Arsen hữu cơ rất dễ hấp thụ vào cơ thể và cũng đào thải ra ngoài cơ thể rất nhanh. Cụ thể: 1g arsen hữu cơ vào cơ thể sau 6 giờ có thể đào thải chỉ còn 0,5g; sau 12 giờ sẽ hết.
Trước sự hoang mang, lo lắng của người tiêu dùng về thông tin nước mắm nhiễm arsen, Tiến sỹ Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Arsen là một á kim loại rất độc, cơ chế gây độc có thể xâm nhập qua đường thở, da, qua đường thực phẩm, nước uống…
Tuy nhiên, arsen có 2 loại là arsen vô cơ và arsen hữu cơ. Nói đến độc của arsen người ta thường nói đến arsen vô cơ. Arsen vô cơ là một hợp chất của arsen với nguyên tử, nguyên tố khác. Còn arsen hữu cơ là hợp chất có liên kết với phân tử carbon. Arsen hữu cơ rất dễ hấp thụ vào cơ thể và cũng đào thải ra ngoài cơ thể rất nhanh. Cụ thể: 1g arsen hữu cơ vào cơ thể sau 6 giờ có thể đào thải chỉ còn 0,5g; sau 12 giờ sẽ hết.
Ông Trần Đáng nêu rõ: Arsen hữu cơ phổ biến trong môi trường thủy sản và hầu như trong loài cá nào cũng có. Vì thế, trong nước mắm sẽ có arsen hữu cơ. Còn arsen vô cơ nếu có trong nước mắm, thực phẩm thì sẽ rất độc hại cho cơ thể.
Trong các qui định của Bộ Y tế chỉ nêu giới hạn của arsen là arsen vô cơ. Hiện nay, người ăn vào từ 0,01 – 0,05mg arsen/ngày trong khi lượng chấp nhận được của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 15mg arsen vô cơ/kg thể trọng/tuần. Vì vậy, 1 lít nước mắm sẽ có tối đa 0,05mg arsen vô cơ. Một người một ngày ăn 10ml nước mắm thì mới ăn vào 0,005mg arsen vô cơ, mức nằm trong giới hạn và cũng chưa đạt giới hạn lượng đưa vào cơ thể trong tuần theo Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo…
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng nhấn mạnh: QCVN 8-2:2011/BYT là “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm” được ban hành theo Thông tư số 02/2011/TT/BYT ngày 13/01/2011 của Bộ Y tế.
Bản Quy chuẩn này “giới hạn lượng ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận tạm thời” tính theo mg/kg thể trọng đối với 6 thứ kim loại nặng, trong đó có arsen (As). Bản Quy chuẩn có ghi rõ là tính theo arsen vô cơ, từ đó quy định giới hạn ô nhiễm 6 thứ kim loại nặng trong thực phẩm, trong đó giới hạn arsen trong nước chấm là 1mg/l.
Như vậy, bản Quy chuẩn chỉ có quy định giới hạn về arsen vô cơ, không có quy định về arsen hữu cơ hay “arsen tổng”. Arsen vô cơ mới chính là thạch tín độc hại còn arsen hữu cơ là chất tồn tại tự nhiên trong hải sản hay các nguyên liệu làm nước chấm, không gây độc hại đối với cơ thể con người, vì vậy mà không quy định giới hạn. Ngay cả những nước rất chặt chẽ về an toàn thực phẩm như châu Âu hay Mỹ cũng không quy định giới hạn arsen hữu cơ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.