(HNMCT) - Hỏi: Thưa bác sĩ, tôi được nghe nhiều về việc thực phẩm “bẩn” có tác hại với sức khỏe song vẫn chưa rõ ràng khái niệm thế nào là thực phẩm bẩn? Thực phẩm bẩn có thể gây ra các tác hại nào tới sức khỏe, nhất là bệnh ung thư? - Đào Thị Phương Hạnh
(phố Kim Mã, Hà Nội)
Đáp: Thực phẩm “bẩn” là một trong những "thủ phạm" liên quan đến tỷ lệ người bị ung thư ngày càng tăng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Ung thư đại trực tràng là loại bệnh có mối liên quan tới thực phẩm "bẩn". Ung thư đại trực tràng xếp hàng thứ 5 về số người mắc - sau ung thư phổi, dạ dày, gan, ung thư vú.
Có nhiều nguyên nhân khiến một thực phẩm bị gọi là "bẩn" như thực phẩm đã sơ chế nhưng không hợp vệ sinh hoặc thực phẩm được chế biến nhưng không được bảo quản đúng cách, để côn trùng (ruồi, nhặng...) đậu lên sẽ truyền các vi sinh vật gây bệnh cho con người nếu như ăn phải.
Bên cạnh đó, do tác nhân hóa học, việc sử dụng các chất phụ gia khiến thực phẩm trở nên “bẩn”. Theo đó, hiện các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn như thịt quay, giò chả, ô mai... Phần lớn thịt chế biến sẵn được xử lý bằng nitrat giúp giữ màu hồng của thịt và hương vị thơm ngon. Tuy nhiên, nitrat có thể gây ung thư. Theo nghiên cứu, người châu Âu có thói quen ăn nhiều đồ muối, người dân Trung Quốc thường ăn xì dầu, đó là những nơi có số người mắc ung thư đại trực tràng cao.
Ung thư trực tràng cũng do thói quen ăn uống, sử dụng nhiều thực phẩm lên men, thực phẩm muối, thực phẩm chế biến sẵn tồn dư nhiều chất bảo quản như thịt muối, dưa muối, cà, cá muối, thịt hun khói, xúc xích, xì dầu.
Cho đồ ăn vào hộp nhựa để quay trong lò vi sóng là thói quen không tốt. Nhựa khi cho vào nhiệt độ cao sẽ giải phóng ra chất độc nhiễm vào thức ăn. Phthalates là chất hóa học làm cho nhựa dẻo và bền hơn nhưng lại là chất gây rối loạn nội tiết và có thể gây ung thư.
Ngoài ra, khi các loại thịt như thịt gà, thịt lợn, thịt bò hoặc cá, đặc biệt là các loại thịt đỏ được nấu chín hoặc chiên ở nhiệt độ cao sẽ tạo thành các hợp chất được gọi là amin dị vòng, (HCAs), cũng như hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs). Những hợp chất này có thể thúc đẩy những thay đổi DNA có thể làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.