Chanh là loại quả chứa nhiều vitamin C có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, chống mệt mỏi... Do đó, nhiều công thức pha nước chanh nguyên chất, nước chanh pha muối, pha mật ong đã và đang được nhiều người “rỉ tai” nhau để chữa được nhiều bệnh, giảm cân nhanh. Thực hư nước chanh có tác dụng “thần kỳ” như vậy không?
Tác dụng của chanh
Giống như các loại quả cùng họ nhà cam quýt khác, chanh là một trong những loại thực phẩm nổi tiếng với hàm lượng vitamin C cao. Theo bảng thành phần dinh dưỡng Ciqual, loại quả này chứa 45mg vitamin C trên 100g. Đây là một tỉ lệ đáng kể do nhu cầu vitamin C là 110 mg/ngày cho cả nam và nữ theo khuyến nghị. Nhờ giàu vitamin C, nước chanh có thể giúp cơ thể vượt qua mệt mỏi, ngăn ngừa nhiễm khuẩn do virus và vi khuẩn, chữa lành và bảo vệ thành mạch tốt hơn. Một ưu điểm khác là chanh có tác dụng chống oxy hóa. Do đó, việc sử dụng nước chanh đều đặn có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do và ngăn ngừa sự xuất hiện của một số bệnh.
Trong các bài thuốc dân gian, chanh cũng là vị thuốc thanh nhiệt, thanh phế trừ đàm, có vị chua tính mát, giải độc... Nước chanh có tác dụng thanh nhiệt trị chứng sốt, chứng viêm cho bệnh nhân, đặc biệt các bệnh như cảm cúm, viêm họng, ho sốt... Công dụng tương tự như các loại trái cây họ cam quýt khác, vitamin C và flavonoid có trong những loại quả này có tác dụng cải thiện tình trạng da. Vitamin C giúp cơ thể sản xuất collagen, da đẹp hơn và ngăn ngừa da lão hóa. Bởi vậy, việc uống nước chanh như một loại đồ uống lành mạnh thay cho những đồ uống có đường khác có thể giúp mọi người hạn chế lượng calo nạp vào và có khả năng hỗ trợ giảm cân lành mạnh.
Nhưng không nên quá lạm dụng
Chị Nguyễn Thị Thủy (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Nghe mọi người nói công dụng của quả chanh, tôi cũng thường xuyên sử dụng với nhiều cách pha chế khác nhau. Buổi sáng tôi uống nước chanh pha một chút mật ong cảm thấy cơ thể rất sảng khoái, đỡ triệu chứng ho húng hắng khi thay đổi thời tiết. Đến mùa chanh vàng, gia đình chuẩn bị một hũ ngâm chanh với đường phèn có tác dụng trị ho cho trẻ nhỏ. Đây cũng là loại đồ uống cho trẻ em tốt hơn so với các loại nước giải khát đóng chai bán sẵn, trà sữa... chứa quá nhiều đường”.
Thấy nước chanh uống thực sự tốt, nên gần đây khi trên mạng xã hội có nhiều người chia sẻ công thức pha 200ml nước với khoảng hơn chục quả chanh để uống vào buổi sáng khi bụng đói sẽ có tác dụng chữa một số loại bệnh như bệnh dạ dày, giảm mỡ, thải độc, phòng ngừa ung thư, chị Thủy đã làm theo. Sau khi uống thử, chị Thủy cảm thấy bụng đau dữ dội nên phải dừng lại.
PGS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Hà Nội) cho biết, đến nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định uống nước chanh thải độc cơ thể hay giúp chữa trào ngược dạ dày. Theo bác sĩ Hưng, nước chanh có nhiều tác dụng cho sức khỏe như có chứa nhiều chất chống oxy hóa, nhiều vitamin C, cung cấp nước cho cơ thể, giúp giải nhiệt khi thời tiết nắng nóng... Nhưng thành phần nước chanh có tính axit. Buổi sáng đang đói bụng, dịch vị dạ dày tiết ra nhiều, lượng axit nhiều hơn, nếu uống thêm chanh đậm đặc có thể gây tổn thương thêm niêm mạc dạ dày.
Do đó, đối với người bị trào ngược dạ dày - thực quản nên thận trọng khi ăn chanh, đặc biệt trong lúc bụng đói vì nó có thể làm các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Khi lượng acid trong dạ dày tăng lên sẽ trào ngược lên thực quản gây ra các triệu chứng khó chịu như ợ nóng, ợ chua và đau rát ngực. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng việc ăn chanh khác nhau tùy thuộc vào từng người. Những người có triệu chứng trào ngược dạ dày - thực quản nặng nên tránh ăn chanh và các thực phẩm có tính acid khác, những người có triệu chứng nhẹ hơn có thể tiêu thụ một lượng nhỏ chanh pha loãng mà không gặp vấn đề gì.
Ngoài ra, vì chanh có tính axit cao nên dễ gây mòn men răng, đặc biệt là khi men răng đã bị tổn thương. Men răng bị mòn sẽ làm lộ lớp ngà răng bên dưới, gây ra tình trạng răng nhạy cảm, ê buốt khi ăn đồ chua, nóng, lạnh. Acid trong chanh cũng cũng kích thích các dây thần kinh trong ngà răng gây ra cơn đau nhức khó chịu.
Theo BSCKI Lê Thục Trinh, chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Quân y 354, do nước chanh có tính axit nên có tác động nhất định đến răng, nếu tiếp xúc liên tục sẽ làm mòn men răng. Cảm giác ê răng có thể cảnh báo nồng độ axit cao gây hại cho răng. Do đó để bảo vệ men răng, chúng ta không nên uống nước cốt chanh liên tục, khi uống nước chanh nên dùng ống hút để giảm tiếp xúc trực tiếp giữa nước chanh với răng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.