Thời gian gần đây, con gái tôi (vừa học xong lớp 12) luôn trong trạng thái mệt mỏi, lo lắng, mất ngủ, hay cáu gắt, suốt ngày ngồi trong phòng. Đây có phải là biểu hiện của bệnh trầm cảm không và điều trị thế nào? (Chị Lê Thị Thanh, Thanh Trì)
Thời gian gần đây, con gái tôi (vừa học xong lớp 12) luôn trong trạng thái mệt mỏi, lo lắng, mất ngủ, hay cáu gắt, suốt ngày ngồi trong phòng. Đây có phải là biểu hiện của bệnh trầm cảm không và điều trị thế nào?
(Chị Lê Thị Thanh, Thanh Trì)
Ảnh minh họa |
Áp lực từ việc học, từ gia đình, xã hội và thậm chí từ chính bản thân đang khiến cho tỷ lệ học sinh, sinh viên mắc chứng rối loạn tâm trí, rối loạn hành vi hay còn gọi là bệnh trầm cảm có chiều hướng gia tăng. Đây là bệnh do hoạt động của não bộ bị rối loạn gây nên, với triệu chứng rất đa dạng: Mất ngủ, mệt mỏi, uể oải, cảm giác buồn rầu, bực bội, có thái độ cáu gắt vô cớ... Lâu dần, dẫn đến những rối loạn trong cơ thể như đau đầu, chóng mặt, đau bụng, đau ngực, đánh trống ngực, đau cơ, ra nhiều mồ hôi, gầy yếu do kém ăn, buồn nôn...
Điều trị trầm cảm bằng cách an ủi, động viên, trò chuyện có thể có ích đối với các em bị trầm cảm thể nhẹ. Điều cần thiết để chống lại cảm giác trầm cảm là bản thân trẻ phải có ý chí, biết quan tâm đến chính mình và vận động thân thể. Cha mẹ, thầy cô phải là những người thường xuyên tư vấn, trò chuyện gần gũi với các em để hiểu tâm tư, tình cảm cũng như sự thay đổi tâm lý giới tính theo từng giai đoạn phát triển. Người lớn phải tạo ra cho các em môi trường sinh hoạt, học tập thoải mái, thương yêu, tôn trọng, không nên quá bắt ép hoặc quá buông lỏng cuộc sống của con cái mình. Khi các hiện tượng rối loạn đã trở thành bệnh cần thiết phải điều trị thì các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm kết hợp với tâm lý liệu pháp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.