Theo dõi Báo Hànộimới trên

Áp lực lên mặt bằng lãi suất vẫn lớn

Hương Thủy| 09/06/2016 16:05

(HNMO) – Thị trường đang kỳ vọng về khả năng giảm nhẹ lãi suất cho vay trong thời gian tới. Tuy nhiên, áp lực lên mặt bằng lãi suất trong thời gian tới vẫn đáng kể.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong tháng 5, thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào. Điều đó được thể hiện ở số liệu, tính đến 23/5, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong tháng 5 giảm mạnh so với tháng trước. Đặc biệt từ 15/5 đến 23/5, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã xuống mức thấp kỉ lục trong vòng 3 năm qua (lãi suất ngày 23/5 chỉ còn 0,82%, lãi suất 1 tháng ở mức 3%); Ngân hàng Nhà nước hút ròng trên thị trường mở 4 tuần liên tiếp, từ 25/4 đến 19/5.

Thị trường đang kỳ vọng lãi suất cho vay giảm nhẹ (ảnh minh họa, nguồn: Internet)


“Hệ thống ngân hàng có thanh khoản khá tốt trong thời gian qua là do nguồn cung ổn định, huy động tăng cao trong khi tín dụng tăng ở mức tương đương so với cùng kỳ”, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lý giải nguyên nhân.

Trên thị trường 1 (thị trường các ngân hàng thương mại huy động vốn và cho vay với các tổ chức kinh tế, cá nhân), mặt bằng lãi suất huy động ổn định so với tháng trước. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong tuần gần cuối tháng 5, lãi suất huy động bằng VND tương đối ổn định. Mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Sau hội nghị Thủ tướng với các doanh nghiệp hôm 29/4, lãi suất cho vay đã được phát tín hiệu giảm tại một số ngân hàng thương mại. Dù vậy, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, thông thường thì mặt bằng lãi suất cho vay vẫn chưa thể thay đổi ngay trong tháng. Thị trường đang kỳ vọng về khả năng giảm nhẹ lãi suất cho vay trong thời gian tới nhưng “áp lực lên mặt bằng lãi suất trong thời gian tới vẫn đáng kể”, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thừa nhận.

Lý do đầu tiên là, nhu cầu tín dụng tăng cao vào các quý cuối năm. Năm nay, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng 18-20%. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 4, tín dụng mới tăng khoảng 4%. Như vậy, trong hai quý cuối của năm, tốc độ tăng tín dụng cần đạt khoảng 10%-13% mới đạt mục tiêu đề ra. Đây là mức tăng khá cao so với cùng kỳ các năm trước, tương đương với mức tăng tín dụng cả năm của một số năm gần đây. Lý do thứ hai là kỳ vọng lạm phát và áp lực tỷ giá lớn hơn vào cuối năm sẽ gây áp lực đáng kể lên lãi suất.

Liên quan đến tỷ giá, trong tháng 5 thị trường ngoại hối ổn định, nguồn cung ngoại tệ dồi dào (cán cân thương mại thặng dư, FDI tăng khá) đã tạo điều kiện giúp Ngân hàng Nhà nước mua được một lượng lớn dự trữ ngoại tệ.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc duy trì ổn định tỷ giá trong hai quý cuối năm sẽ khó khăn hơn. Sở dĩ như vậy bởi nhu cầu nhập khẩu tăng; khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ rõ ràng hơn; những bất ổn và rủi ro đến từ nền kinh tế Trung Quốc khiến đồng NDT liên tục mất giá.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Áp lực lên mặt bằng lãi suất vẫn lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.