(HNM) - Bộ Y tế vừa phát động Tuần lễ
Nghiên cứu thói quen ăn uống của người dân trong những năm gầy đây, nhiều chuyên gia dinh dưỡng đưa ra nhận xét: Người Việt Nam có thói quen "ăn theo tiếng gọi của dạ dày", ăn cho sướng miệng, ăn theo sở thích chứ không phải ăn để bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng một cách hợp lý. Đây chính là vấn đề đáng báo động bởi chế độ dinh dưỡng bất hợp lý có thể dẫn tới mắc các bệnh không lây nhiễm.
Để nâng cao sức khỏe, bữa ăn hiện nay cần bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Ảnh: Trang Đác |
Đề cập đến thói quen ăn uống bất hợp lý, TS Lê Thị Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, trong 30 năm qua mức tiêu thụ đạm động vật, chất béo tăng liên tục trong khẩu phần ăn của người Việt Nam nhưng lượng rau mà mỗi gia đình tiêu thụ vẫn không thay đổi. Hiện nay, mức tiêu thụ rau là 197 gam/người/ngày, chưa đạt ngưỡng 50% so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là bảo đảm đủ mức ăn 400 gam rau xanh/người/ngày. Trong khi đó, lượng dầu mỡ được các gia đình
sử dụng có xu hướng tăng nhanh - gấp 11 lần trong vòng 20 năm qua, được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ trẻ béo phì. Hệ lụy từ việc "nạp" thừa đạm, thừa muối, thừa đường là số ca mắc các bệnh mãn tính không lây như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch đã tăng gấp đôi sau 10 năm qua - điều rất đáng lo ngại.
Kết quả nghiên cứu về lượng natri có trong khẩu phần ăn của nhóm người trưởng thành ở trong độ tuổi 25-64 của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, lượng muối tiêu thụ trung bình tại Việt Nam dao động từ 12 đến 15 gam/người/ngày. Lượng muối tiêu thụ hằng ngày của người dân Việt Nam chủ yếu có từ các loại gia vị cho vào thức ăn trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn (chiếm 81%), có trong thực phẩm chế biến sẵn (11,6%) và trong thực phẩm tự nhiên. Trong khi đó, theo khuyến cáo của WHO, lượng muối mà mỗi người tiêu thụ nên ở mức ít hơn 5 gam/ngày (tương đương với 1 thìa cà phê).
Không chỉ sử dụng lượng muối nhiều hơn gấp 2 lần so với mức cho phép, theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong 5 năm trở lại đây, lượng nước ngọt có gas được tiêu thụ tại nước ta đã tăng gấp đôi. Chỉ tính riêng năm 2013, mức tiêu thụ nước ngọt có gas ở Việt Nam là hơn 900 triệu lít (tương đương 10 lít/người/năm - quá nhiều so với mức tối đa 350 gam đường/người/tháng mà WHO đã đưa ra bởi một lon nước ngọt có gas chứa 36,3 gam đường, nghĩa là uống một lon nước ngọt là đã dùng hết 1/10 lượng đường tối đa được phép dùng trong một tháng. "Cuộc sống hiện đại khiến con người sử dụng thoải mái thực phẩm chế biến sẵn. Việc cho trẻ ăn nhiều bim bim, mỳ ăn liền, nước ngọt có gas, thực phẩm chiên rán... khiến trẻ thừa cân, béo phì bởi đó đều là thực phẩm có chỉ số đường rất cao", TS Lê Thị Bạch Mai nhấn mạnh.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam là 164cm - thấp hơn mức trung bình ở Hàn Quốc 10cm, thấp hơn Nhật Bản 8cm. Việt Nam hiện có 3 triệu trẻ dưới 5 tuổi thấp còi, cao nhất khu vực. Ngoài ra, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ở nước ta cũng tăng 9 lần sau 10 năm qua (hiện là 6,3%)... Theo GS.TS Nguyễn Gia Khánh, Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam thì chiều cao và thể trạng con người phụ thuộc vào di truyền (20%) và vào dinh dưỡng, môi trường sống và mức độ rèn luyện thể thao (80%). |
Mâm cơm hợp lý
Các chuyên gia chỉ ra rằng, bữa ăn của người Việt hiện nay đã thay đổi so với trước đây, đầy đủ dinh dưỡng hơn nhưng không cân đối.
"Kết cấu" bữa ăn ở các nước trên thế giới hiện có thể chia thành 2 loại: nhiều thịt - ít rau và nhiều rau - ít thịt. Bữa ăn ít rau, nhiều thịt cung cấp cho cơ thể nhiều năng lượng, nhiều chất béo, nhiều protein nhưng ít chất xơ, đó là điều nguy hiểm bởi nó có thể dẫn đến các bệnh mãn tính như béo phì, tiểu đường, ung thư... Bữa ăn có nhiều rau, ít thịt thì lượng chất béo và protein mà cơ thể nhận được ở mức thấp, là nguyên nhân làm phát sinh bệnh do thiếu dinh dưỡng. Do vậy, một bữa ăn hợp lý, có lợi cho sức khỏe, không dẫn đến tình trạng thừa hay thiếu dinh dưỡng chỉ có khi bao gồm lượng thịt, rau cân bằng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc xây dựng khẩu phần ăn hợp lý còn phải dựa vào tình trạng sức khỏe, tình hình bệnh tật của mỗi người, phương châm là "ổn định lương thực, bảo đảm rau tươi, tăng thêm lượng sữa, điều chỉnh loại thịt".
Theo TS Lê Thị Bạch Mai, Tuần lễ "Dinh dưỡng và phát triển" nhằm mục tiêu hướng dẫn cho cộng đồng cách tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng, bảo đảm an toàn thực phẩm, có tác dụng nâng cao sức khỏe và dự phòng các bệnh không lây nhiễm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.