(HNM) - Theo Phó Cục trưởng Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đàm Xuân Thành, gà thải loại Trung Quốc hiện có giá từ 33.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, còn khi nhập lậu qua biên giới chỉ khoảng 15.000 đồng/kg.
Điều đáng chú ý là gia cầm thải loại nhập lậu vào Việt Nam qua kiểm tra của Bộ Y tế cho kết quả 100% đều tồn dư kháng sinh, trong đó có những loại kháng sinh cấm sử dụng ở Việt Nam và rất độc hại. Thông tin này khiến nhiều người dân lo ngại, cũng có rất nhiều vấn đề cần được đặt ra.
Thứ nhất, theo nhiều nhà khoa học, kháng sinh chỉ được dùng để trị bệnh do nhiễm vi khuẩn và chỉ khi nào có bệnh thì mới sử dụng kháng sinh. Trong khi đó, gà thường mắc bệnh virus như bệnh gà toi, H5N1… nên người ta không sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gà. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần phải kiểm chứng, làm rõ những thông tin loại này. Việc không quá phức tạp, cơ quan y tế chỉ cần làm kháng sinh đồ là có thể biết có kháng sinh tồn dư trong gà hay không và trữ lượng bao nhiêu… Công bố thông tin chính thức về việc gà Trung Quốc ăn kháng sinh có được nhập lậu vào Việt Nam hay không là việc cần làm ngay để tránh gây tâm lý hoang mang cho người dân.
Thứ hai, là vấn đề quản lý xuất nhập khẩu. Mặc dù hoạt động buôn lậu ngày càng tinh vi, liên tục thay đổi thủ đoạn, đối tượng buôn lậu ngày càng liều lĩnh, manh động nhưng rõ ràng việc để lọt mấy triệu con gà vào thị trường nội địa là không thể chấp nhận. Điều này có thể đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại hiện nay còn nhiều bất cập, lực lượng mỏng, trang bị hạn chế, lại chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp - nói cách khác là chưa có "nhạc trưởng". Trong khi đó tình hình buôn lậu… vào dịp cuối năm thường diễn biến phức tạp hơn. Do vậy, vấn đề chống buôn lậu cần được đặt ra quyết liệt hơn.
Thứ ba, nước ta là nước nông nghiệp, người làm nông nghiệp chiếm tới 75% lực lượng lao động, do vậy, việc phát triển chăn nuôi nói chung và nghề nuôi gà nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bên cạnh việc ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, gà nhập lậu thì việc tạo cơ chế thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tại thị trường nội địa trong nước cần được xem là giải pháp chiến lược để khuyến khích nông dân phát triển ngành chăn nuôi. Gà là vật nuôi gắn bó với đời sống người dân Việt Nam từ hàng nghìn năm nay, gà ta ngon hơn, chất lượng bảo đảm hơn, do vậy không có lý do gì để không khuyến khích sản xuất, tiêu dùng trong nước…
Việc nhập lậu thực phẩm "bẩn" nói chung, gà "bẩn" nói riêng tiếp tục là vấn đề "nóng" trong thời điểm cuối năm này. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để bảo vệ người tiêu dùng. Cùng với những giải pháp mang tính tình thế như: Sớm đưa ra những cảnh báo nhằm tránh gây hoang mang trong dư luận, hay đẩy mạnh các giải pháp quản lý thị trường… việc tạo ra các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển chăn nuôi trong nước cần được xem là giải pháp cơ bản và quan trọng nhất. Đây là giải pháp bền vững, vừa bảo đảm quyền lợi của người sản xuất, người tiêu dùng, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.