Nguồn cung vắc xin, niềm tin và chiến lược đối phó các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 được cho là ba thách thức đối với ASEAN trong nỗ lực khôi phục kinh tế hậu đại dịch Covid-19.
Phát biểu trong hội thảo trực tuyến về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid-19 tại ASEAN và sự phục hồi kinh tế khu vực do Trung tâm Nghiên cứu và Vận động chính sách ASEAN (Malaysia) tổ chức, chuyên gia phân tích về chính sách và hệ thống y tế Khor Swee Kheng cho rằng, nguồn cung vắc xin, niềm tin và chiến lược đối phó các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 là ba thách thức đối với các nước của khu vực trong ngắn hạn và trung hạn khi nỗ lực khôi phục kinh tế hậu đại dịch.
Theo Tiến sĩ Khor Swee Kheng, tính đến ngày 5-4, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 của Malaysia cao thứ 3 trong khu vực với 1,57% tổng dân số được tiêm ít nhất một liều vắc xin.
Singapore dẫn đầu các nước ASEAN về tỷ lệ tiêm chủng vắc xin trên tổng dân số với 17,95% người dân được tiêm chủng, trong khi Indonesia theo sau khi đạt tỷ lệ 3,16%, Campuchia ở vị trí thứ tư với tỷ lệ 1,37%, trong khi các nước như Lào, Thái Lan, Brunei và Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 dưới 1%.
Tiến sĩ Khor cho rằng để bảo đảm nguồn cung vắc xin, việc đặt mua liên tục có vai trò rất quan trọng và khuyến nghị ASEAN nên đặt mua chung và sản xuất theo khu vực nhằm mang lại lợi ích khi giúp giữ chi phí thấp cùng nguồn cung không đổi.
Chuyên gia này cũng cảnh báo tiêm vắc xin không phải là chiến lược kỳ diệu khống chế dịch bệnh. Ông chỉ ra các biện pháp y tế công cộng có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm tái khởi động nền kinh tế theo từng giai đoạn và các chính phủ không thể dựa vào vắc xin để thoát khỏi đại dịch. Theo ông, hộ chiếu kháng thể có khả năng tốt hơn hộ chiếu vắc xin do hộ chiếu vắc xin chỉ chứng minh rằng một người đã được tiêm chủng nhưng hộ chiếu kháng thể khẳng định một cá nhân có đủ kháng thể để chống lại Covid-19.
Tiến sĩ Khor gợi ý, để tái khởi động nền kinh tế, có thể ưu tiên một số thành quả đang lưu lại như số hóa nền kinh tế, xây dựng nguồn cung cấp tư nhân đối với thiết bị y tế công và tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nòng cốt tạo việc làm, đảm bảo sinh kế cho người dân ASEAN. Theo ông, việc triển khai hiệu quả các vấn đề này sẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi của xã hội, nền kinh tế và hệ thống y tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.