Theo dõi Báo Hànộimới trên

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, Hà Nội sẽ có mưa to kèm dông, lốc

Kim Nhuệ| 06/07/2021 16:40

(HNMO) - Ngày đầu của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2021, thành phố Hà Nội xảy ra mưa dông kèm lốc, sét, gió giật mạnh.

Đêm nay (6-7) và sáng mai, thành phố Hà Nội xảy ra mưa dông, đề phòng lốc, sét, gió giật mạnh...

Đêm nay (6-7) và sáng mai, thành phố Hà Nội nhiều mây, có lúc có mưa rào và dông vài nơi kèm lốc, sét, gió giật mạnh; thời tiết dịu mát, nhiệt độ cao nhất 26-28 độ C.

Trưa mai (7-7), thành phố Hà Nội giảm mây, có lúc hửng nắng, nhiệt độ tăng thêm khoảng 5 độ C, phổ biến ở mức 31-33 độ C, riêng khu vực phía Nam thành phố 32-34 độ C...

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão nên từ chiều mai đến ngày 9-7, thành phố Hà Nội xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; gió mạnh dần lên cấp 4-5, giật trên cấp 5. Tổng lượng mưa từ ngày 7 đến 9-7 tại khu vực trung tâm và các huyện phía Nam thành phố 100-150mm, có nơi cao hơn 150mm; các huyện phía Tây và phía Bắc thành phố 70-120mm, có nơi cao hơn 120mm...

Để giữ gìn sức khỏe, thuận lợi trong kỳ thi, các thí sinh lưu ý mang theo trang phục đi mưa, quần áo dự phòng, gói ghém chống ướt các loại giấy tờ để vào phòng thi... Các phụ huynh đưa thí sinh đi thi nên trở về nhà hoặc vào chờ tại các khu vực do điểm thi bố trí...

Về tình hình thời tiết trên biển, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, chiều nay, áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía Đông Bắc Biển Đông đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Trong những giờ tới sẽ suy yếu thêm và tan dần. Tuy nhiên, áp thấp nhiệt đới ở khu vực giữa Biển Đông vẫn tiếp tục mạnh lên và có khả năng trở thành bão trong những giờ tới. Đến khoảng 13h ngày 7-7, tâm bão sẽ nằm trên khu vực phía Tây Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Thời gian tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 13h ngày 8-7, vị trí trung tâm vùng áp thấp sẽ nằm trên đất liền các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa...

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão nên vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao 2,5-4,5m, biển động mạnh...

Từ chiều mai đến hết ngày 8-7, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xảy ra mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm/đợt, có nơi cao hơn 300mm/đợt; trong đó, khu vực xảy ra mưa lớn nhất tập trung ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An...

Trước diễn biến thời tiết nêu trên, ngày 6-7, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa khẩn trương thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến; quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi, chủ động cấm biển...

Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và ven biển rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp nhất là đối với các khu vực mới gieo mạ, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp; khẩn trương cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng; sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn cho nhân dân trong khu vực chịu ảnh hưởng...

Các tỉnh vùng núi kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn...

Chiều cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cũng đã có công điện yêu cầu các quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp thoát nước, thủy lợi, cây xanh, điện lực... kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình, chủ động đối phó kịp thời với mọi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bảo đảm an toàn công trình, tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, công trình tiêu thoát nước trên địa bàn; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị, sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xảy ra; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, bảo đảm giao thông... rà soát phương tiện, sẵn sàng triển khai ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trong tình huống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, Hà Nội sẽ có mưa to kèm dông, lốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.