(HNM) - Dư luận Anh, nhất là các du học sinh nước ngoài đang đặc biệt quan tâm tới đề xuất mới về việc thắt chặt thị thực của Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May.
Bản dự thảo mới được trình lên Hạ viện với 2 điều khoản được coi là ảnh hưởng trực tiếp tới các du học sinh của nước này. Theo đó, học sinh, sinh viên ngoài Liên minh Châu Âu (EU) sẽ không được đi làm thêm khi đang học và sau khi đã hoàn tất khóa học buộc phải về nước ngay. Chỉ những ai xin được thị thực lao động mới có thể ở lại Anh làm việc.
Để được cấp loại thị thực này, cá nhân đó phải được một công ty nằm trong danh sách các doanh nghiệp uy tín tại Anh đứng ra bảo lãnh và phải có thu nhập tối thiểu một năm là 20.800 bảng Anh (khoảng hơn 700 triệu đồng). Bên cạnh đó, trình độ tiếng Anh của người xin thị thực phải đạt yêu cầu theo bài kiểm tra cho tất cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết và tùy thuộc vào từng ngành nghề lao động sẽ có các yêu cầu khác kèm theo. Các quy định mới được cho là nhằm ngăn chặn điều mà giới chức Anh cho là các trường cao đẳng, đại học đang bị sử dụng như một "cửa sau" để xin thị thực làm việc tại Anh.
Biện luận cho các quy định chặt chẽ này, Bộ Nội vụ Anh viện dẫn số liệu thống kê, theo đó trong vòng 12 tháng từ tháng 5-2013 đến tháng 6-2014 đã có tổng cộng 121.000 sinh viên từ các nước ngoài EU nhập cảnh Anh vì mục đích học tập, nhưng chỉ có 51.000 người thuộc diện này rời khỏi Anh, dẫn đến số những người ở lại đạt tới 70.000. Chính phủ Anh ước tính, con số sinh viên nước ngoài tới Anh sẽ tăng hơn 6% mỗi năm từ nay cho đến năm 2020.
Trong nỗ lực kiểm soát nhập cư, Bộ Nội vụ Anh từng "mạnh tay" với 870 trường cao đẳng, đại học ở nước này bằng việc cấm các trường nhận sinh viên nước ngoài. Chính phủ của Thủ tướng David Cameron hiện còn muốn đi xa hơn nữa khi muốn ngăn chặn tình trạng lợi dụng thị thực sinh viên để ở lại Anh, tìm việc làm và hưởng phúc lợi xã hội. Bộ trưởng Bộ Nhập cư James Brokenshire cho rằng, đây là một "kế hoạch kiểm soát việc nhập cư vì lợi ích của Anh quốc. Những người nhập cư thâm nhập vào thị trường lao động với nhu cầu lớn. Những người lao động đang đóng thuế cho các trường đại học nhằm giúp con em họ thụ hưởng chất lượng giáo dục tốt nhất, chứ không phải là mở đường cho visa lao động".
Trong khi đó, phản ứng trước các quy định và đề xuất mới liên quan tới sinh viên quốc tế, nhiều trường đại học Anh lên tiếng cảnh báo, bất cứ sự hạn chế nào cũng sẽ gây tổn hại tới lĩnh vực giáo dục đại học. Quản lý một số doanh nghiệp cho rằng, lệnh cấm này có thể làm mất đi cơ hội tuyển dụng được những người làm việc có trình độ cao của chính nước Anh.
Ông Seamus Nevin, đứng đầu bộ phận nghề nghiệp và kỹ năng tại Viện Quản trị cho biết: "Đề xuất buộc sinh viên nước ngoài phải về nước sau khi tốt nghiệp là sai lầm và sẽ làm tổn hại tới hệ thống giáo dục, nền kinh tế và làm giảm ảnh hưởng của Anh trên toàn cầu". Quy định mới sẽ trình lên nghị viện vào tuần sau. Nếu đề xuất này được thực hiện, khoảng 11.000 du học sinh Việt Nam tại Anh sẽ bị ảnh hưởng và không có cơ hội được đi làm sau khi học xong.
Trong khi đó, báo chí và các trang tin điện tử tại Anh và các nước có nhiều sinh viên theo học tại Anh như Ấn Độ, Pakistan, một số nước Châu Phi... đăng tải nhiều phát biểu thể hiện nỗi thất vọng của các cơ sở giáo dục có nhận sinh viên nước ngoài tại Anh và nỗi lo lắng của các sinh viên nước ngoài đang trong diện bị ảnh hưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.