LTS: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Trong đó, đoạn qua Hà Nội có chiều dài 58,2km, đi qua 7 quận, huyện. Dự án được kỳ vọng sẽ hình thành tuyến giao thông huyết mạch, tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và địa phương lân cận. Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay, phần dự án qua thành phố Hà Nội đã giải phóng mặt bằng được gần 98% diện tích. Để đạt được kết quả “thần tốc” này, ngoài sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, không thể phủ nhận vai trò của những người làm công tác Mặt trận từ thành phố tới cơ sở - nơi có tuyến đường đi qua. Để hiểu rõ hơn những đóng góp thầm lặng của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt bài viết: “Thành công trong giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội: Khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc”.
Công tác giải phóng mặt bằng luôn là việc khó, phức tạp, tác động trực tiếp đến lợi ích của nhân dân. Nếu thực hiện không tốt công tác này sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự, giảm sút lòng tin của nhân dân với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Dù vậy, với sự vào cuộc tâm huyết, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, đặc biệt là cán bộ Mặt trận ở cơ sở đã “cùng đi, cùng ở, cùng làm” với chính quyền, công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt được kết quả tích cực, giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công.
Sự vào cuộc “thần tốc” của hệ thống chính trị
Trong cái nắng chói chang của những ngày hè tháng 7-2024, chúng tôi đến thăm khu tái định cư xã Hồng Vân, huyện Thường Tín. Đây là một trong 3 khu tái định cư dành cho người dân có diện đất phải thu hồi để phục vụ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Thường Tín. Những ngôi nhà khang trang 3, 4 tầng đã hoàn thiện còn thơm mùi sơn và những nụ cười, sự phấn khởi căng tràn trên gương mặt người dân nơi đây. Ông Hà Sỹ Hải ở khu tái định cư xã Hồng Vân vừa tranh thủ thời tiết nắng ráo lăn sơn ngôi nhà mới xây dựng, vừa vui vẻ nói: “Nhà nước triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, gia đình tôi bị thu hồi hơn 600m2 đất ở. Lúc đầu, băn khoăn lắm, nhưng được cán bộ Mặt trận thôn, xã đến tuyên truyền, vận động, phân tích ý nghĩa quan trọng của dự án, nên mọi người trong gia đình đã hiểu, nhận bồi thường và bàn giao mặt bằng cho Nhà nước”.
Tiếp lời ông Hải, bà Phạm Thị Hường nhà gần đó chia sẻ thêm: “Khi nghe tin phải chuyển nhà đến nơi ở mới gia đình lo lắng lắm. Chỗ ở mới như thế nào, có tốt không? Mảnh đất chúng tôi đang ở là nơi “chôn rau, cắt rốn” của nhiều đời trong gia đình. Thế nên, cứ thấy Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ, hay các ông bà Mặt trận đến là tôi đóng cửa không tiếp. Ấy vậy mà họ vẫn không nản, tìm mọi cách để tiếp cận tuyên truyền, vận động. "Mưa dầm thấm lâu", sự kiên trì giải thích của ban, ngành đoàn thể đã giúp gia đình hiểu và đồng thuận. Hiện tại, gia đình tôi đã nhận đất tái định cư để xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống. Mọi người trong gia đình phấn khởi khi khu tái định cư có hạ tầng đẹp, đồng bộ, thuận lợi hơn nơi ở cũ”.
Theo UBND huyện Thường Tín, thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, toàn huyện phải thu hồi 134,4ha đất tại 9 xã, liên quan đến 2.096 hộ gia đình và tổ chức. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 102,1ha; đất có nhà ở là 3,22ha của 197 hộ tại 4 xã: Khánh Hà, Văn Bình, Hồng Vân, Vân Tảo và hơn 30ha đất khác… Dù khối lượng công việc nhiều, song nhờ sự chung sức vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, những phần việc liên quan đến giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Thường Tín đã cơ bản hoàn thành và bàn giao cho đơn vị thi công từ cuối năm 2023. Người dân đã bắt đầu chuyển đến sinh sống ổn định tại nơi ở mới.
Rời Thường Tín, chúng tôi ngược lên các xã Hồng Hà, Liên Hồng, Hạ Mỗ, Tân Hội và thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng). Sau khi nhận bàn giao mặt bằng, tuyến đường Vành đai 4 qua địa bàn các xã đang được các nhà thầu thi công khẩn trương và đã định hình rõ nét. Tại xã Hồng Hà, địa phương có diện tích đất cần thu hồi triển khai dự án là 30,3ha của 285 hộ gia đình, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Mạnh Hà cho biết, mặc dù số lượng công việc nhiều, làm cấp tập trong thời gian ngắn, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tiên phong là đội ngũ cán bộ Mặt trận "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân, nên xã đã bàn giao 100% diện tích đất nông nghiệp cho đơn vị thi công, với số tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 135 tỷ đồng.
Qua khảo sát thực tế tại các huyện Hoài Đức, Mê Linh, Sóc Sơn, Thanh Oai…, kết quả triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 cũng rất ấn tượng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh, Dự án đường Vành đai 4 trên địa bàn huyện có chiều dài hơn 17km, đi qua 12 xã, tổng diện tích đất thu hồi, giải phóng mặt bằng là hơn 247ha. Nhờ đa dạng hình thực tuyên truyền, đến nay, huyện đã bàn giao 98,1% diện tích dự án, trong đó thu hồi 235,17ha đất của 6.276 hộ dân, số tiền chi trả hơn 1.835 tỷ đồng... Ngoài ra, đến ngày 15-7, huyện Hoài Đức tiếp tục triển khai các quy trình thu hồi bổ sung 7,455ha đất nông nghiệp của 210 hộ, tại các xã: An Thượng, Đông La, Đức Giang, Đức Thượng; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật 2 khu tái định cư ở xã Đức Thượng và xã Đông La… Đối với Mê Linh, huyện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% diện tích đất nông nghiệp, đất giao thông thủy lợi (134,7ha); đang thực hiện các bước quy trình bồi thường giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất có công trình điện, nước, viễn thông, trường học; chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với 6,96ha đất ở, liên quan đến 438 hộ dân. Huyện cũng hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại 3 khu tái định cư, tiến hành bàn giao đất tái định cư cho 165 hộ dân và đã có 38 hộ xây dựng nhà tại khu tái định cư...
Theo thông tin từ UBND thành phố Hà Nội, sau hơn 2 năm kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 57/2022/QH15, ngày 16-6-2022 và sau hơn 1 năm từ ngày khởi công dự án (ngày 25-6-2023), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thành phố và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, Hà Nội đã giải phóng mặt bằng để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn thành phố được 774,26/791,21ha, đạt gần 98%; hoàn thành toàn bộ 13/13 khu tái định cư và đã bố trí tái định cư được cho 273/818 hộ dân. Đặc biệt, các nhà thầu đang đẩy nhanh công tác thi công đường song hành, đến nay, một số đoạn đã thi công đến lớp cấp phối đá dăm, sản lượng đạt khoảng 26% giá trị hợp đồng…
Kết quả trên là những “con số biết nói”, phản ánh sự vào cuộc “thần tốc” và hiệu quả của cả hệ thống chính trị các cấp từ thành phố, huyện xuống cơ sở trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Di dời hàng nghìn ngôi mộ - việc khó, chưa có tiền lệ
Có lẽ, chưa có dự án nào công tác giải phóng mặt bằng lại cần thu hồi diện tích lớn, phức tạp, khó khăn gấp bội phần như Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Thủ đô Hà Nội. Theo thống kê của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, để thực hiện dự án, 7 quận, huyện có tuyến đường đi qua phải di chuyển 10.346 ngôi mộ. Đây là việc vô cùng khó khăn. Bài toán “an dân” chưa khi nào trĩu nặng như vậy. Thế nhưng, với nhiều cách làm sáng tạo, sự đồng lòng, điều hành linh hoạt của chính quyền địa phương và thành phố Hà Nội, đến đầu tháng 7-2024, toàn thành phố đã di chuyển được 10.104/10.346 ngôi mộ, đạt gần 98%. Thành công này in đậm dấu chân cán bộ Mặt trận cơ sở.
Cùng Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Văn Giáp, xã Văn Bình (huyện Thường Tín) Nguyễn Đình Khảm đến khu nghĩa trang mới xã Văn Bình - nơi được mở rộng để di chuyển toàn bộ mộ chí của các hộ dân trong thôn để giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4, mới thấy được sự nỗ lực, quyết tâm của cán bộ Mặt trận ở cơ sở. Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hà Nội mới, ông Nguyễn Đình Khảm cho biết, thôn có 1.292 ngôi mộ phải di chuyển khi thực hiện dự án. Xác định đây là việc khó, Ban Công tác Mặt trận vận động gia đình đảng viên, cán bộ Mặt trận nêu gương di chuyển mồ mả trước (nếu có); đồng thời phân công mỗi cán bộ Mặt trận phụ trách nhóm gia đình trong thôn đến tuyên truyền, vận động. Có những hộ dân, cán bộ Mặt trận phải đến nhiều lần động viên, phân tích chủ trương, chính sách của Nhà nước về giải phóng mặt bằng…, giúp các hộ dân cùng thông tư tưởng.
Điển hình nhất, dòng họ Nguyễn Hữu trong thôn Văn Giáp có 300 ngôi mộ, trong đó có ngôi mộ khoảng 400 năm. “Để dòng họ Nguyễn Hữu di chuyển những ngôi mộ này theo kế hoạch, chúng tôi đã rất vất vả. Ban Công tác Mặt trận thôn phải đến gặp ông trưởng họ, phân tích lợi ích của tuyến đường đối với huyện, Thủ đô và các tỉnh lân cận. Công việc di chuyển mồ mả được chính quyền đồng hành, hỗ trợ, tổ chức trang nghiêm, đúng phong tục để người dân yên tâm. Nhờ kiên trì tuyên truyền, vận động đúng người, đúng chủ trương, các gia đình trong dòng họ Nguyễn Hữu đã đồng thuận di chuyển mộ chí đến nghĩa trang mới”, ông Nguyễn Đình Khảm chia sẻ.
Hay dòng họ Hoàng Kim ở xã Minh Khai (huyện Hoài Đức), sau khi được tuyên truyền, vận động, các gia đình trong dòng họ đã sớm di chuyển hơn 100 phần mộ nằm trong phạm vi thu hồi đất để thực hiện Dự án đường Vành đai 4 và dự án khác về Nghĩa trang Rẻ Sen... Nhờ sự tiên phong của dòng họ Hoàng Kim và các hộ dân khác, huyện Hoài Đức đã di chuyển được 2.341 ngôi mộ, đạt 91,37%. Ngoài ra, có 537 ngôi mộ vô chủ cũng đã được di chuyển bảo đảm đúng thủ tục, trình tự.
Riêng đối với xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng), lần đầu tiên trong lịch sử, xã đã đồng thời di chuyển cả một nghĩa trang của làng Bồng Lai với hơn 1.200 ngôi mộ và xây dựng nghĩa trang nhân dân mới của xã. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hồng Hà Trần Ngọc Chiến thông tin, để việc di chuyển mồ mả được thuận lợi, nghĩa trang mới đã được gấp rút quy hoạch, xây dựng khang trang. Mặt trận Tổ quốc xã đã tổ chức hội nghị tọa đàm tang văn minh tiến bộ, mời Đại đức Thích Thái Minh (Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Đan Phượng) và Đại đức Thích Thanh Việt (Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Nam) tới giải thích quan điểm của đạo Phật trong việc di chuyển mộ mả để người dân hiểu, đồng thuận. Quá trình di chuyển, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã mời trụ trì chùa Hưng Khánh về làm lễ cầu siêu… Nhờ công tác tuyên truyền tốt và sự chuẩn bị chu đáo, chỉ trong thời gian ngắn, xã Hồng Hà đã hoàn thành di chuyển mồ mả tới nghĩa trang mới.
Tương tự, tại huyện Mê Linh, cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 5 xã có dự án đi qua luôn tham dự các buổi họp dân, kịp thời nắm bắt dư luận để điều chỉnh phương pháp tuyên truyền phù hợp. Nhờ đó, đến ngày 31-12-2022, huyện Mê Linh đã hoàn thành di chuyển 566 ngôi mộ, đạt 100% kế hoạch, đồng thời là địa phương hoàn thành di chuyển mộ ở Dự án đường Vành đai 4 nhanh nhất thành phố.
Có thể thấy, kết quả nổi bật trong giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội thể hiện rõ bằng những con số “biết nói”, phản ánh hiệu quả sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị Thủ đô. Trong đó, vai trò của những người làm công tác Mặt trận được người dân ghi nhận với câu nói vui đầy thân thương: “Việc gì khó… có Mặt trận”.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.