(HNM) - Ẩm thực là điều hấp dẫn du khách đứng thứ ba, chỉ sau văn hóa và cảnh quan. Việt Nam có lợi thế nền ẩm thực phong phú và đặc sắc, nhưng tiếc là chúng ta vẫn chưa đưa được ẩm thực thành một loại hình du lịch độc đáo, xứng tầm.
Chưa khai thác hết thế mạnh
Với sự phong phú, tinh tế, hài hòa, ẩm thực là một tài nguyên quý báu của đất nước ta. Điều này không chỉ là nhận định của người Việt mà nhiều tổ chức, kênh truyền thông uy tín trên thế giới cũng đồng tình. Năm 2015, Việt Nam lọt top 10 nền ẩm thực tuyệt vời nhất thế giới do độc giả CNN bình chọn. Tổ chức Kỷ lục Châu Á cũng công nhận và xác lập 12 món ăn Việt Nam đạt tiêu chí “Giá trị ẩm thực Châu Á”. Hà Nội - trung tâm ẩm thực của cả nước cũng được tờ Telegraph của Anh xếp thứ 2 trong 10 thành phố có nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới. Đầu năm 2018, CNN đã vinh danh 15 món ăn du khách nhất định phải thử khi đến Việt Nam, trong đó không thể thiếu phở, bún chả, nem, bún bò, bánh xèo, chả cá...
Du khách quốc tế thưởng thức ẩm thực truyền thống VN tại gian bếp của nghệ nhân Ánh Tuyết (phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm) Ảnh: Hồng Ánh |
PGS.TS Vương Xuân Tình, Phó Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam đánh giá, ẩm thực có quan hệ chặt chẽ với du lịch. Với khách du lịch, ăn uống không chỉ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng trong hành trình mà còn là cơ hội để khám phá văn hóa, phong tục, tập quán và thẩm mỹ của người bản địa. Theo Hội Lữ hành ẩm thực thế giới, có khoảng 25% du khách quan tâm ẩm thực khi đi du lịch. Báo cáo toàn cầu lần thứ hai về du lịch ẩm thực (năm 2017) của Tổ chức Du lịch thế giới cho thấy, có 87% tổ chức được điều tra xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến; 82% tổ chức cho rằng du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch, là chất xúc tác cho kinh tế địa phương. Trong đó, các quốc gia như Pháp, Mỹ, Thái Lan, Indonesia… đều coi trọng phát triển du lịch ẩm thực.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Vương Xuân Tình, chúng ta mới chỉ tiếp cận ẩm thực là một hoạt động trong du lịch, góp phần thành công của chuyến đi chứ chưa coi đó là một loại hình du lịch, chưa làm sao để hấp dẫn du khách đến Việt Nam vì ẩm thực. Thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển loại hình du lịch này. Minh chứng là gian bếp và nhà hàng nhỏ của nghệ nhân ẩm thực Phạm Ánh Tuyết trên phố Mã Mây (Hà Nội) đã đón tiếp không biết bao nhiêu lượt khách quốc tế đến thưởng thức những món ăn đậm phong vị Việt Nam. Nghệ nhân được ví là “từ điển ẩm thực sống của Việt Nam” chia sẻ: “Khách quốc tế thích các món ăn của nước ta bởi sự hài hòa và đầy đủ chất bột - đạm - rau củ với những gia vị tinh tế, khơi dậy vị giác. Món ăn Việt không quá cay, không quá chua, không nhiều dầu mỡ. Ngoài giá trị dinh dưỡng, chúng còn là những vị thuốc hữu ích cho cơ thể”.
Thương hiệu du lịch ẩm thực - Không khó
Câu chuyện đưa ẩm thực thành một sản phẩm du lịch đặc sắc và độc đáo của Việt Nam đã được xới xáo nhiều lần tại các hội nghị, hội thảo tìm hướng đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Tuy vậy, thời gian qua, việc triển khai loại hình du lịch này chỉ mang tính đơn lẻ mà chưa có chiến lược xứng tầm.
Một tín hiệu tốt là vào tháng 12-2017, Hiệp hội Đầu bếp Việt Nam - trực thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam - chính thức thành lập. Hầu hết đội ngũ đầu bếp tài năng quy tụ tại đây, với mục đích chung là gìn giữ giá
trị ẩm thực Việt, xây dựng và chuẩn hóa các món ăn Việt, đồng thời tạo thương hiệu cho ẩm thực Việt. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, mối quan hệ giữa du lịch và ẩm thực là tương hỗ. Chính ẩm thực tạo sự đặc sắc cho du lịch và du lịch phát triển kéo theo ẩm thực phát triển. Hơn 50.000 đầu bếp chuyên nghiệp, hầu hết đang làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn phục vụ du khách, chính là những tài sản quý giá để phát triển du lịch ẩm thực.
Đáp ứng nguyện vọng của hội viên Hội Đầu bếp Việt Nam có nhu cầu đưa nhanh ẩm thực truyền thống trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã xây dựng Dự án “Khu bảo tồn ẩm thực truyền thống và tôn vinh tổ nghề đầu bếp Việt Nam”. Đây sẽ là nơi tổ chức sự kiện ẩm thực, các cuộc thi nấu ăn truyền thống, tôn vinh nghề bếp và là điểm đến du lịch ẩm thực. Địa điểm xây dựng khu bảo tồn này được nhắm đến là Khu di tích danh thắng Tây Thiên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Về định hướng lâu dài, PGS.TS Vương Xuân Tình đề xuất bổ sung nội dung phát triển du lịch ẩm thực vào Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và thời gian sau đó. Giống như các loại hình du lịch khác, việc phát triển du lịch ẩm thực phải được đầu tư đồng bộ, toàn diện theo vùng và khu vực, không chỉ khuôn bó trong món ăn, thức uống mà cả khía cạnh lịch sử, nghi lễ, ứng xử liên quan đến ẩm thực.
Đưa Việt Nam trở thành thương hiệu du lịch ẩm thực trên thế giới không khó, nhưng điều này cần sự vào cuộc mạnh mẽ, có chiến lược của cơ quan quản lý, các hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp du lịch và lực lượng lao động trong lĩnh vực ẩm thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.