(HNM) - Tham nhũng luôn diễn biến phức tạp, và để đẩy lùi, tiến tới chặn đứng vấn nạn này, tiếp tục đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, liên tục của cả hệ thống chính trị.
Phiên tòa xét xử bị cáo Hà Văn Thắm và đồng phạm trong đại án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương.Ảnh: Phạm Kiên – TTXVN |
Bài 1: Kết quả bước đầu quan trọng
“Không có vùng cấm”, kiên quyết, kiên trì từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí. Quyết tâm chính trị này đang được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị cụ thể hóa bằng hệ thống giải pháp đồng bộ và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, đem lại niềm tin trong nhân dân.
"Không có vùng cấm"
Cảnh báo, răn đe; ngăn chặn, đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện tiêu cực là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) ngày 21-8-2006 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đặc biệt, trong suốt nhiệm kỳ XI và ngay từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, những vụ việc, vụ án nổi cộm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN tập trung chỉ đạo các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, xem xét, xử lý đã khẳng định quan điểm “không có vùng cấm” trong quá trình đấu tranh với nạn tham nhũng của Đảng.
Thời gian qua, dư luận rất đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao việc Trung ương đã chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra các vụ việc sai phạm, tham nhũng. Đơn cử như, liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận: Để xảy ra các vi phạm trong vụ việc này, trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Võ Kim Cự nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2011-2016.
Đặc biệt, từ những bài báo về chiếc xe Lexus biển xanh liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh (khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) tưởng là nhỏ, nhưng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vụ việc đã được đưa ra ánh sáng, hàng loạt cán bộ cấp cao bị xử lý trách nhiệm liên quan. Ngày 16-2, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định về việc khởi tố 5 bị can, bắt tạm giam 4 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú 1 bị can để điều tra mở rộng vụ án Trịnh Xuân Thanh. Trong một diễn biến mới nhất, chiều 15-3, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm vụ án “lừa đảo” xảy ra tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land, đồng thời công bố Quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh với những sai phạm xảy ra trong thời gian giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC.
Thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh với sai phạm, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng đối với ông Vũ Huy Hoàng nhiệm kỳ 2011-2016…
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, đây là minh chứng khẳng định quyết tâm chính trị của toàn Đảng: “Xử lý tới cùng”, “công tâm, trong sáng, khách quan, không chịu bất kỳ một sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”, củng cố niềm tin của nhân dân.
Quyết liệt, toàn diện
Những sai phạm tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land có liên quan tới Trịnh Xuân Thanh. |
Một kết quả nổi bật nữa sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCTN của nước ta đã ngày càng hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai công tác PCTN trên cả nước và trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đặc biệt, việc Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quyết định số 162-QĐ/TƯ ngày 1-2-2013 thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN đã mang lại hiệu quả. Bằng tinh thần quyết liệt đổi mới, sau hơn 3 năm hoạt động, Ban Chỉ đạo đã góp phần tạo nên những bước chuyển của cả hệ thống chính trị trong PCTN.
Sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo PCTN của Trung ương Đảng tiếp tục được thể hiện trong Nghị quyết 04-NQ/TƯ về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhận định: “Nghị quyết sẽ giúp Đảng hiện thực hóa quyết tâm chính trị và đáp ứng sự mong đợi của nhân dân”.
Quyết tâm từ cấp Trung ương đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Tại Hà Nội, Thành ủy khóa XVI tiếp tục ban hành chương trình công tác toàn khóa về PCTN (Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26-4-2016). Chương trình 07-CTr/TU thể hiện nhận thức sâu sắc và biểu thị quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, lãng phí.
Từ năm 2005 đến nay, gần 3.000 vụ án, hơn 7.000 bị can phạm tội về tham nhũng đã được cơ quan công an các cấp khởi tố điều tra. TAND các cấp đã giải quyết 4.323 vụ án, 11.080 bị cáo. Toàn ngành Thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với hơn 8.200 tập thể, 33.700 cá nhân; kiến nghị thu hồi 142.000 tỷ đồng, 994.000 USD và 51.500ha đất. Kiểm toán nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hơn 187.500 tỷ đồng, chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý tổng số 477 vụ việc, trong đó chuyển cơ quan điều tra 73 vụ với 159 người có hành vi tham nhũng. |
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.