Trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, bên cạnh những cách làm sáng tạo của tập thể, trên địa bàn thành phố còn có nhiều tấm gương cán bộ Mặt trận tiêu biểu, chuyên “ăn cơm nhà lo việc làng, việc xã”.
Họ không chỉ nhiệt huyết, trách nhiệm trong công việc mà còn tiên phong, gương mẫu, chấp nhận thiệt thòi, hy sinh lợi ích riêng của bản thân và gia đình vì việc chung, được chính quyền, nhân dân ghi nhận và tin yêu.
Tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm
Trong số những cán bộ Mặt trận ở cơ sở, có những người đã ở tuổi “cổ lai hy”, nhưng cũng có những người còn khá trẻ. Tuy nhiên, dù nhiều hay ít tuổi thì họ cũng đều có điểm chung, đó là sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc chung của thành phố và đất nước.
Trở về địa phương sau những năm tháng phục vụ trong quân đội, ông Hà Sỹ Thôn, ở thôn Xâm Thị, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) được cấp ủy Đảng và nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn. Dù đã “có tuổi”, song những bước chân của ông Thôn vẫn thoăn thoắt, “miệng nói, tay làm”.
Dẫn phóng viên thăm khu tái định cư Dự án đường Vành đai 4 ở xã Hồng Vân, ông Hà Sỹ Thôn trầm ngâm nhớ lại: "Những ngày bắt đầu triển khai dự án, ban ngày tôi tất bật đến từng gia đình vận động, tối về ngồi thống kê những khó khăn, vướng mắc để tham mưu cho chính quyền hướng giải quyết. Có những hôm ham việc quên cả thời gian, 12h đêm tôi vẫn đến gõ cửa nhà dân và bị “đuổi” về. Hay đến gặp người dân một lần thuyết phục chưa thông, tôi phải đi nhiều lần, hết vào nhà lại ra đồng…, cứ gặp bà con ở đâu là tuyên truyền, vận động ở đấy".
Đứng trước căn nhà 4 tầng khang trang đang bước vào giai đoạn hoàn thiện tại khu tái định cư mới, ông Hà Sỹ Hải, người thôn Xâm Thị, phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi phải bàn giao hơn 600m2 đất ở. Thời điểm đó, gia đình tôi đang xây dựng ngôi nhà đến tầng thứ 3 thì ông Hà Sỹ Thôn đến vận động ngừng xây để bàn giao mặt bằng. Tích cóp gần cả đời, hơn 60 tuổi tôi mới xây dựng được căn nhà, chưa được ở đã phải phá dỡ, xót xa lắm. Hồi đó, tôi giận bác Thôn, vừa là hàng xóm, vừa là chỗ họ hàng mà không “bảo vệ nhau”. Thế rồi, nghe lời phân tích, tôi đã hiểu và đồng thuận. Đến nay, chuyển ra khu tái định cư, có vị trí đẹp, đường rộng thênh thang, điện nước đầy đủ, cuộc sống gia đình tôi hứa hẹn tốt hơn nơi ở cũ”.
Từ Thường Tín, chúng tôi về Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng…, đâu đâu cũng được nghe người dân kể về những người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Trong số những cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở, anh Nguyễn Đại Kết, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận cụm 1, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng được đánh giá là trẻ, mới có 37 tuổi. Thế nhưng, anh Kết đã có rất nhiều thành tích trong công tác Mặt trận, nhất là trong giải phóng mặt bằng dự án quan trọng này. Mới đây, anh đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen do có thành tích tiêu biểu trong công tác Mặt trận giai đoạn 2019-2024.
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, anh Nguyễn Đại Kết “đúc kết”: "Trong công tác tuyên truyền, muốn người khác hiểu chủ trương, thì trước hết, cán bộ phải thấm nhuần chủ trương, hiểu sâu bản chất vấn đề, có như vậy dân mới nghe, mới tin. Trong mọi việc, phải đưa ra trước dân để bàn bạc, xin ý kiến và coi quyền lợi của nhân dân là trục xuyên suốt".
Nhớ lại nhiệm vụ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, đặc biệt là công tác vận động nhân dân thực hiện di chuyển mộ tại Nghĩa trang nhân dân thôn Bồng Lai về nghĩa trang tập trung của xã, anh Kết cho rằng, đây là nhiệm vụ khó, chưa có tiền lệ và bị chi phối nhiều bởi tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của người dân. Xác định được điều đó, anh Kết đã bàn với chi bộ báo cáo với Đảng ủy, UBND xã xin ý kiến và thống nhất phối hợp cùng sư thầy trụ trì chùa Hưng Khánh tổ chức khóa lễ cầu an để nhân dân an tâm trước khi tiến hành di chuyển mộ ngay từ tháng cuối năm 2022.
Đến đầu năm 2023, do phong tục, tập quán của địa phương chỉ di chuyển mộ vào 3 tháng cuối năm, với vai trò là Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận, anh Kết đã đề xuất tổ chức tọa đàm tang văn minh tiến bộ, mời các chức sắc tôn giáo có uy tín về cùng trao đổi nội dung tang văn minh, tập trung thực hiện di chuyển mộ ngay từ đầu năm. Sau buổi tọa đàm, Ban Công tác Mặt trận thôn tiếp tục thành lập tổ công tác đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký lịch và thực hiện di chuyển mộ.
Trong quá trình nhân dân di chuyển mộ, cán bộ thôn, xã đã chủ động hướng dẫn nhân dân hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ, giải quyết những vấn đề phát sinh trong khi thực hiện di chuyển mộ, như: Tranh chấp phần mộ, tranh chấp quyền di chuyển. Cán bộ thôn cũng trực tiếp tham gia giám sát đơn vị thi công xây phần mộ để bảo đảm chất lượng; giám sát thỏa thuận giá dịch vụ của các đơn vị nhận di chuyển mộ...
Tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ Mặt trận cơ sở đã góp phần từng bước tháo gỡ được nút thắt, giúp công tác giải phóng mặt bằng dễ dàng hơn.
Tiên phong, gương mẫu
Cùng với sự tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm, cán bộ Mặt trận cơ sở cũng đã phát huy tính tiền phong, gương mẫu để người dân noi theo. Đến xã Kim Hoa (huyện Mê Linh), hỏi về Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Kim Tiền thì ai cũng biết. Ông Hà Văn Quyết đã có nhiều năm làm Bí thư Chi bộ, luôn trăn trở tìm cách đưa chủ trương của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với người dân, tranh thủ được sự ủng hộ, đồng thuận tối đa của nhân dân. Trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4, thôn Kim Tiền có 3,2ha đất của 53 hộ gia đình và 24 ngôi mộ nằm rải rác ở các xứ đồng thuộc diện phải di dời. Bản thân gia đình ông Quyết có hơn 1.079m2 đất canh tác nông nghiệp, cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm cũng thuộc diện phải thu hồi. Với tinh thần nêu gương, ông Quyết đã vận động gia đình mình gương mẫu đi đầu, bàn giao toàn bộ đất nông nghiệp cho chính quyền địa phương.
Xác định rõ việc di dời 24 ngôi mộ nằm trong chỉ giới đường đỏ phục vụ Dự án đường Vành đai 4 gặp nhiều khó khăn, bởi đây là vấn đề tâm linh, nhạy cảm, ông Quyết cùng các thành viên trong Tổ công tác giải phóng mặt bằng đến từng hộ gia đình có mộ cần di chuyển để động viên và giải thích một cách có lý, có tình, đồng thời có phương án thống nhất ngày giờ, cách thức di chuyển các ngôi mộ cho phù hợp về văn hóa tâm linh. “Có hộ gia đình, chúng tôi phải vận động và thuyết phục tới lần thứ 3 mới nhận được sự đồng thuận”, ông Quyết nhớ lại.
Là một trong các gia đình thực hiện di dời mộ phần của tổ tiên, bà Hà Thị Sinh, người dân thôn Kim Tiền, xã Kim Hoa đánh giá: "Ông Hà Văn Quyết rất gần dân, sát sao với mọi công việc trong thôn. Ông thường xuyên tuyên truyền giúp chúng tôi hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyến đường Vành đai 4. Bản thân ông Quyết luôn "nói đi đôi với làm", gương mẫu thực hiện trước, nên bà con cũng đồng lòng bàn giao lại ruộng vườn, nhà cửa, di dời mồ mả... cho Nhà nước làm đường".
Còn Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Tân Châu, xã Chu Phan (huyện Mê Linh) Lê Văn Tu cho biết, là đảng viên thì cần hiểu rõ về công việc mình làm và bản thân phải gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động để quy tụ sự đoàn kết trong Chi bộ, đồng thuận trong nhân dân. Trong mọi việc phải nhiệt tình, trách nhiệm, gần dân, coi việc của thôn cũng như việc của gia đình mình. Nếu không sâu sát, chỉ làm cho xong thì không bao giờ nhận được sự đồng tình, ủng hộ, nhất trí cao của tập thể. Làm tốt công tác nêu gương, nhân dân sẽ tin tưởng, làm theo. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả, góp phần vào thành công chung trong công tác giải phóng mặt bằng của cả xã.
Là một trong những cán bộ Mặt trận cao tuổi, ông Đào Quý Nhiên ở thôn Ngự Câu, xã An Thượng (huyện Hoài Đức) năm nay bước vào tuổi 80. Dù ở tuổi được phép nghỉ ngơi, song với suy nghĩ còn sức khỏe, trí tuệ, kinh nghiệm thì còn cống hiến, lại được Đảng tin, dân mến, ông Nhiên vẫn tích cực đảm đương nhiệm vụ.
“Tôi làm Bí thư Chi bộ thôn Ngự Câu từ năm 1994 đến 2022; làm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Ngự Câu từ năm 2017 đến nay. Trong suốt quá trình đó, tôi luôn phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc. Đặc biệt, khi Nhà nước triển khai Dự án đường Vành đai 4 qua địa bàn thôn, tôi cùng Ban Công tác Mặt trận phối hợp Hội đồng quản trị Hợp tác xã tuyên truyền, vận động 217 hộ gia đình có đất nằm trong diện thu hồi của dự án, với diện tích 5ha, nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho Ban Quản lý dự án”, ông Đào Quý Nhiên chia sẻ.
Sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu, chấp nhận thiệt thòi của những cán bộ Mặt trận cơ sở đã và đang là tấm gương sáng để người dân tin tưởng, làm theo, tạo chuyển biến rất lớn trong việc thực hiện những việc khó, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.