Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ấn tượng về kết quả xuất khẩu

Hồng Sơn| 05/12/2011 07:32

(HNM) - Nền kinh tế đã đi gần hết năm kế hoạch 2011 với nhiều khó khăn, thách thức. Bức tranh tổng thể của kinh tế Việt Nam 11 tháng qua nhìn chung là sự trầm lắng trong sản xuất công nghiệp và sự sôi động trong hoạt động xuất khẩu khi tới thời điểm này kết quả đã vượt chỉ tiêu đặt ra.


Mặt hàng cáp điện và dây điện là một trong những sản phẩm có chỉ số tồn kho tăng cao. Ảnh: Tiến Sính

Chỉ số tồn kho tại thời điểm đầu tháng 11 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 101%; bột giấy, giấy và bìa tăng 72,6%; xi măng, vôi tăng 64,2%; sản xuất đồ gốm sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ dùng trong xây dựng) tăng 62,7%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 38,8%... Điều này cho thấy, hoạt động công nghiệp diễn ra không mấy suôn sẻ, chịu ảnh hưởng của sự tăng giá nguyên liệu đầu vào, sự lên xuống thất thường của tỷ giá và tình trạng lạm phát.

Đặc biệt, chủ trương cắt giảm đầu tư công trên diện rộng, cả từ nguồn ngân sách, trái phiếu chính phủ và DN nhà nước đã, đang tác động tiêu cực đến ngành xây dựng cũng như sản xuất vật liệu xây dựng nói chung. Trong đó, ngành sản xuất thép vẫn trong tình trạng khó khăn, do tồn kho khá nhiều, chưa tìm được đầu ra thay thế. Các chuyên gia dự đoán, năm 2011 ngành này cũng suy giảm ít nhất khoảng 8-10% so với năm trước. Chính phủ chủ trương tiếp tục triển khai Nghị quyết 11, với tinh thần quyết liệt trong năm kế hoạch 2012 nên sự trầm lắng của thị trường xây dựng có thể vẫn tiếp diễn. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh xác nhận, thời gian tới sẽ có nhiều dự án, công trình bị đình hoãn, đồng thời không rót thêm vốn dự án mới (trừ trường hợp đặc biệt cần thiết). Thông tin mới nhất trong "làng thép" cho biết đã có một vài công ty thép rao bán lại dây chuyền sản xuất, hoặc đang thực hiện giao dịch mua bán, sáp nhập DN. Đây là động thái "tái cơ cấu" khiên cưỡng. Tương tự, ngành sản xuất xi măng cũng đang gặp khó, với mức tiêu thụ thấp. Tính sơ bộ, các DN xi măng tiêu thụ mới chỉ đạt doanh số bằng khoảng 65-70% so với kế hoạch. Nguyên nhân trực tiếp là do sự giảm thiểu trong hoạt động xây dựng, nhưng phần khác lại do công suất của các nhà máy nguồn "cung" hiện đã vượt mức "cầu" và thực trạng này đã được giới chuyên gia khuyến cáo từ vài năm trước. Tại nhiều địa phương, các dự án bất động sản, khu đô thị mới đang trong tình trạng "đóng băng" và điều này sẽ kéo theo sự suy giảm sâu của một số ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Trong bối cảnh trên, kết quả kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của cả nước lại đạt con số ấn tượng. Cụ thể, KNXK cả nước tháng 11-2011 đạt 8,6 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung 11 tháng, KNXK đạt 87,2 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2010, tương đương với chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2011, đưa xuất khẩu cán đích trước 1 tháng.

Bộ Công thương nhận định, tổng KNXK năm nay sẽ lên khoảng 95 tỷ USD, thậm chí còn cao hơn bởi các DN đang dồn sức xuất khẩu, thực hiện hết hợp đồng. Có DN đã bắt tay thực hiện đơn hàng mới. Nhìn chung, nhịp độ xuất khẩu vẫn đang ổn định và có khả năng duy trì trong những tháng tới. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, gạo, cà phê, cao su, thủy sản… vẫn được đối tác nước ngoài tiêu thụ mạnh, được đánh giá là còn tiềm năng để phát triển trong tương lai. Đáng lưu ý là một số thị trường có nhu cầu và sức mua cao, ổn định như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản vẫn "kết" hàng Việt Nam. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo, cùng với quá trình gia tăng về KNXK, DN Việt Nam cần chủ động chuẩn bị phương án cũng như sẵn sàng ứng phó với nạn kiện chống bán phá giá từ DN nước ngoài, bởi đây là vấn đề nhạy cảm và sẽ còn phức tạp hơn khi DN của chúng ta tăng nhanh tốc độ xuất khẩu.

Về tổng thể, thực tế nêu trên rất đáng mừng, cho phép đánh giá sức vươn của cả nền kinh tế, với định hướng hướng mạnh về xuất khẩu. Các chuyên gia cho rằng, qua hơn 20 năm mở cửa, nhất là từ khi gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam đã từng bước thích nghi, hội nhập ngày càng chủ động và sâu rộng hơn với đời sống kinh tế quốc tế. Trong đó, hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung, xuất khẩu nói riêng đang thể hiện rõ năng lực và một phần thế mạnh của mình. Như vậy, kết quả xuất khẩu là điểm sáng nhất của nền kinh tế để bù lại những kết quả chưa như mong muốn của các lĩnh vực khác…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ấn tượng về kết quả xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.