Đã tạm ứng gần 1.500 tỷ đồng dự trữ hàng Tết * Hà Nội tổ chức 112 điểm lưu động bán hàng bình ổn giá (HNM) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2011 đã tăng 1,74%, mức tăng khá cao so với cùng kỳ những năm gần đây.
Giá hàng hóa tăng mạnh
Giá hàng hóa tăng, người tiêu dùng băn khoăn khi mua hàng. Ảnh: Linh Tâm
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 1 đã tăng 1,74%. Trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,47%, nhóm lương thực tăng 2,28%. Giá thịt lợn và dầu ăn tăng mạnh đã khiến nhóm thực phẩm tăng 2,74%. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,31%... Đặc biệt, nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất trong tháng 1 do một số tỉnh, TP tăng học phí bậc tiểu học, trung học và dạy nghề.
Rét đậm, rét hại kéo dài ở khu vực phía bắc là nguyên nhân gây khan hiếm nguồn cung và đẩy giá thực phẩm tăng mạnh. Giá các loại củ, quả như su hào, khoai tây, cà chua và rau xanh tăng thêm khoảng 30% so với trước đợt rét. Ngày 26-1, tại một số khu chợ tại Hà Nội, giá su hào tăng từ 5.000đ lên 7.000 đ/củ, cà chua từ 13.000đ lên 20.000 đ/kg; rau muống, cải, cần… đều tăng giá, ở mức 4.000đ đến 7.000 đ/mớ. Một số tiểu thương tại các chợ nội thành Hà Nội cho biết, thực phẩm tươi sống sẽ là một trong những mặt hàng biến động giá mạnh nhất trong những ngày sắp tới. Nhóm hàng thủy, hải sản cũng sẽ tăng giá bởi nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh. Hiện giá thịt lợn mông khoảng 80.000 đ/kg, ba chỉ 75.000 đ/kg, chân giò 75.000 đ/kg, sườn thăn 90.000 đ/kg; thịt bò dao động 140.000-160.000 đ/kg…
Theo dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công thương), trong tháng 2 nhu cầu tiêu dùng chủ yếu tập trung vào các mặt hàng phục vụ Tết, như lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống ngoài gia đình và sẽ tiếp tục có biến động về giá.
Giải pháp giữ ổn định thị trường
Những diễn biến trên thị trường khiến các chuyên gia dự báo, mức tăng CPI trong tháng 2-2011 sẽ lên tới 2%. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, chỉ 2 tháng đầu năm, CPI sẽ tăng 3,74%. Để kiềm chế CPI cả năm nay ở mức không quá 7% đòi hỏi các ngành sớm có những biện pháp quyết liệt nhằm giữ ổn định thị trường, nhất là dịp trước, trong và sau Tết.
Bộ Tài chính cho biết, tính đến cuối tháng 12-2010, đã có 35 địa phương tạm ứng kinh phí, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp (DN) dự trữ hàng bình ổn giá trong dịp Tết với tổng kinh phí là 1.497,577 tỷ đồng. Riêng Hà Nội, UBND TP đã tạm ứng 400 tỷ đồng cho 13 DN dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu gồm 6.400 tấn gạo, 1.520 tấn thịt gia súc, 560 tấn thịt gia cầm, 12 triệu quả trứng, 800 tấn thủy hải sản đông lạnh, 1.280 tấn thực phẩm chế biến, 4.000 tấn rau, củ…
Các trung tâm thương mại, siêu thị lớn như Metro, BigC, Intimex cũng có kế hoạch dự trữ hàng với tổng giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng. TP tổ chức 396 điểm bán hàng bình ổn giá, phân bố rộng khắp trên địa bàn, thông qua nhiều kênh phân phối như chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích và 112 điểm bán hàng lưu động khi thị trường có biến động. Tại các TP lớn như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… công tác trữ hàng bình ổn giá đã được triển khai đồng bộ, có địa phương tổ chức một số điểm bán hàng bình ổn 24/24 giờ cho đến khi thị trường ổn định trở lại.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, nhiều tổng công ty lớn cũng chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào phục vụ Tết. Tổng Công ty Lương thực miền Bắc đã dự trữ khoảng 120.000 tấn gạo và triển khai nhiều hình thức bán hàng phục vụ người dân. Tổng Công ty Lương thực miền Nam dự trữ 60.755 tấn, dự kiến bán gạo thấp hơn giá thị trường 5-10%. Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội chuẩn bị 121.300 nghìn lít bia rượu... Riêng Tổng Công ty Thương mại Hà Nội dành 787 tỷ đồng dự trữ hàng phục vụ Tết và cam kết giữ ổn định giá bán lẻ hàng 9 mặt hàng bình ổn giá dù thị trường đã tăng giá 10-15%...
Với sự vào cuộc đồng bộ của nhiều địa phương và lượng hàng dồi dào, giá hàng phục vụ Tết sẽ ổn định. Tuy nhiên, theo quy luật, thời điểm trước, trong và sau Tết thường xảy ra những đợt biến động mạnh về giá. Để thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, kiềm chế tốc độ tăng giá, các chuyên gia kinh tế cần sớm triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh việc giữ ổn định tỷ giá, bảo đảm cung ứng đủ ngoại tệ cho DN nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, Ngân hàng Nhà nước sớm có biện pháp điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giúp DN giảm giá bán sản phẩm. Với các mặt hàng đầu vào thiết yếu như than, điện, xăng dầu... nên có kế hoạch điều chỉnh giá phù hợp, tránh gây bất ổn cho thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.