Hoạt động tìm kiếm và cứu nạn tại một ngôi làng nhỏ ở bang Maharashtra, nơi xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng khiến ít nhất 26 người thiệt mạng và 86 trường hợp mất tích, gặp nhiều khó khăn do mưa lớn, tầm nhìn hạn chế và địa hình hiểm trở.
Vụ sạt lở đất tại ngôi làng nhỏ nằm trên sườn đồi ở vùng núi Irshalwadi, cách thành phố Mumbai khoảng 80km, xảy ra vào đêm 19-7.
Tính đến ngày 22-7, số người thiệt mạng trong vụ việc đã lên đến 26, tăng mạnh so với 16 trường hợp được ghi nhận 2 ngày trước đó. Lực lượng chức năng thông báo, 9 thành viên cùng gia đình, trong đó có 1 bé trai 3 tuổi và 1 bé gái 6 tháng tuổi, đã thiệt mạng trong vụ sạt lở.
Phía cảnh sát cho biết, hoạt động tìm kiếm và cứu nạn của Lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia (NDRF) cùng các cơ quan chính phủ khác đã bước sang ngày thứ ba. Trước đó, hoạt động này đã bị đình chỉ vào khoảng 18h ngày 21-6 do ảnh hưởng của mưa lớn.
Theo India Today, ít nhất 17 trong số 48 ngôi nhà đã bị chôn vùi hoàn toàn hoặc một phần dưới đống đổ nát của vụ sạt lở đất nghiêm trọng này.
Văn phòng quản lý thảm họa quận Raigad thông tin, trong số 229 người dân làng, 26 người đã thiệt mạng, 10 người bị thương, 111 người an toàn và 86 người vẫn chưa được tìm thấy. Tuy nhiên, một số người không có mặt tại làng hoặc đi làm ruộng vào thời điểm xảy ra vụ việc.
Sau sự cố sạt lở đất, chính quyền bang Maharashtra đã quyết định chuyển người dân ở tất cả những khu vực có nguy cơ sạt lở đến các địa điểm an toàn hơn. 60 container cũng đã được trưng dụng làm trại trung chuyển cho những người sống sót.
Maharashtra hiện được đặt trong tình trạng báo động do ảnh hưởng của những trận mưa lớn gây gián đoạn cuộc sống của người dân, dịch vụ đường sắt và trường học. Mưa lớn kỷ lục cũng đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người ở miền Bắc Ấn Độ trong hai tuần qua, phá hủy hệ thống đường sá và nhiều nhà cửa.
Ấn Độ thường xuyên hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9. Các nhà khoa học cho biết, gió mùa đang trở nên thất thường hơn do biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu, dẫn đến sạt lở đất và lũ quét thường xuyên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.