LTS: Phóng viên Hànộimới đã được chứng kiến những câu chuyện cảm động về tình đồng đội, tình đồng bào, tình người, tình hữu nghị Việt - Lào tại nơi biên giới Việt - Lào...
LTS: Chương trình kết nghĩa bản - bản trên dọc tuyến biên giới Việt - Lào thuộc tỉnh Quảng Trị do lực lượng biên phòng Quảng Trị thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực. Phóng viên Hànộimới đã được chứng kiến những câu chuyện cảm động về tình đồng đội, tình đồng bào, tình người, tình hữu nghị Việt - Lào tại nơi biên cương xa ngái này.
Bài 1: “Ba cùng” với dân
Đường lên Đồn Biên phòng Tam Thanh thuộc huyện Hướng Hóa, Quảng Trị vẫn bị sạt lở vài đoạn. Sau cuộc làm việc nhanh, chỉ huy đồn đã phân công một trung úy dẫn đường đưa chúng tôi vào Trạm quân dân y Pa Lọ nằm cạnh sông Sê Pôn sát biên giới Việt - Lào. Đường từ Thanh vào trạm qua hết đồi sắn này lại xuống nương sắn khác, nhiều đoạn đường dốc lầy lội khiến chúng tôi phải xuống xe máy để dắt qua. Lâu lâu mới lại thấy bóng người, dáng nhà.
Dạy từ cách uống thuốc
Sau khoảng 45 phút vật lộn trên đường, chúng tôi vào tới trạm quân dân y Pa Lọ. Chỉ có mỗi Trung úy y sĩ Nguyễn Văn Thành đang trực ở trạm. Đồng đội của anh đang nghỉ phép về quê có việc. Nhìn trạm tương đối kiên cố, ngăn nắp được chia làm 4 phòng lần lượt là phòng ăn, phòng trực, phòng khám và phòng điều trị, tôi buột miệng: "Sát biên giới mà ăn ở như anh thế này thì sướng chán so với nhiều đồng đội". Anh Thành trả lời thủng thẳng: "Căn nhà mới được khánh thành năm ngoái thôi! Trước đấy đường đi vào khó lắm! Còn trạm chỉ là một căn nhà cấp 4 tạm bợ".
Trạm này được thành lập từ 10 năm trước, mục đích chính là để khám chữa bệnh và phòng bệnh cho bà con người Vân Kiều ở khu vực sát biên giới và bên kia biên giới.
Trung úy Xôm Dân biếu bưởi cho một người dân Vân Kiều ở bản Pa Lọ. |
Ngoài việc khám, chữa bệnh và cấp thuốc điều trị cho bà con, Thành còn hướng dẫn bà con cách ăn, uống và ở bảo đảm vệ sinh. Khẩu quyết chính vẫn là "Ăn chín, uống sôi, ngủ trong màn". Bà con ở đây thường mắc các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, ngộ độc, kiết lỵ và các bệnh về đường hô hấp như ho, hen phế quản. Đặc biệt, bệnh thường gặp và nguy hiểm nhất là sốt rét. Năm 2012, trạm đã khám cho 1.522 bệnh nhân cả người Vân Kiều mang quốc tịch Việt Nam và người Vân Kiều mang quốc tịch Lào. Trong đó, có 116 ca bị bệnh sốt rét: chỉ có 17 ca sốt rét là người Việt, còn lại 99 ca là người Lào. Năm 2013, số bệnh nhân mắc sốt rét có giảm đi chút ít, song số người Vân Kiều quốc tịch Lào bị mắc sốt rét vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Đã 5 năm trực ở trạm, y sĩ Thành có nhiều kỷ niệm với bà con Vân Kiều ở vùng biên giới này. Lo nhất là những lần có người bị đau ruột thừa, sau khi chẩn đoán cẩn thận, Thành cho chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên nhưng trong lòng bồn chồn, chỉ sợ là bệnh nhân bị vỡ chỗ viêm ruột thừa rồi chết trên đường đi cấp cứu. Lại còn những ca đẻ khó, dù Thành đến tận nhà đỡ nhưng những người già khó tính bắt đưa người đẻ ra lán ở trên nương hay lều ở vườn sau nhà mới cho cấp cứu. Theo tập quán sau khoảng một tuần sản phụ mới được về nhà, khi đó Thành chỉ lo mẹ con bị bệnh gì khác như nhiễm trùng thì nguy. Có lần một người đàn ông đứng tuổi đang sống ở bản Pa Lọ Ô đến khám, sau khi cấp thuốc, anh dặn kỹ cách uống thuốc, ông ấy gật gật ra chiều nhớ rồi. Thế mà lúc ra cổng Thành nhắc khéo: "Bố thử nhắc lại cách uống thuốc cho con với!" thì ông cụ hồn nhiên: "Ồ, bố cũng quên rồi". Anh lại phải dặn dò cẩn thận thêm lần nữa.
Đang nói chuyện với y sĩ Thành, người trung úy dẫn tôi vào trạm quay về sau khi đi đâu đó. Thấy chúng tôi trao đổi về các loại bệnh người dân thường mắc, trung úy liền góp chuyện: "Phóng viên ơi, chính anh Thành cứu Xôm Dân thoát chết sau một cơn sốt rét nặng đấy". Lần đó Xôm Dân đang dạy học cho người Vân Kiều ở bản Pa Lọ Pốk bên nước bạn thì bị lên cơn sốt rét, anh Thành đã phải kiếm thuyền của dân chèo qua sông Sê Pôn để đưa đồng đội về cấp cứu.
Dạy từng con chữ, từng phép tính
Dân kể lại, khi đang dạy học tại bản Pa Lọ Pốk của nước bạn, anh bị sốt rét. Trời hôm đó nắng nóng như rang nhưng Dân thấy người rét từ trong rét ra, người run cầm cập, các khớp xương cũng lạnh buốt. Anh phải nhờ người trong bản dìu ra bờ sông gần trạm quân dân y, rồi nhờ người qua sông sang trạm gọi người cấp cứu. Hôm đó y sĩ Thành trực. Thành đi mượn thuyền của dân tự chèo qua sông đưa đồng đội về trạm. Sau khi khám, chẩn đoán Dân bị sốt rét, Thành đã lấy xe máy đưa Dân về đồn. Đận đó, Dân nằm ở đồn hơn nửa tháng bệnh mới xuôi.
Không phải tự nhiên mà Xôm Dân được chỉ huy đồn lựa chọn làm giáo viên dạy học cho người Vân Kiều ở bên nước bạn Lào. Dân là người Vân Kiều, sinh ra và lớn lên ở thị trấn Khe Sanh. Anh được chọn vì vừa biết nói tiếng Vân Kiều vừa biết tiếng Kinh lại nói được tiếng Lào. Tháng 10-2011, lớp học khai giảng tại bản Pa Lọ Pốk bên kia biên giới với 25 học viên là nữ tuổi từ 15 đến 40. Chương trình dạy chủ yếu là tiếng Việt và toán từ lớp 1 đến lớp 3 và dự định sẽ kéo dài trong 6 tháng. Dân nhớ lại những ngày đầu gian nan lên lớp. Vì trường học không có nên lớp học được đặt dưới sàn nhà dân với dụng cụ giảng dạy chính bảng gỗ sơn đen và phấn trắng. Giờ lên lớp từ 16h đến 18h. Anh phải chọn giờ này vì hầu hết học viên đều đã có chồng, có con, ngày họ đi làm nương, làm rẫy, tối về vẫn phải lo cơm nước cho gia đình. Đến cuối giờ học phải thắp đèn dầu vì đúng tầm "gà lên chuồng", còn điện thì đương nhiên là không có.
Vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, Dân kiên trì bám lớp. Dù chưa được đào tạo sư phạm ngày nào, nhưng anh vừa dạy, vừa rút kinh nghiệm. Vì ở xa trung tâm, "đói" thông tin nên Dân kiếm một cái radio để làm bạn, biết tin tức lại có thể bổ sung thêm kiến thức cho những bài giảng. "Ban ngày, người dân ở bản đi nương, đi rẫy hết, bản vắng tanh. Buồn lắm!", Dân tâm sự. Những lúc đó, anh đọc giáo trình xóa mù chữ từ lớp 1 đến lớp 3, đọc báo, đọc tài liệu để chọn lựa nội dung phù hợp đưa vào giáo án dạy chiều. Ban đầu Dân không biết chọn cái gì để dạy. Anh nói: "Giáo trình được soạn ra là để dạy học sinh học mỗi năm một lớp mà còn không ăn thua, huống hồ mình chỉ dạy trong vòng 6 tháng". Sau một hai tuần lên lớp, Dân thấy chỉ nên tập trung dạy chị em biết đọc - viết - nghe - nói những từ và những câu cơ bản; làm những phép tính cộng - trừ - nhân - chia từ 200 đổ lại. Nếu nắm vững những kiến thức căn bản này sẽ giúp người Vân Kiều bên nước bạn Lào có thể trao đổi, bán sắn, bán chuối đúng cân, đúng giá đỡ bị thiệt thòi, trước đây họ chỉ bán theo ước lượng.
Mỗi tuần, Dân chỉ về đơn vị một lần vào sáng thứ bảy và quay lại bản vào sáng thứ hai tuần sau. Mặc dù khoảng cách từ bản Pa Lọ Pốk sang chỗ trạm quân dân y Pa Lọ chỉ khoảng 2 cây số nhưng anh phải đi vòng mới có đò để qua sông. Những ngày ở bản, anh sinh hoạt "ba cùng" với người dân. Sáng ăn mỳ tôm, trưa ăn cơm bà con phần riêng trong một cái típ (một loại giỏ đựng của người Vân Kiều được đan bằng mây) để từ sáng. Tối ăn cơm cùng chủ nhà nơi đặt lớp học. Có ngày Dân đi làm cỏ rẫy giúp bà con. Mùa mưa, Dân hướng dẫn bà con làm bể để chứa nước mưa. Mùa khô, anh giúp bà con đào giếng ở gần suối để có nước sạch mà dùng.
Kiên trì và nhẫn nại, vượt qua những cơn sốt rét, những ngày mưa, ngày nắng, bất chấp số học viên từ 25 người giảm xuống còn 20 người, Xôm Dân đã giúp chị em người Vân Kiều ở bản Pa Lọ Pốk biết đọc, biết viết, biết tính toán và giao dịch. Lớp học bế giảng với sự vui mừng của bà con, Xôm Dân cũng vui lắm vì đã giúp bà con Vân Kiều bên nước bạn một việc có ích lâu dài.
Chính những chiến sĩ biên phòng như Nguyễn Văn Thành, Xôm Dân đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để thắp lên những ngọn lửa làm ấm tình đồng đội, tình đồng bào khiến con người gần nhau hơn ở nơi biên cương, núi rừng quạnh vắng này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.