:57

LTS: Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, mỗi năm có khoảng gần 100.000 lao động (LĐ) Việt Nam sang nước ngoài làm việc. Con số này chiếm khoảng 5% tổng số lao động tìm được việc làm hằng năm của cả nước, góp phần hoàn thành chỉ tiêu về tạo việc làm mà Quốc hội giao cho Bộ LĐ-TB&XH.


Bài 1: Những chiêu lách luật

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, mỗi ngày có hàng chục đơn thư khiếu nại gửi đến Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH liên quan đến việc lao động (LĐ) bị lừa đảo, bị thu phí môi giới quá quy định hoặc doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết khi đưa LĐ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Đó là chưa kể nhiều LĐ đã gửi đơn thư đến cơ quan công an hoặc cơ quan chức năng liên quan đến lĩnh vực này để tố cáo những hành vi làm trái quy định của doanh nghiệp. Có thể nói, doanh nghiệp có hàng trăm chiêu trò để lách luật, dụ dỗ và lừa đảo những LĐ kém hiểu biết...

Lao động Việt Nam chờ làm thủ tục xuất cảnh đi lao động tại nước ngoài.


Thu phí quá quy định

Có thể nói, chưa bao giờ hoạt động XKLĐ lại có nhiều biến tướng như thời gian gần đây. Một trong những sai phạm điển hình là rất nhiều doanh nghiệp thu phí môi giới của LĐ vượt quy định, đặc biệt là tại thị trường Đài Loan. Điều này dẫn đến tình trạng LĐ Việt Nam tại Đài Loan bỏ hợp đồng, trốn ra ngoài làm việc hoặc tìm cách ở lại khi sắp hết hạn hợp đồng. Lý giải hiện tượng này, Ban Quản lý LĐ Việt Nam tại Đài Loan cho biết, năm 2015, có tháng, số LĐ bỏ trốn đã lên tới 1.100 người. Cũng bởi khi đăng ký tham gia XKLĐ tại các doanh nghiệp, người LĐ phải đóng phí môi giới quá cao nên khi chuẩn bị hết hạn hợp đồng, họ đã trốn ra ngoài làm việc, cư trú bất hợp pháp để bù lại số tiền đã phải chi trả trước đó.

Theo những LĐ đã từng đi XKLĐ tại Đài Loan, đa số NLĐ phải đóng mức phí từ 6.000 đến 6.500 USD, cá biệt có trường hợp lên đến hơn 7.000 USD, trong khi đó quy định là 4.000 USD. Điển hình là trường hợp của anh Trần Văn Quyết, 25 tuổi (xã Yên Vạn, huyện Yên Châu, tỉnh Nghệ An) xuất cảnh năm 2014 đã phải đóng phí môi giới là 6.300 USD (chưa tính tiền đặt cọc). Nhẩm tính, với mức phí trên (tương đương 130 triệu đồng), LĐ sẽ phải mất gần 1 năm làm việc trong điều kiện có việc làm thêm giờ mới có thể bù đắp. Thời gian 2 năm còn lại, họ sẽ tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng. Theo anh Quyết, tháng nào có làm thêm, tăng ca (khoảng 100 giờ/tháng), mức thu nhập của anh là 2,5 vạn Đài tệ (khoảng 20 triệu đồng); tháng nào không tăng ca thì thu nhập được 1,5 vạn Đài tệ (tương đương 12 triệu đồng). Tuy nhiên, oái oăm là ở chỗ, trong cam kết, hầu hết các doanh nghiệp đều khẳng định rằng, những LĐ tham gia XKLĐ qua sự môi giới của họ sẽ có việc làm thêm, ít nhất là 3-4 giờ/ngày nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được.

Đem con bỏ chợ

Một sai phạm khác là nhiều doanh nghiệp không thực hiện được những cam kết ghi trong hợp đồng nhưng cố tình chây ỳ, không phối hợp giải quyết các chế độ cho LĐ. Điển hình là trường hợp một số LĐ đi XKLĐ thông qua Công ty Đào tạo cung ứng nhân lực Haui (Letco) chi nhánh Hà Nội.

Theo đơn thư phản ánh, năm 2015, anh Hoàng Minh Dụng (Kỳ Phú, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Nguyễn Viết Xuân (cũng quê Hà Tĩnh) được xuất cảnh sang Cộng hòa Síp thông qua Công ty Letco chi nhánh Hà Nội. Theo thỏa thuận, anh Dụng và anh Xuân được bố trí làm nghề hàn, thời hạn làm việc là 5 năm, mức lương 450-600 EUR/tháng (tương đương 13-18 triệu đồng) chế độ làm việc 8 giờ /ngày, 6 ngày/tuần, chủ nhật được tính làm thêm, ăn và ở được bố trí chỗ ở. Chân ướt chân ráo đến nước bạn, hai anh được bố trí đi... bốc gạch, bốc xi măng với thời gian làm việc lên đến 13 giờ /ngày, mức lương là 350 EUR/tháng và phải tự lo các khoản chi phí ăn, ở… Xót con, xót của, gia đình hai LĐ trên đã quá tam ba bận làm đơn gửi Công ty Letco, thậm chí trực tiếp tìm gặp giám đốc công ty để mong nhận được hỗ trợ. Thế nhưng, nhiều tháng trôi qua, họ vẫn không nhận được hồi âm cũng như câu trả lời thỏa đáng từ phía Letco. Bức xúc, họ buộc phải cầu cứu đến cơ quan báo chí cũng như Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH. Đáng nói hơn, ngay cả khi Cục Quản lý lao động ngoài nước nhiều lần liên hệ với Công ty Letco, yêu cầu đơn vị báo cáo sự việc cũng không hề có hồi âm. Đến ngày 25-12-2015, tại buổi làm việc với Cục Quản lý lao động ngoài nước, đại diện công ty này mới giải trình rằng: Người môi giới bị tử vong do tai nạn giao thông nên việc giải quyết cho LĐ bị chậm. Công ty Letco cũng thừa nhận đã bố trí việc cho NLĐ sai thỏa thuận và thống nhất trả lại tiền dịch vụ 900 USD để bù vào tiền lương hằng tháng do công việc không có thu nhập đúng như ban đầu. Ngoài ra, Letco cũng thừa nhận một số sai phạm khác như đưa lao động đi "chui", không đăng ký hợp đồng đưa LĐ đi làm việc tại Cộng hòa Síp với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo quy định; hợp đồng LĐ cũng không đúng với báo cáo của công ty đối với cơ quan quản lý nhà nước. Theo quy định, Công ty Letco có thể chịu mức phạt tiền lên tới 150 triệu đồng và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động XKLĐ trong thời hạn 6 tháng.

Một trường hợp khác đó là những sai phạm tại Công ty Bảo Việt - Taylo khi thiếu trách nhiệm với LĐ ở nước sở tại. Theo đơn trình bày, trước khi nộp hồ sơ đi XKLĐ ở Arab Saudi, chị Dương Thị Luyện và Lưu Thị Chuyên đã được Công ty Bảo Việt - Taylo giới thiệu về một việc làm ổn định, thu nhập cao. Nhưng giấc mộng của chị Chuyên đã tan vỡ khi bị chủ nhà đánh đập và nợ lương 5 tháng khiến chị phải trốn khỏi nhà chủ vào tạm trú tại Khadimat. Còn chị Trần Thị Luyện thì trong 9 tháng liên tục không được trả lương đúng hợp đồng (thỏa thuận lương 1.400 SR/tháng nhưng chỉ được trả 700-900 SR). Theo hồ sơ tại Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong năm 2015, nhiều vụ việc khiếu nại đã xảy ra liên quan tới Bảo Việt - Taylo nhưng công ty này đều né tránh trách nhiệm. Thậm chí khi sự việc xảy ra, đơn vị này đã không cử đại diện thường trú tại Arab Saudi hoặc cán bộ cùng xử lý vụ việc, cũng không giải quyết kịp thời các phát sinh gây ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Hànộimới, ông Tống Nam Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, những sai phạm trên đều mang tính chất điển hình và xảy ra tương đối nhiều. Tuy nhiên, có nhiều những sai phạm khác liên quan đến các thị trường có thu nhập cao như tình trạng cò XKLĐ, lừa đảo XKLĐ của các đơn vị, các doanh nghiệp không có chức năng XKLĐ. Điển hình là mới đây, cơ quan công an đã phát hiện Công ty cổ phần Ðầu tư thương mại - phát triển Hoàng Kim tổ chức cho gần 100 LĐ sang Hàn Quốc làm việc núp dưới hình thức du học. Trước đó, tại Hải Dương, nhiều LĐ đã phải vay mượn đến 200 triệu đồng để đi làm việc tại Hàn Quốc qua đường du lịch mà không cần học hay thi tiếng Hàn Quốc như quy định.

Ông Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng ban Quản lý LĐ tại Đài Loan: Có khoảng 70-80% LĐ bỏ trốn ra ngoài làm việc ở thời điểm họ gần hết hạn hợp đồng với mục đích cũng muốn ở lại và kiếm thêm thu nhập. Pháp luật của Đài Loan cho phép LĐ nước ngoài được làm việc ở Đài Loan 14 năm. Tuy nhiên, đó là các trường hợp sau 3 năm hết hạn hợp đồng, LĐ phải xuất cảnh sau đó mới được quay trở lại làm việc. Song do phí môi giới quá cao nên gần hết 3 năm hợp đồng, LĐ muốn ở lại đã bỏ trốn ra ngoài.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Những chiêu lách luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.