(HNM) - Hầu hết sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng như chỉ dẫn địa lý.
LTS: Không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm nhãn chín muộn Đại Thành, hồng xiêm Xuân Đỉnh, bưởi Diễn, gạo bồ nâu Thanh Văn…, Hà Nội còn là vùng chăn nuôi lớn nhất cả nước với nhiều thương hiệu như sữa Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, Ba Vì... Thế nhưng, hầu hết sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng như chỉ dẫn địa lý. Điều này đã làm giảm giá trị sản phẩm, hạn chế sức tiêu thụ, chưa phát huy được tiềm năng vốn có của ngành nông nghiệp Thủ đô. Ngay cả với những sản phẩm đã có thương hiệu, việc giữ và phát huy thương hiệu cũng chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao.
Bài 1: Nhà nông chịu thiệt
Cứ mỗi dịp lễ, Tết, mặt hàng gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) lại xuất hiện tại hầu hết các siêu thị của Hà Nội, trong khi đó hàng chục nghìn con gà đồi của người dân Thủ đô vẫn chỉ "luẩn quẩn" tại các chợ nhỏ lẻ, chợ cóc... Không chỉ vậy, mặt hàng bưởi Diễn không được người tiêu dùng lựa chọn nhiều so với bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, bởi chẳng biết đâu là "Diễn thật", "Diễn giả"… Khởi nguồn của mọi nguyên nhân vẫn là “bài toán” thương hiệu chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức.
Nhãn chín muộn Đại Thành là một trong những sản phẩm bị xâm hại nhãn hiệu. Ảnh: Bá Hoạt |
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Từ lâu, người dân xã Liên Hà, huyện Đông Anh mong muốn sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của địa phương được đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu nhằm quảng bá sản phẩm, nâng cao thu nhập. Chị Dương Thị Thước, ở thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà cho biết: Nếp hoa vàng bén duyên với người Liên Hà đã mấy chục năm nay. Đây là giống nếp có khả năng chống đổ tốt, chịu được điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên; là giống lúa kháng được bệnh đạo ôn, khô vằn, rầy nâu. Với đồng đất phù hợp, gạo nếp Liên Hà cho chất lượng thơm ngon hơn các giống nếp khác và nổi tiếng đất Hà thành. Song, do chưa có thương hiệu nên sản phẩm không xâm nhập được vào các thị trường lớn của Hà Nội như các siêu thị, nhà hàng… Không chỉ có gạo Liên Hà, nhiều mặt hàng nông sản của Hà Nội cũng đang bị lãng quên do không có thương hiệu.
Hà Nội là địa phương có tiềm năng chăn nuôi lớn, nhưng lâu nay vẫn còn bỏ ngỏ, việc xây dựng thương hiệu. Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Minh cho biết, với tổng đàn gia cầm lên tới 1,5 triệu con, huyện xác định trọng điểm là gà đồi, xây dựng thương hiệu ở các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Minh Trí. Chăn nuôi gà phải mất khoảng 4 tháng, nếu các hộ nuôi không có sự phân bổ hợp lý, hộ bán được đắt, hộ thì bán rẻ; thậm chí khi thấy giá lên người dân đồng loạt nuôi, dẫn tới cung vượt cầu, giá lại xuống thấp, người dân lại chán, bỏ chuồng. Do chưa có thương hiệu, nhiều sản phẩm như gà đồi Sóc Sơn, Ba Vì… vẫn chưa được ưa chuộng, trong khi đó gà đồi Bắc Giang mỗi ngày tiêu thụ khoảng 10 tấn tại Hà Nội.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, trong hàng trăm mặt hàng chủ lực của ngành nông nghiệp, hiện Hà Nội mới chỉ đăng ký nhãn hiệu được hơn 10 sản phẩm trong trồng trọt như gạo bồ nâu Thanh Văn, cam Canh Kim An, khoai lang Đồng Thái, nhãn chín muộn Đại Thành, chè Ba Vì… Đối với chăn nuôi, dù tiềm năng rất lớn với các sản phẩm nổi tiếng, có lợi thế như gà mía Sơn Tây, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu (Sóc Sơn), thịt bò Hà Nội, gà đồi Sơn Tây…, nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu.
Thật, giả lẫn lộn
Xã Đại Thành, huyện Quốc Oai là nơi lưu giữ cây nhãn tổ trên 120 năm tuổi. Đây là giống nhãn cho chất lượng quả ngon, mẫu mã đẹp, đặc biệt thời gian thu hoạch muộn hơn so với giống nhãn đại trà một tháng. Cuối năm 2013, nhãn chín muộn Đại Thành được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể cho 583 hộ thành viên của xã được sản xuất và sử dụng sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, trong vụ thu hoạch cuối năm vừa qua, nhiều nơi đã sử dụng nhãn hiệu "Nhãn chín muộn Đại Thành" để giới thiệu sản phẩm và các sản phẩm đó không được kiểm định về chất lượng đã làm mất uy tín cho nhãn hiệu sản phẩm.
Không chỉ có nhãn chín muộn Đại Thành, ổi Đông Dư của huyện Gia Lâm cũng đang bị xâm hại nhãn hiệu. Theo Chủ nhiệm HTX Đông Dư Nguyễn Quang Huy, giống ổi Đông Dư dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi sào trồng ổi thu hoạch được từ 1,2 tấn đến 1,5 tấn/vụ, bình quân mỗi héc ta ổi thu được khoảng 300 triệu đồng. So với trồng cây lương thực và các loại rau, trồng ổi đem lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần. Dù đã được xây dựng nhãn hiệu, nhưng trên thị trường vẫn xuất hiện rất nhiều ổi ở các vùng khác gắn mác ổi Đông Dư, làm ảnh hưởng tới uy tín của giống ổi địa phương.
Do chưa làm tốt công tác quản lý thương hiệu, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội bị nhái, thật giả lẫn lộn ngay trên thị trường Thủ đô, khiến người tiêu dùng không nhận biết được sản phẩm thật. Ngay như sản phẩm sữa tươi Ba Vì, đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng chục năm nay, nhưng dọc các tuyến đường 32, đường Ba Vì - Sơn Tây - Xuân Mai…, ở đâu cũng thấy căng biển bán sữa tươi Ba Vì, bảo đảm chất lượng, thơm ngon, nhất là sản phẩm sữa dê. Đại diện Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) cho rằng, bình quân mỗi ngày người dân trên địa bàn huyện Ba Vì chỉ sản xuất được khoảng 9-10 tấn sữa tươi cung cấp cho doanh nghiệp, nhưng dọc các tuyến đường về nội thành Hà Nội, chỗ nào cũng thấy bán sản phẩm sữa dê, không hiểu lấy ở đâu mà nhiều sữa dê vậy? Các sản phẩm sữa trôi nổi trên thị trường đều không được kiểm soát về chất lượng, khi có vấn đề gì xảy ra, công ty là người chịu thiệt nhất về uy tín, vì vậy việc giữ gìn thương hiệu còn rất nan giải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.