(HNM) - Đi vào đời sống, Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) đã tạo ra môi trường xã hội thuận lợi để các hoạt động văn hóa nảy sinh, phát triển.
LTS: Năm mươi lăm năm sau ngày văn kiện có ý nghĩa tuyên ngôn của Đảng về văn hóa - "Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943" ra đời, Nghị quyết Hội nghị TƯ 5 khóa VIII (năm 1998) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" được ban hành, tiếp tục khẳng định quan điểm phát triển văn hóa một cách toàn diện, coi văn hóa là sức mạnh nội sinh, là động lực của sự phát triển. 15 năm qua, chúng ta ngày một cảm nhận rõ hơn về ý nghĩa chiến lược của Nghị quyết, những thành tựu to lớn không thể phủ nhận cũng như những hạn chế, những điều chỉnh cần có để nâng cao chất lượng thực hiện định hướng lớn về phát triển văn hóa của Đảng.
Bài 1: Luồng sinh khí mới
Ra đời năm 1998, sau 12 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" (gọi tắt là Nghị quyết TƯ 5) xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới, có sự kế thừa, phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, tiếp thu những thành tựu của nhân loại. Đi vào đời sống, Nghị quyết TƯ 5 đã tạo ra môi trường xã hội thuận lợi để các hoạt động văn hóa nảy sinh, phát triển.
Hà Nội tập trung đầu tư xây dựng các công trình văn hóa nhằm chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân. Ảnh: Bá Hoạt |
Cương lĩnh văn hóa thứ hai của Đảng
Do chiến tranh, do nhận thức về văn hóa còn có phần hạn chế, suốt một thời gian dài, nhiều giá trị văn hóa truyền thống cần được giữ gìn và phát huy trong thời đại mới bị cho là phong kiến, lạc hậu, mê tín dị đoan. Khi đất nước thống nhất, đặc biệt là từ khi bắt tay thực hiện công cuộc Đổi mới, hội nhập với thế giới, quan điểm coi trọng văn hóa, coi văn hóa là nhân tố bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước được khẳng định lại trên cơ sở 3 nguyên tắc cơ bản trong Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa, cũng như quan điểm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" (Chủ tịch Hồ Chí Minh)… Những quan điểm đó cùng đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn xã hội Việt Nam là tiền đề để Nghị quyết TƯ 5 ra đời.
Nghị quyết TƯ 5 khẳng định: "Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc". Thế nhưng, vào những năm 90 của thế kỷ trước, Đảng ta nhận thấy: "Trước những biến động chính trị phức tạp trên thế giới, một số người dao động, hoài nghi về con đường xã hội chủ nghĩa, phủ nhận thành quả của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, phủ nhận lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng… Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ... đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Nghiêm trọng hơn là sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ có chức, có quyền" (mục 2, phần I, Nghị quyết TƯ 5).
Từ sự nhìn nhận đó, Nghị quyết TƯ 5 đề ra mục tiêu xuyên suốt là "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng…
Nhằm thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết TƯ 5 đề ra những giải pháp cơ bản như: Mở cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; xây dựng, ban hành luật pháp và các chính sách văn hóa (xã hội hóa hoạt động văn hóa, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, khuyến khích sáng tạo); tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa; nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, trong đó nhấn mạnh tới việc bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa, khắc phục thái độ xem nhẹ việc xây dựng và đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa…
Nghị quyết TƯ 5 được đánh giá là cương lĩnh văn hóa thứ hai của Đảng, sau Đề cương văn hóa năm 1943. Đặt trong bối cảnh chung của những năm cuối thế kỷ XX, Nghị quyết TƯ 5 đề cao vai trò của văn hóa, đề cao yếu tố con người, vừa hợp lòng dân, vừa đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Theo GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam: "Về tầm tư tưởng, Nghị quyết TƯ 5 đã thỏa mãn được yêu cầu về đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, vươn tới một tầm nhìn thế giới về vấn đề văn hóa".
Đám cưới tập thể, một nét đẹp văn hóa của tuổi trẻ Thủ đô. Ảnh: Nhật Nam |
Sức mạnh nội sinh
Đi vào đời sống, Nghị quyết TƯ 5 với nhiều nội dung khoa học, tiến bộ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. PGS.TS Nguyễn Chí Bền (Bộ VH,TT&DL) đánh giá: Trong Nghị quyết TƯ 5, lần đầu tiên phạm vi và nội hàm của văn hóa đề cập đến xây dựng môi trường văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phát triển giáo dục, khoa học… "Chưa bao giờ mối quan hệ khăng khít, tác động lẫn nhau giữa kinh tế và văn hóa lại được nhấn mạnh như Nghị quyết TƯ 5. Đảng đã đặt văn hóa vào vị thế là nhân tố liên quan trực tiếp đến phát triển, là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất để phát triển. Đây là bước phát triển mới, đặc biệt quan trọng trong tư duy về văn hóa. Thực tiễn đã và đang chứng minh, quan điểm coi văn hóa là động lực, mục tiêu của sự phát triển của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn" - PGS.TS Nguyễn Chí Bền nói.
Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, một đổi mới quan trọng trong tư duy của Đảng về văn hóa trong thời kỳ mới là sự thừa nhận quyền lợi cá nhân trong quyền tự do văn hóa. Đảng chủ trương xây dựng con người có tinh thần lao động chăm chỉ "vì lợi ích của bản thân, gia đình và tập thể xã hội". Mặt khác, sáng tạo văn hóa không chỉ vì lợi ích tinh thần, mà nó còn đem lại lợi ích vật chất - kinh tế cho nhân dân. Hơn hai thập niên gần đây, công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những ngành công nghiệp trụ cột trên thế giới, phần nào chứng tỏ văn hóa từ sức mạnh "mềm" đang chuyển hóa thành sức mạnh "cứng". Qua đó có thể khẳng định, "Chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế nhằm gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế", tiến tới hòa nhập giữa văn hóa và kinh tế trong phát triển được khẳng định tại Nghị quyết TƯ 5 là quan điểm có tầm nhìn chiến lược. Nghị quyết Đại hội X, XI của Đảng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu, nhiệm vụ này.
GS Ngô Đức Thịnh phân tích, trước đây, có những quan niệm cho rằng, kinh tế - xã hội phát triển thì hệ quả kéo theo là sự phát triển của văn hóa. Nhưng gần đây, văn hóa thông qua hệ giá trị tham gia điều tiết sự phát triển của nền kinh tế - xã hội. Văn hóa vì thế không phải là tác động bên ngoài của sự phát triển mà là một nội dung của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Với định hướng đúng về vai trò, động lực của văn hóa, tính khoa học và đại chúng như sự phân tích ở trên, Nghị quyết TƯ 5 đã thổi luồng sinh khí mới vào "cơ thể" văn hóa, xã hội Việt Nam sau thời gian dài chiến tranh, bao cấp. "Cơ thể" ấy được "hồi sinh" như thế nào, cần phải điều chỉnh ra sao để ngày càng "khỏe mạnh" sẽ được chúng tôi phân tích ở những bài tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.