Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bác sĩ tại nhà: Chăm sóc trẻ khi bị nôn, đau bụng

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà| 21/05/2022 06:25

(HNMCT) - Hỏi: Gia đình tôi vừa phải đưa con đi khám do cháu bị đau bụng và nôn. Tôi nghe nói hiện có nhiều cháu bé cũng gặp tình trạng tương tự. Xin bác sĩ cho biết về nguyên nhân và cách phòng tránh tình trạng này ở trẻ? Nguyễn Thu Hà (quận Hà Đông, Hà Nội)

Đáp: Có nhiều nguyên nhân gây đau bụng và nôn ở trẻ em. Nguyên nhân thường gặp nhất là viêm dạ dày - ruột cấp do vi rút như rota vi rút, noro vi rút, calici vi rút, adeno vi rút, Covid-19. Thời tiết nắng nóng cũng làm gia tăng sự phát triển của ruồi, muỗi, gián, kiến... dẫn đến lây lan mầm bệnh.

Khi trẻ bị đau bụng và nôn tại nhà, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là trấn an và cho trẻ nằm nghỉ. Cha mẹ cần thường xuyên theo dõi nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Cha mẹ không nên sử dụng thuốc giảm đau, thuốc cầm nôn và cầm tiêu chảy, thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ. Thay vào đó, cần cho trẻ uống đủ nước để tránh cho trẻ bị mất nước khi nôn hay tiêu chảy nhiều. Tốt nhất là cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải (oresol). Nếu trẻ sốt từ 38,5oC trở lên thì sử dụng thuốc hạ sốt thông thường theo đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

Ngoài ra, cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa trong giai đoạn bệnh; cho ăn trở lại bình thường và ăn nhiều hơn khi trẻ hồi phục. Nếu trẻ không nôn trớ từ 12 - 24 giờ thì có thể cho bé ăn uống lại bình thường và uống nhiều nước. Hãy bắt đầu với những loại thực phẩm dễ tiêu hóa như ngũ cốc hay sữa chua.

Trẻ thường đau bụng vùng quanh rốn hoặc giữa bụng với cơn đau thoáng qua. Nếu trẻ đau ở vị trí dưới rốn và nghiêng về phía bên phải, đau bụng lan xuống vùng bẹn kèm theo đi tiểu khó, cơn đau kéo dài quá 24 giờ hay mức độ đau trở nên trầm trọng thì cần đưa ngay trẻ đến viện.

Nôn là một trong những triệu chứng đi kèm thường gặp. Hãy đưa trẻ đến bệnh viện nếu nôn kéo dài trên 24 giờ hoặc trẻ nôn liên tục, nôn ra tất cả mọi thứ sau khi ăn, uống, dịch nôn có màu xanh hoặc vàng, có sự hiện diện của máu đỏ tươi hoặc máu đông.

Nôn trớ và tiêu chảy có thể làm gia tăng lây nhiễm trong gia đình. Cha mẹ nên chú ý phòng ngừa lây nhiễm trong gia đình và người xung quanh bằng cách rửa tay với nước và xà phòng sau khi thay bỉm, quần áo cho trẻ, trước và sau khi chuẩn bị thức ăn. Cần cho trẻ bệnh nghỉ học để hạn chế lây lan bệnh.

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà
Trưởng khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Nhi Trung ương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ tại nhà: Chăm sóc trẻ khi bị nôn, đau bụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.