Theo dõi Báo Hànộimới trên

Áp lực từ tâm lý đám đông

Thống Nhất| 15/05/2011 05:27

(HNM) - Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, việc tuyển sinh vào các lớp đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6) bắt đầu từ ngày 1 đến ngày 15-7. Sau thời hạn này, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu được giao, các trường được phép tuyển bổ sung và có thể tuyển HS trái tuyến.

Học sinh cần được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện. Ảnh: Huyền Linh


Không thiếu chỗ học

Sau nhiều năm thực hiện chủ trương "3 giảm" (giảm số HS trái tuyến, giảm sĩ số HS/lớp, giảm số lớp đối với những trường có quy mô quá lớn), sĩ số HS/lớp đã có sự cải thiện. Tính đến hết học kỳ I năm học 2010-2011, tính trung bình toàn TP, sĩ số HS/lớp đối với khối lớp 1 là 34,6; tỷ lệ này ở khối lớp 6 là 35,2 - thấp hơn mức quy định của Điều lệ nhà trường (35 HS/lớp với tiểu học, 45 HS/lớp với THCS). Con số trung bình là thế nhưng do mật độ dân cư và sự khác nhau về quy mô từng trường nên khoảng cách về sĩ số HS/lớp giữa các khu vực nội - ngoại thành và giữa các trường là khá lớn. Đơn cử như cấp tiểu học ở Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng có tỷ lệ trung bình về sĩ số HS/lớp là 42,9, Cầu Giấy 44,6, còn ở Sóc Sơn là 30,9, Mỹ Đức 25,2, ở Phú Xuyên chỉ có 20,4 HS/lớp. Tiểu học Khương Thượng (Đống Đa) có sĩ số HS/lớp là 64, trong khi ở Tiểu học Yên Bài (Ba Vì) hoặc Tiểu học Vạn Kim (Mỹ Đức) chỉ là 16. Với cấp THCS, nơi có tỷ lệ trung bình về sĩ số HS/lớp cao nhất đạt tới 53 hoặc 54 như Ngô Gia Tự, Tây Sơn (Hai Bà Trưng), còn nơi thấp nhất chỉ đạt 18 HS/lớp (Mạc Đĩnh Chi - Ba Đình).

Rõ ràng là không thiếu chỗ học cho HS Thủ đô, nhưng nguyện vọng học lại tập trung vào một số trường được phụ huynh đánh giá cao theo tâm lý chọn trường, chọn lớp hoặc là nơi dân cư tập trung đông.

Tâm lý đám đông
Theo quy hoạch mạng lưới trường học của Hà Nội, tại mỗi phường, xã, thị trấn đều có một hệ thống trường công lập từ mầm non, tiểu học đến THCS nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, không ít phụ huynh vẫn tìm đủ mọi cách để xin cho con theo học ở trường khác phường, khác quận.

Có nhiều lý do khiến cha mẹ muốn cho con học trái tuyến: gần nơi làm việc để tiện đưa đón, hộ khẩu một nơi, cư trú một nẻo; trường đúng tuyến ở địa bàn phức tạp… Song, có lẽ phần lớn đều muốn con em mình được học tập ở ngôi trường có cơ sở vật chất tốt, thầy, cô giáo giỏi. Đây là mong muốn chính đáng của phụ huynh và cũng là điều dễ thông cảm đối với những người trong ngành. Tuy nhiên, "thương hiệu" của những trường này thường được phụ huynh truyền tai nhau, còn thực chất, không chỉ những trường có tên tuổi mới có giáo viên (GV) giỏi, HS giỏi.

Kết quả chất lượng GD-ĐT vài năm gần đây cho thấy, trong bảng thành tích của thầy - trò toàn ngành, ngoài những cái tên quen thuộc đã xuất hiện ngày càng nhiều tên mới. Tiêu biểu như ở quận Hoàn Kiếm, năm học 2010-2011, 100% các trường THCS trên địa bàn đều đã có HS giỏi cấp TP; với GV, trong hội thi dạy giỏi cấp TP năm nay có sự góp mặt của GV những trường ít được phụ huynh nghĩ đến như Tiểu học Điện Biên, THCS Nguyễn Du, Chương Dương… Ngoài ra, còn khá nhiều cái tên khác đã xuất hiện từ khoảng 2 năm trở lại đây và hiện vẫn duy trì được thành tích dạy - học tốt như Tiểu học Ngọc Khánh, Hoàng Hoa Thám (Ba Đình), Tiểu học Nguyễn Khả Trạc, THCS Nam Trung Yên (Cầu Giấy), Tiểu học Trung Tự, THCS Huy Văn (Đống Đa)…

Thực tế, tại những trường có quy mô nhỏ, sĩ số HS/lớp ít, GV thường có điều kiện quan tâm tới từng HS hơn những trường có sĩ số lớp lên tới hơn 50 em. HS ở đây cũng không phải chen chúc trong một phòng học vốn chỉ thiết kế cho khoảng 40 HS. Không phải cứ vào được trường tốt là mọi HS đều học giỏi. "Điều căn bản là khả năng, ý thức của HS và sự quan tâm của phụ huynh với việc học" - những GV có kinh nghiệm trực tiếp đứng lớp tại những trường có uy tín khẳng định.

Một giờ học tại Trường Mầm non Tuổi Hoa (quận Tây Hồ). Ảnh: Linh Tâm


Giải pháp giảm tải
Một trong những giải pháp được ngành GD-ĐT Hà Nội kiên trì thực hiện nhiều năm nay là giao quyền tự chủ cho cơ sở trong việc phân tuyến tuyển sinh (TS). Chủ trương này càng được thể hiện rõ trong mùa TS năm nay khi các phòng GD-ĐT được phân cấp triệt để trong việc xây dựng kế hoạch TS phù hợp với điều kiện của trường, nhu cầu học tập và giảm khó khăn đi lại cho phụ huynh, HS.

Để phân tuyến hợp lý thì việc xác định đối tượng HS đúng tuyến, trái tuyến với các phòng GD-ĐT là vô cùng quan trọng. Dù còn có sự bất hợp lý, song việc xác định HS đúng tuyến, trái tuyến theo căn cứ hộ khẩu thường trú của HS vẫn được coi là cách làm có nhiều ưu điểm, giúp HS được học gần nhà và ổn định công tác TS. Tuy vậy, với Luật Cư trú mới, việc đăng ký hộ khẩu ngày càng đơn giản hơn khiến cho việc phân tuyến, sắp xếp chỗ học tại một số trường trở nên khó khăn do quá nhiều nguyện vọng trong khi khả năng đáp ứng hạn chế. Vì vậy, yêu cầu được nhấn mạnh với các phòng GD-ĐT năm nay là rà soát chính xác số HS trong độ tuổi cư trú thực tế trên địa bàn. Việc "lọc" đối tượng TS bằng quy định về thời gian cư trú thực tế cũng là giải pháp được các đơn vị đánh giá có hiệu quả nhằm giảm áp lực TS tại những nơi có nhu cầu lớn.

Điểm mới trong công tác TS năm nay là rút ngắn thời gian TS bổ sung của các trường còn 4 ngày, từ ngày 17 đến ngày 20-7 (so với 2 tuần như trước đây). Phòng GD-ĐT được quyền chủ động xác định đối tượng TS với mục tiêu huy động hết HS trong độ tuổi thuộc tuyến TS ra lớp và nhất là không để xảy ra áp lực cục bộ.

Việc đầu tư kinh phí và điều hòa chất lượng đội ngũ để giảm sự khác biệt giữa các trường trong cùng địa bàn và giữa các địa bàn được coi là giải pháp lâu dài và bền vững nhằm giảm áp lực TS trái tuyến. Theo Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm Dương Thị Thanh Huyền, mỗi năm các trường trên địa bàn quận được đầu tư tới 40% kinh phí trong tổng mức đầu tư của toàn quận. Những trường khó khăn được ưu tiên đầu tư. Đơn cử như Trường THCS Thanh Quan. Từ một điểm trường nhiều phức tạp, phụ huynh ngại gửi con, đến nay Thanh Quan đã đạt chuẩn quốc gia với nhiều GV dạy giỏi. Việc TS của trường ổn định từ 3 năm nay với sự tin tưởng, yên tâm của HS đúng tuyến. Hoàn Kiếm cũng là đơn vị tiêu biểu, mạnh dạn trong việc luân chuyển cán bộ quản lý từ nơi thuận lợi về những trường khó khăn. Mức ngân sách hằng năm dành cho GD-ĐT của quận Cầu Giấy cũng chiếm 30% tổng chi toàn quận. 100% các trường đều đã được xây dựng khang trang, hiện đại. Vài năm gần đây, số HS giỏi cấp quận, cấp TP có mặt ở cả 10 trường THCS của quận. Còn cách làm của Ba Đình là xây dựng "thương hiệu" cho những nhân tố mới, những nơi còn khó khăn để rồi nhân rộng trong toàn ngành thông qua việc tăng cường đầu tư, luân chuyển đội ngũ.

Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được lãnh đạo ngành coi là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. 4 tháng đầu năm nay, đã có thêm 10/80 trường trong kế hoạch được công nhận đạt chuẩn, nâng tổng số trường đạt chuẩn của toàn TP lên 590 (gần 26%). Sự có mặt ngày càng nhiều của những ngôi trường đạt chuẩn ở nơi khó khăn không chỉ tạo môi trường học tập có chất lượng cho HS trên địa bàn, mà còn làm giảm dần áp lực tuyển sinh cục bộ tại một số trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Áp lực từ tâm lý đám đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.