Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ấm tình người nơi xóm trọ bệnh nhi

Dương Linh| 09/10/2021 06:33

(HNM) - Đến xóm trọ ở tổ dân phố 5C (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình), chúng tôi bắt gặp những ánh mắt thơ ngây của các em nhỏ bên gương mặt đầy ưu tư của các bậc cha mẹ đang cùng con chiến đấu với bệnh tật. Vượt qua muôn vàn khó khăn do đại dịch Covid-19, tình người nơi xóm trọ bệnh nhi vẫn ấm áp, giúp những người nơi đây có thêm động lực để bước tiếp hành trình vươn lên trong cuộc sống...

Bà Nguyễn Thị Dung (ngoài cùng bên phải) thăm hỏi các bệnh nhi tại xóm trọ ở tổ dân phố 5C (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình). Ảnh: Nguyệt Ánh

Những cảnh đời kém may mắn

Chiều muộn một ngày đầu tháng 10-2021, chúng tôi có mặt tại xóm nhà trọ của những bệnh nhân điều trị trong Bệnh viện Nhi trung ương ở tổ dân phố 5C (phường Ngọc Khánh) lúc nhà nhà bắt đầu đỏ lửa nấu bữa tối. Tại khoảng sân chung của khu trọ, mấy đứa trẻ tay vẫn gắn kim luồn lưu ven truyền tĩnh mạch đang chơi đùa. Mới 7 tuổi, cô bé Ngô Thùy Linh (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đã có “thâm niên” 2 năm nằm viện. Do dịch Covid-19 liên tiếp diễn biến phức tạp tại Bắc Giang rồi đến Hà Nội nên hơn 5 tháng qua, Linh và mẹ là chị Nguyễn Thị Hồng phải ở lại Thủ đô.

“Ban đầu cháu kêu bị đau đầu, hay ngã, đi khám thì phát hiện bị u não. Khi biết tin con lâm bệnh trọng tôi rất sốc. Qua hai lần mổ, cháu bị liệt nửa người và phải châm cứu, vật lý trị liệu thì mới hồi lại. Do bệnh nặng nên cháu phải áp dụng cả hai phương pháp điều trị là hóa trị và xạ trị. Xạ trị thì sức khỏe con ổn định, lúc hóa trị sức khỏe yếu đi, nhiều khi còn không lấy nổi ven”, chị Hồng nghẹn ngào nói.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng ở quê làm nông, kinh tế vốn chẳng dư dả gì, lại thêm con bị bệnh hiểm nghèo nên gia cảnh khó càng thêm khó. Hằng ngày, bên cạnh chi phí sinh hoạt, chị còn phải lo thêm khoản tiền thuốc ngoài bảo hiểm, bồi dưỡng cho con có sức để đáp ứng thuốc. Hai hàng nước mắt lăn dài trên gò má, chị Hồng bày tỏ: “Con bị bệnh nên khó khăn, chi phí tốn kém, nhưng vợ chồng tôi phải lo bằng được. Ngày mai con lại vào viện để tiếp tục liệu trình điều trị, mong con khỏe để vào được thuốc…”.

Là thành viên quen thuộc của xóm trọ, anh Lê Anh Quyết và con trai Lê Nhật Minh (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đã ở đây được 3 năm. Minh bị ung thư máu và đã phải chống chọi với căn bệnh quái ác này từ lúc 2 tuổi. Xoa mái tóc của con, anh Quyết kể: “Qua quá trình điều trị từ khi phát hiện bệnh, sức khỏe của cháu đã ổn định, tóc đã mọc lại. Nhưng cách đây không lâu, thấy chỉ số máu xuống thấp, tôi vội đưa con xuống Bệnh viện Nhi trung ương khám, không ngờ bệnh có nguy cơ tái phát nên phải nhập viện điều trị và thế là ở đây đã hơn 2 tháng rồi...”.

Ở quê, anh Lê Anh Quyết làm công việc hàn xì, cơ khí, thu nhập hưởng theo ngày công. Vợ anh cũng tranh thủ đi bán hàng thuê để kiếm thêm tiền chữa bệnh cho con. Thế nhưng, dịch bệnh ập đến, hai vợ chồng đều mất việc làm. “Tích cóp được đồng nào, chúng tôi đã tiêu hết. Nếu bình thường, cứ 2 tuần ở viện là bác sĩ cho về thì mình còn có thời gian đi kiếm tiền, nhưng từ ngày xảy ra dịch, cứ ở đây như thế này càng thêm khó”, anh Quyết ngậm ngùi.

Đó chỉ là 2 trong số khoảng 50 bệnh nhi và bố mẹ các em đến từ các tỉnh, thành phố khác đang ở xóm trọ tại tổ dân phố 5C. Mỗi trẻ bị một căn bệnh hiểm nghèo khác nhau. Cuộc sống của các em ngày qua ngày chỉ quẩn quanh với bệnh viện, còn cha mẹ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn...

Sẻ chia yêu thương

Ở khu trọ của chị Hồng, anh Quyết, chúng tôi gặp bà Bùi Kim Sinh. Là chủ nhà trọ nhưng bà Sinh luôn tìm cách hỗ trợ, tạo điều kiện cho những ông bố, bà mẹ có con bị bệnh ở trọ. Bà Sinh tâm sự: “Chồng tôi cũng bị bệnh 10 năm nay, đi viện nhiều cũng biết nỗi khổ, nên chúng tôi cùng chia sẻ khó khăn. Tôi giảm giá phòng trọ, còn bếp gas để ở đây ai nấu thì nấu, không thu tiền. Tôi còn trồng thêm rau, đợt dịch vừa rồi cũng đỡ được bữa ăn hằng ngày cho cả khách trọ. Đã đến ở nhà tôi, cùng cảnh ngộ đều được giúp. Chúng tôi đều coi các cháu Hồng, Quyết, Linh… như người nhà”.

Còn bà Thái Thị Phi, một chủ nhà trọ khác trong tổ dân phố 5C, thì bộc bạch: “Phòng trọ nhà tôi hiện còn 3 gia đình ở. Cháu nào ở đây tôi cũng quan tâm, không có điều kiện hỗ trợ tiền thì chúng tôi giảm tiền nhà. Đợt giãn cách vừa rồi, trong lúc khó khăn tôi đã đứng ra xin gạo, trứng, sữa cho các cháu”.

Một tấm lòng thơm thảo khác là bà Nguyễn Thị Dung, Tổ trưởng tổ dân phố 5C. Ngày nào bà Dung cũng tất tả, hết tham gia trực chốt phòng, chống dịch Covid-19 lại xuống xóm trọ nghèo để thăm hỏi xem có gia đình nào cần trợ giúp. “Các cháu ở đây đều có hoàn cảnh đáng thương lắm. Có cháu ở vài tháng, có cháu ở vài năm, nhưng điểm chung là hoàn cảnh bệnh nhân phần lớn đều khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh. Tôi xin được ít gạo, suất cơm, quần áo hay tiền cho các cháu thì mừng, bỏ sót ai thì thấy có lỗi”, bà Dung chia sẻ.

Đưa chúng tôi đến thăm phòng trọ rộng chưa đầy 5m2 của vợ chồng anh Lý A Thề và chị Vàng Thị Pà, người dân tộc Mông ở tỉnh Lai Châu, bà Dung kể: “Mấy tháng trước, tôi vào đây phát quà thì thấy các cháu mới đến và hỏi chuyện. Hai vợ chồng còn trẻ, chẳng có tiền. Con mới có 5 tháng tuổi lại mang trong mình bệnh tật phải điều trị dài ngày. Ban đầu, mấy lần tôi kêu ra lấy cơm, cháo từ thiện họ còn ngại nên phải mang vào trực tiếp”.

Những người ở xóm trọ trong tổ dân phố 5C luôn coi bà Sinh, bà Phi, bà Dung... như người thân của mình. Họ đã cùng chung tay sẻ chia yêu thương, dắt dìu nhau vượt qua dịch Covid-19, bệnh tật và sự túng thiếu tiền bạc. Chị Vàng Thị Pà chia sẻ: “Bà Dung tốt lắm. Bà thấy chúng tôi khó khăn nên kết nối xin cho 41 triệu đồng chữa bệnh, nhưng vợ chồng tôi cũng lo bị mất cắp, nên gửi bà giữ hộ. Mỗi lần đưa con vào viện phẫu thuật, khi bàn giao tiền, bà đều mang sổ xuống cho ký nhận. May có bà giúp đỡ không chúng tôi chẳng biết trông cậy vào đâu”.

“Ông bà chủ nhà rất tử tế, tốt bụng, coi chúng tôi như người thân. Thỉnh thoảng bà Sinh còn thịt gà để cải thiện bữa ăn cho các cháu. Chính quyền phường cũng quan tâm, bà Dung thường xuyên qua lại hỏi han, mang quà cho các con nên chúng tôi đỡ phần nào lo lắng”, chị Hồng xúc động bày tỏ.

Đại dịch Covid-19 vẫn chưa qua, những khó khăn của gia đình các bệnh nhi còn bao chồng chất nên vẫn rất cần những tấm lòng hảo tâm để viết tiếp câu chuyện về sự tử tế, đùm bọc, sẻ chia. Mỗi một cử chỉ, tấm lòng nhân ái sẽ làm vơi đi gánh nặng tiền bạc, giúp các gia đình có con lâm bệnh đang ở xóm trọ trong tổ dân phố 5C phường Ngọc Khánh có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật.

“Chúng tôi mong sẽ có thêm nhiều cánh tay dang rộng, chia sẻ một phần khó khăn với những bệnh nhi nơi đây, để các cháu vượt qua bệnh tật, có cuộc sống bình yên như bao đứa trẻ khác”, Tổ trưởng tổ dân phố 5C Nguyễn Thị Dung bộc bạch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ấm tình người nơi xóm trọ bệnh nhi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.