Đất nước Việt Nam được chia làm ba vùng địa lý Bắc, Trung và Nam, nên ẩm thực của mỗi miền đều có những đặc trưng riêng, đặc biệt là ẩm thực trong những ngày Tết Nguyên đán.
Bánh chưng, bánh tét không thể thiếu trong bữa cơm ngày Tết. |
“Ăn Bắc-mặc Nam” là câu thành ngữ để chỉ sự cầu kỳ trong việc chế biến, nấu nướng và thưởng thức các món ăn của người dân miền Bắc.
Ngay từ đầu tháng Chạp (tháng 12 Âm Lịch), mọi nhà đã chuẩn bị sắm sửa để lo Tết và đặc biệt trong khi đi chợ người nội trợ không quên mua một quả gấc chín để nấu xôi cúng tất niên, vì màu đỏ tươi của gấc được coi là may mắn, đem lại mọi điều tốt lành cho cả năm.
Món ăn đặc trưng của miền Bắc trong những ngày Tết là bánh chưng, gạo để gói bánh chưng phải chọn nếp ngon thì bánh mới thơm, dẻo và để được lâu.
Một món ăn mà các bà nội trợ miền Bắc không thể quên chuẩn bị trong những ngày Tết là nồi cá kho riềng. Cá để kho trong ngày Tết thường lá cá chép hoặc cá trắm. Miếng cá kho riềng thơm, thịt chắc, đậm đà, ăn với bánh chưng, dưa hành thật lạ miệng.
Trên mâm cỗ cổ truyền của người Hà Nội không thể thiếu món giò lụa và thịt gà có mấy sợi lá chanh ở trên. Ngoài ra, người miền Bắc còn có món thịt đông ăn trong ba ngày Tết, đây là món ăn dễ làm lại rất phù hợp với khí hậu lạnh.
Người Hà Nội vốn chuộng hình thức nên bày mâm cỗ cúng rất khéo léo và đẹp mắt. Đĩa xôi gấc đỏ tươi, các món ăn được rắc hành, rau thơm lên trên xanh mướt. Nhìn vào mâm cỗ người ta có cảm giác như được thưởng thức bức tranh “bốn mùa.”
Món ăn đặc trưng của người miền Trung trong dịp Tết là măng khô kho cuốn bánh. Ở Huế, ngày Tết còn gói bánh tét giống như trong miền Nam.
Bánh tét được gói bằng lá chuối với các nguyên liệu giống như bánh chưng, chỉ khác là gói thành hình trụ dài chứ không phải hình vuông như bánh chưng miền Bắc. Khi ăn cắt thành từng khoanh, ở giữa nhân đậu xanh và thịt mỡ nổi lên như nhụy hoa.
Các món ăn mặn trong cỗ Tết Huế cũng khác nhiều so với Hà Nội. Ngoài những món thông thường được chế biến từ thịt gà, thịt lợn, người Huế còn làm thêm các món chua nhẹ dễ tiêu như nộm, dưa món được làm từ đu đủ, cà rốt, hành củ, su hào, củ cải, ớt... gọt tỉa rất khéo léo rồi đem phơi nắng cho khô, sau đó ngâm với nước mắm pha đường.
Cỗ Tết ở Huế còn có các món mang đặc trưng riêng không vùng nào có được là món xà lách gân bò, chả tôm, nem bò lụi... Khác với khí hậu se lạnh ngoài Bắc, vào những ngày hạ tuần tháng Chạp ở miền Nam nắng vàng ấm áp.
Tết Nguyên đán của người dân phương Nam mộc mạc, đơn giản hơn Tết miền Bắc. Nét đặc trưng nhất của ngày Tết miền Nam chính là lúc cả nhà quây quần chuẩn bị gói các đòn bánh tét giống như người miền Bắc gói bánh chưng.
Bánh tét có nhiều loại như bánh tét chay không nhân, bánh tét mặn, bánh tét ngọt và bánh tét nhân thập cẩm. Đòn bánh tét gói khéo léo có thể để tới nửa tháng trong khí hậu nóng bức của miền Nam.
Người Nam bộ thường ăn bánh tét với món thịt kho cùng trứng vịt và nước cốt dừa, kèm với củ kiệu muối. Ở vùng nông thôn Nam Bộ, bốn món ăn không thể thiếu trong ngày tết Nguyên đán là thịt hầm, thịt kho tàu, mướp đắng nhồi thịt lợn băm và nem bì. Món thịt hầm bắt buộc là phải thịt bắp đùi kho, hầm cho nhừ với vài vị thuốc bắc. Món này chỉ dùng để nhắm rượu hoặc ăn chơi chứ không ăn với cơm.
Muốn cho đỡ ngấy vì thịt mỡ, người miền Nam thường nấu nồi cháo cá, ăn với rau ghém, chuối thái mỏng cùng các loại rau thơm, rau mùi...
Vùng miệt vườn, người dân còn làm những loại mứt từ khoai lang, bí, gừng... dùng trong ngày Tết.
Nói về các món ăn cổ truyền trong ngày Tết ở Việt Nam thất phong phú, trong những cái chung nhất thì mỗi vùng mỗi miền đều có những nét độc đáo riêng. Quanh mâm cỗ ngày Tết là lúc ông bà, cha mẹ, con cháu quây quần bên nhau, tình cảm gia đình đầm ấm lan tỏa trong sắc xuân./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.