(HNMCT) - Hỏi: Con tôi rất thích học bơi, cháu thường xuống bể bơi công cộng ngay tại chung cư để vui chơi. Dù luôn theo sát con nhưng tôi vẫn rất lo lắng khi chưa hiểu cách sơ cứu, cấp cứu khẩn cấp khi trẻ bị đuối nước. Xin bác sĩ cho biết về cách sơ cứu trong trường hợp này. Đặng Thu Hà (đường Nguyễn Trãi, Hà Nội)
Đáp: Việc sơ cứu không được chậm trễ. Thay vì tìm cách gọi xe cấp cứu, tìm cho được và đầy đủ các phương tiện cấp cứu... thì phải tận dụng thời gian để sơ cứu nạn nhân ngay.
Không nên cố tìm cách cho nước trong phổi nạn nhân chảy hết ra ngoài bằng cách vác nạn nhân chạy vòng vòng cho nước chảy ra, vì như thế sẽ bỏ lỡ thời gian vàng cho việc hồi sức cấp cứu tim phổi. Chỉ cần cấp cứu chậm 4 phút là có nguy cơ chết não. Trong quá trình hồi sức cấp cứu tim phổi, nước trong phổi sẽ tự động thoát ra ngoài.
Khi gặp ca đuối nước, việc xử lý ngay tại chỗ là vô cùng quan trọng, không chỉ giúp cứu tính mạng của nạn nhân mà còn tránh để lại hậu quả nghiêm trọng sau này. Do đó, khi gặp trẻ đuối nước thì cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước, dìu trẻ lên bờ rồi gọi người giúp đỡ; đặt trẻ nằm ở nơi khô ráo, thoáng khí và giữ ấm cho trẻ.
Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ có còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Cần lưu ý là vẫn phải tiếp tục thực hiện các động tác này trên đường chuyển trẻ bị nạn tới cơ sở y tế, việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn.
Trong trường hợp chỉ có một người cấp cứu thì cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần hà hơi thổi ngạt. Còn nếu có 2 người cùng cấp cứu thì 15 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt. Kiên trì thực hiện cho đến khi mạch đập và trẻ có thể thở trở lại.
Cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất vì có thể tái diễn tình trạng khó thở ở trẻ.
PGS Nguyễn Tiến Dũng
Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.