(HNM) - Tại lễ trao giải thưởng du lịch khu vực châu Á - châu Đại Dương năm 2019 của Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) vào giữa tháng 10 vừa qua ở Kiên Giang, lần đầu tiên Việt Nam được trao danh hiệu “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”. Đây là thế mạnh để chúng ta quảng bá, từ đó thu hút thêm khách du lịch quốc tế đến thưởng thức ẩm thực.
"Thỏi nam châm" hút khách
Ẩm thực Việt Nam đã từng được nhiều nhân vật, chuyên gia ẩm thực, hãng truyền thông nổi tiếng thế giới đánh giá cao. Bếp trưởng nổi tiếng người Anh Gordon Ramsay, huyền thoại ẩm thực - cố đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain hay đầu bếp người New Zealand Bobby Chinn (Đại sứ Du lịch Việt Nam tại châu Âu, từ năm 2014 đến năm 2017)… đã tham gia trong nhiều phóng sự, chương trình truyền hình thực tế khám phá ẩm thực Việt Nam. Rồi hình ảnh cố đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain ăn bún chả cùng cựu Tổng thống Mỹ B.Obama tại Hà Nội vào năm 2016 đã gây ấn tượng mạnh. Đây thực sự là màn quảng bá quý giá cho ẩm thực Việt Nam.
Còn kênh truyền hình CNN (Mỹ) bình chọn ẩm thực của Việt Nam là một trong 10 nền ẩm thực tuyệt vời nhất trên thế giới. Tạp chí Du lịch Mỹ Conde Nast Traveller nhận định rằng, món bánh mì của Việt Nam là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Hay món phở của Việt Nam được tạp chí danh tiếng Business Insider bình chọn là một trong những món phải ăn thử một lần trong đời…
Trong khi đó, những người làm du lịch, các nhà tổ chức sự kiện cũng đều coi ẩm thực Việt Nam là cách tiếp cận hiệu quả, như "thỏi nam châm" với khách du lịch. Điều này được thấy rõ tại khu vực phố cổ vào mùa cao điểm về khách du lịch quốc tế tại Hà Nội (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau). Tại đây, các hướng dẫn viên luôn bận rộn dẫn khách tham gia các tour thức ăn đường phố. Theo ông Nguyễn Thế Anh, hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội, nhiều khách đến Hà Nội đều bày tỏ mong muốn được thưởng thức các món ăn đường phố tại khu vực phố cổ.
Thời gian qua, Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội hay Liên hoan ẩm thực quốc tế Hà Nội… đã được tổ chức và là hoạt động thường niên nhằm thu hút du khách, nhất là khách quốc tế. Đặc biệt, tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội, du khách còn được trải nghiệm quy trình chế biến những món ăn ngon, từng làm say đắm nhiều thực khách.
Trong lần trả lời kênh truyền hình CNN (Mỹ) mới đây, bà Lê Ngọc Chi, Tổng Giám đốc Công ty Grand Prix Việt Nam, đơn vị tổ chức Giải đua xe Công thức 1 vào năm 2020 cho biết, sẽ tổ chức lễ hội ẩm thực bên lề giải đấu để giới thiệu những nét tinh hoa của ẩm thực Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đang xúc tiến mạnh mẽ các hoạt động quảng bá ẩm thực Việt Nam. Theo Ban Tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Cần Thơ lần thứ nhất - năm 2019 vào cuối tháng 11 tới, trong khuôn khổ hội chợ sẽ diễn ra lễ hội ẩm thực. Hoạt động này được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều khách tham quan hội chợ. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, UBND quận 5 phối hợp với Outbox Consuting - đơn vị tư vấn về phát triển và quản lý điểm đến, Grab đã cho ra mắt dự án “Chợ Lớn Food Story”. Dự án này nhằm giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa ẩm thực trên địa bàn của quận, vốn nổi tiếng với câu nói “ăn quận 5, nằm quận 3”…
Rõ ràng, các nhà quản lý, những người làm du lịch đã nhận thức được vai trò của ẩm thực và có những động thái tích cực, song vẫn cần phải có những giải pháp căn cơ để đưa ẩm thực Việt Nam đến với đông đảo du khách hơn.
Tận dụng cơ hội, gia tăng hiệu ứng
Ngoài việc được trao danh hiệu “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á - 2019”, Việt Nam cũng đang được đề cử cho danh hiệu “Điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới - 2019” của Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới. Đó là sự ghi nhận quý giá dành cho ẩm thực và du lịch Việt Nam.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, giải thưởng “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á - 2019 ” là sự ghi nhận của một giải thưởng tầm cỡ, uy tín trên thế giới đối với ẩm thực Việt Nam. Còn theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ẩm thực là thế mạnh của du lịch Việt Nam, cần được tận dụng tối đa, nhất là khâu quảng bá.
Liên quan đến việc quảng bá ẩm thực Việt, chuyên gia du lịch Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động này ở các phương tiện truyền thông cũng như địa điểm dễ tiếp cận du khách như sân bay hay trên các chuyến bay. Trong khi đó, đại diện Công ty Vietrantour mong muốn có một trung tâm ẩm thực Việt đủ lớn tại Hà Nội để đón tiếp nhiều đoàn khách cùng một lúc, đồng thời có thể giúp khách tham gia quá trình chế biến món ăn.
Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam Nguyễn Thường Quân nhìn nhận: “Rất cần mối liên hệ chặt chẽ giữa những đầu bếp và phía doanh nghiệp lữ hành để mang được những thứ tinh túy nhất của ẩm thực Việt đến du khách. Thực tế, cũng đã có những yêu cầu từ phía lữ hành và sự đáp ứng từ các đầu bếp. Ngoài ra, cũng cần có quy hoạch cụ thể trong chương trình tour để giới thiệu những đặc trưng ẩm thực của từng vùng, miền, thay vì để thực khách ăn những món giống nhau tại nhiều điểm đến trong hành trình tour”.
Sự ghi nhận của chuyên gia ẩm thực, hãng truyền thông quốc tế và giờ đây là giải thưởng về ẩm thực của một đơn vị tổ chức giải thưởng du lịch uy tín nhất thế giới là những lợi thế mà du lịch Việt Nam đang sở hữu. Giờ là lúc phải tận dụng tối đa để nâng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, từ đó tăng lượng khách cho ngành Du lịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.