Đồng thuận là nguồn lực, sức mạnh tạo thành công và những người “vác tù và hàng tổng” đã ghi dấu ấn đặc biệt trên chặng đường phát triển của Thủ đô và đất nước.
Nhiệm kỳ 2019-2024 đầy khó khăn, thách thức bởi hơn một nửa thời gian phải thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, càng khó khăn, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc lại càng được củng cố, phát huy, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ.
Khơi nguồn sức mạnh từ mỗi việc làm
Từ đầu năm 2024 đến nay, các xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoàn thành hơn 1.000 công trình, phần việc. “Có những công trình, phần việc mà ngay từ khi bắt tay vào thực hiện đã có nhiều khó khăn như phải vận động nhân dân giải phóng mặt bằng, kêu gọi xã hội hóa… Tuy nhiên, với trách nhiệm, lòng nhiệt tình và sự quyết tâm cao, những trở ngại đều được hóa giải”, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết.
Một trong những công trình thể hiện sự đồng thuận cao giữa chính quyền với nhân dân là việc mở rộng thêm 6m tuyến phố Phú Gia, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ). Sau hơn 4 tháng thi công, tuyến phố đã khang trang, sạch, đẹp hơn.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Phú Thượng Nguyễn Văn Bình Lâm cho biết: “Để có được tuyến phố xanh - sạch - đẹp như hôm nay, UBND phường đã tổ chức 5 buổi làm việc với 12 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất dọc hai bên tuyến phố, vận động hiến 480m2 đất. Phường đầu tư lát gạch giả đá, mở rộng đường với tổng kinh phí 400 triệu đồng”.
Tại phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình), khi địa phương có chủ trương xây dựng trụ sở tuần tra và trạm sách trên hai mảnh đất bỏ không, các đảng viên trong Chi bộ khu dân cư số 1, hội viên và các hộ kinh doanh trên địa bàn đã ủng hộ 77 triệu đồng. Công trình hoàn thành sau một tháng xây dựng. Tổ dân phố lại tiếp tục vận động người dân ủng hộ hơn 500 đầu sách cho trạm sách.
Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận khu dân cư số 1 (phường Ngọc Khánh) Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết: “Trụ sở tuần tra và trạm sách khu dân cư số 1 mang ý nghĩa đặc biệt bởi đây là công trình xã hội hóa thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân trong khu dân cư”.
Cũng vì tạo được sự đồng thuận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố Hà Nội đã vận động, tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền và hàng hóa lên tới 916,8 tỷ đồng; tiếp nhận, ủng hộ Quỹ "Vắc xin phòng Covid-19" của Trung ương 556,3 tỷ đồng; tiếp nhận 14 tỷ đồng ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” và các thiết bị học trực tuyến trị giá hàng chục tỷ đồng; chuyển hỗ trợ công tác phòng, chống dịch gần 846,6 tỷ đồng…
Đánh giá về những đóng góp của công tác Mặt trận đối với sự phát triển của Thủ đô, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã phối hợp UBND thành phố tiếp tục xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có nhiều đóng góp quan trọng tạo nên những thành tựu và kết quả nổi bật của Thủ đô. Đáng chú ý, qua rất nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt trong phòng, chống dịch Covid-19, Thủ đô Hà Nội đã bình an, tiếp tục phục hồi, phát triển, là minh chứng rõ nét trong thực hiện quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân…”.
Chuẩn hóa để đáp ứng yêu cầu mới
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội luôn xác định, mọi hoạt động đều phải hướng đến mục tiêu đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, phát huy quyền làm chủ của người dân; phải thực sự là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, chính quyền...
Tạo động lực hoàn thành nhiệm vụ đề ra, đặc biệt là với những việc khó, việc mới trong thực tế phát triển, người làm công tác Mặt trận không chỉ cần có sự tận tâm, tinh thần trách nhiệm cao, mà còn phải hội tụ những tri thức mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít người làm công tác Mặt trận chưa đáp ứng được đòi hỏi đó, vẫn còn một số cán bộ hạn chế về năng lực, thiếu kiến thức cơ bản và kỹ năng hoạt động…
Để làm tròn nhiệm vụ và xứng đáng với niềm tin của nhân dân, từ nhiệm kỳ 2019-2024, Mặt trận cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã thực hiện trẻ hóa, chuẩn hóa cán bộ với yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phải nằm trong độ tuổi lao động.
Đến nhiệm kỳ 2024-2029, đồng thời với công tác kiện toàn cán bộ Mặt trận chuyên trách, Mặt trận các cấp chú trọng củng cố và mở rộng số lượng Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên cơ sở tăng thêm số lượng thành viên là người tiêu biểu, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia trên các lĩnh vực, đảm bảo tính tiêu biểu và đại diện, thiết thực trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Cùng với việc tập hợp các giai tầng trong xã hội tham gia công tác Mặt trận, vấn đề chuyên môn cũng được Mặt trận các cấp đặc biệt quan tâm. Là người gắn bó với công tác Mặt trận nhiều năm, PGS.TS Ngô Hữu Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về tôn giáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cho rằng, Trung ương cần có chiến lược đào tạo cán bộ mặt trận bài bản hơn. Khi chưa có trường lớp đào tạo như hiện nay, cần ưu tiên bố trí cán bộ có văn bằng về luật hoặc xã hội học mới đáp ứng được công việc.
Còn theo Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Sỹ Trường, cùng với việc chuẩn hóa cán bộ, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần huy động trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ tư vấn là các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác lãnh đạo, quản lý (đương chức và nghỉ hưu) trên các lĩnh vực để tham gia vào các Hội đồng tư vấn nhằm tham mưu giúp Ban Thường trực, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp những nội dung liên quan đến các lĩnh vực công tác.
Để tập hợp được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển hiện nay. Đồng thời, tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động; xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Là mái nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp Thủ đô đang từng bước kiện toàn đội ngũ cán bộ theo hướng nâng cao chất lượng, chuẩn hóa, trình độ, chuyên môn, nhiệt tình, năng động, sáng tạo, biết cách vận động, thuyết phục các tầng lớp nhân dân, ngày càng khẳng định vai trò của mình, xứng đáng với sự yêu mến của nhân dân, sự tin tưởng của cấp ủy, chính quyền.
Mặt trận các cấp của thành phố đã vận động trên 252,6 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”. Quỹ “Vì người nghèo” các cấp của thành phố vận động được trên 313 tỷ đồng. Toàn thành phố Hà Nội trích trên 315 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây dựng, sửa chữa 4.578 nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ 25.546 học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đi học, hỗ trợ sinh kế cho 7.756 hộ, hỗ trợ khám, chữa bệnh cho 7.195 người nghèo và các hỗ trợ khác trị giá 156,4 tỷ đồng.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.