Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ấm áp tình thân

Minh Ngọc| 18/07/2017 06:41

(HNM) - Ấm áp tình thân là cảm nhận chung của những người đến thăm các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công trên địa bàn TP Hà Nội.

Chăm sóc sức khỏe người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2. Ảnh: Thu Hiền


Nơi gắn kết yêu thương

Nhà D - dãy nhà hai tầng khang trang nằm dưới tán cây xanh mát là nơi nuôi dưỡng người có công của Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2, xã Viên An (Ứng Hòa). 55 người có công đang được nuôi dưỡng thường xuyên ở đây đến từ nhiều địa phương. Mỗi người một hoàn cảnh, tính cách, nhưng đều quan tâm, chia sẻ với nhau như các thành viên trong gia đình.

Ở cùng với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngô trong phòng D04, cụ Vũ Thị Chuông (sinh năm 1936), đến từ phường Khâm Thiên (Đống Đa) như một người em gái. Do tuổi cao, cụ Nguyễn Thị Ngô (sinh năm 1922) không nhớ được nhiều, nên mỗi khi có khách đến thăm, cụ Vũ Thị Chuông thay "chị" tiếp khách. Cụ Chuông là vợ liệt sĩ, cụ Ngô là mẹ liệt sĩ, không cần diễn đạt bằng lời, các cụ vẫn thấu hiểu nhau. Đêm đêm, khi cụ Ngô cần sự hỗ trợ của cán bộ y tế, điều dưỡng, cụ Chuông thay "chị" chuyển lời. Mỗi căn phòng trong khu nhà D có hai cụ, cụ khỏe hơn ở cùng cụ yếu hơn để có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau khi cần thiết.

Ngoài hành lang trung tâm, các cụ còn minh mẫn, khỏe mạnh thường ngồi chơi, kể chuyện gia đình với nhau. Phía sau câu chuyện về những người chồng, người cha hy sinh anh dũng trên các chiến trường là hình ảnh những người vợ tần tảo thay chồng nuôi con, là những đứa con noi gương cha mà nỗ lực hết mình trong lao động, học tập. Cụ Nguyễn Thị Thảo (sinh năm 1938) đến từ xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) kể: Ngày 30-4-1965, chồng cụ là Nguyễn Năng Thấn tạm biệt người vợ trẻ, con thơ lên đường vào Nam chiến đấu. Người vợ trẻ đã vượt lên nỗi nhớ thương chồng, một mình nuôi nấng, chăm sóc con cái, phụng dưỡng cha mẹ hai bên và chờ đợi ngày đoàn viên. Khi nghe những thông tin khác nhau về chồng, người vợ trẻ đi khắp nơi tìm kiếm, nhưng càng tìm càng không thấy. “Sau này, nhận được giấy báo tử ghi rõ anh Thấn hy sinh ngày 3-7-1971, cảm xúc trong tôi thật khó tả. Nói chung, những câu chuyện thời chiến nhiều lắm, dài lắm, kể cả ngày không hết. Đó là câu chuyện không của riêng ai”, cụ Thảo chia sẻ.

Thông qua các sinh hoạt thường nhật, những câu chuyện chung, chuyện riêng, những người có công đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 hiểu nhau, gắn kết với nhau như người ruột thịt.

Nơi quan tâm, chia sẻ

Góp phần xây dựng tình cảm gia đình tại trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 có đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm. Nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên nơi đây luôn quan tâm, săn sóc người có công bằng tình cảm, trách nhiệm của người con, người cháu đối với ông bà, cha mẹ.

Nhìn cụ Đỗ Thị Ty, phòng D03, môi khe khẽ cử động, chị Nguyễn Thị Liên hiểu ngay và lấy sữa bón cho cụ. Chị Liên cho biết, cụ Đỗ Thị Ty (sinh năm 1943) là con liệt sĩ, đến từ xã Kim Quan (Thạch Thất). Được quan tâm, chăm sóc 24/24 giờ, sức khỏe của cụ Ty vẫn tương đối ổn định. Cùng phòng với cụ Ty là cụ Doãn Thị Mùi, đến từ xã Hồng Hà (Đan Phượng). Là vợ liệt sĩ, cụ Mùi như bao phụ nữ Việt Nam khác từng âm thầm chịu đựng nỗi đau chiến tranh. Và cũng như quy luật tất yếu với nhiều người, về già, cụ trở nên khó tính. Có điều gì không hài lòng, cụ Mùi phản ứng bằng cách im lặng, thậm chí nhịn ăn cả tuần. Để cụ Mùi có cuộc sống thoải mái trong ngôi nhà chung, các cán bộ nuôi dưỡng và chăm sóc y tế thường xuyên chuyện trò với cụ. “Đa số người có công đang nuôi dưỡng, chăm sóc thường xuyên tại trung tâm tuổi cao, sức yếu, tình trạng bệnh phức tạp, đòi hỏi chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt. Tri ân người có công, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi đã, đang và tiếp tục chăm sóc người có công bằng tất cả tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc”, Phó Trưởng phòng Y tế - Điều dưỡng Lê Thu Hằng bày tỏ.

Đến Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2, chúng tôi còn được nghe và thấy nhiều chuyện cảm động khác. Đó là việc Trung tâm giúp các cụ không còn minh mẫn gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng; là chuyện những cán bộ Trung tâm thay nhau ngày, đêm có mặt tại bệnh viện khi các cụ ốm nặng phải đi điều trị… Khi người có công “khuất núi”, cán bộ, nhân viên trung tâm đứng ra lo tang lễ chu toàn. Với các cụ không có người thờ tự, Trung tâm đảm nhiệm cả việc cúng giỗ...

Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Nhiêu cho biết, cùng với nhiệm vụ nuôi dưỡng thường xuyên người có công, hằng năm, trung tâm phục vụ hàng nghìn lượt người có công đến điều dưỡng luân phiên. Ngoài đối tượng người có công của Hà Nội, Trung tâm còn phối hợp điều dưỡng thương binh ở các tỉnh, thành phố khác. Đến đây, người có công được khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn tập thể dục trong phòng tập với các trang thiết bị hiện đại, phù hợp; ngâm chân bằng thuốc Bắc kết hợp với xoa bóp, tập luyện hằng ngày...

Việc chăm sóc người có công ở các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công khác cũng được triển khai tương tự Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 đã góp phần bù đắp phần nào những mất mát do chiến tranh để lại. Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, với hệ thống cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, đội ngũ cán bộ tận tình, trách nhiệm, chính sách nuôi dưỡng thường xuyên và đưa người có công đi điều dưỡng luân phiên tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công được TP Hà Nội thực hiện linh hoạt, hiệu quả. TP Hà Nội tiên phong, đi đầu cả nước thực hiện chính sách điều dưỡng người có công 2 năm/lần thay vì 5 năm như quy định chung. Từ năm 2007 đến nay, Hà Nội tổ chức điều dưỡng cho khoảng hơn 300 nghìn lượt người có công. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên thành lập Trung tâm Chăm sóc, Nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấm áp tình thân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.