Theo dõi Báo Hànộimới trên

ADSL sắp hết thời?

Việt Nga| 26/11/2010 08:11

(HNM) - Nếu như cách đây 5-6 năm, sự xuất hiện của internet băng rộng (ADSL) được coi là đánh dấu chấm hết cho công nghệ dial-up, thì nay với sự phát triển bùng nổ của công nghệ băng rộng di động mới như 3G, người ta dự đoán rằng, thời của ADSL cũng sắp hết!


Quan điểm này đã được các chuyên gia, lãnh đạo một số doanh nghiệp viễn thông đưa ra trong một cuộc hội thảo do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức trong tháng 10-2010 tại Hà Nội. Các ý kiến cho rằng, ADSL sẽ vào giai đoạn thoái trào, nhường chỗ cho công nghệ băng rộng 3G và sắp tới là 4G. Ông Trần Bá Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, tiền đề phát triển của ADSL là sự phát triển mạng điện thoại cố định, nên khi dịch vụ điện thoại cố định ở Việt Nam bước vào thoái trào thì ADSL cũng bị ảnh hưởng. Thay vào đó, ADSL sẽ phải nhường chỗ các công nghệ mới hơn, như cáp quang và băng rộng di động không dây như Wimax, 3G và công nghệ LTE. Từ sự phân tích trên có thể thấy, ở nước ta Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang dẫn đầu thị phần về thuê bao điện thoại cố định với gần 80% và với lợi thế này VNPT cũng dẫn đầu về thị phần ADSL với hơn 70%. Song, gần đây, lượng thuê bao và doanh thu từ dịch vụ điện thoại cố định của VNPT đang ngày càng giảm. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước phát triển cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Như vậy, theo phân tích của các chuyên gia, khi điện thoại cố định dần thu hẹp theo thời gian, ADSL cũng sẽ theo con đường của dial-up!


S dng dch v ADSL ti mt ca hàng internet.nh: Thu Giang

Lý giải cụ thể hơn về xu hướng thoái trào của ADSL, một vị lãnh đạo Tập đoàn Viettel dẫn chứng những lợi thế của công nghệ di động băng rộng 3G so với ADSL về độ phủ và chi phí đầu tư. Vị này so sánh, Việt Nam hiện có 3,5 triệu thuê bao ADSL, đạt mật độ khoảng 4% và con số này cho thấy thị trường vẫn chưa phát triển bùng nổ, vì chưa hội tụ đủ các điều kiện, trong đó có vùng phủ sóng và giá cước. Lý do, mức đầu tư cho một thuê bao băng rộng di động trung bình chỉ khoảng 50 USD, trong khi chi phí cho ADSL là 150-200 USD và với suất đầu tư này, nhiều nhà cung cấp dịch vụ ADSL khác khó có vốn và hạ tầng đủ mạnh để đạt vùng phủ rộng khắp cả nước (trừ VNPT). Trong khi đó, dựa trên lợi thế của công nghệ 3G, các doanh nghiệp có thể triển khai vùng phủ rộng khắp. Hiện nay, Viettel đã xây dựng được hơn 20.000 BTS 3G và đây là tiền đề để cung cấp internet 3G cho người dân cả nước. Bên cạnh đó, về cước phí, nếu như trước đây, các doanh nghiệp viễn thông trong nước phải mua 1 Mbps kênh đi quốc tế mất cả nghìn USD, thì nay giá đã rẻ đi hàng chục lần, tạo điều kiện để họ đưa ra gói cước chỉ mất 30.000 đồng có thể dùng internet 3G. Theo tính toán, để phổ cập internet 3G, trung bình người dân chỉ phải trả mức 80.000 đồng/tháng, thấp hơn so với mức cước ADSL, khoảng 200.000 - 300.000 đồng/tháng (tất nhiên khách hàng dùng ít thường sử dụng gói cước theo lưu lượng). Điều này cho thấy công nghệ băng rộng 3G có ưu thế hơn hẳn ADSL, đặc biệt do suất đầu tư có sự chênh lệch rõ rệt. Chia sẻ quan điểm này, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cũng nhận định, nhu cầu về băng rộng là chắc chắn và nếu cơ quan quản lý nhà nước có chính sách tốt sẽ tạo ra đột phá cho sự phát triển của băng rộng di động, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Trở lại chuyện cũ, với ưu thế về băng thông tốc độ cao, khi hoạt động không ảnh hưởng tới đường dây điện thoại cố định… công nghệ băng rộng ADSL đã "khai tử" công nghệ dial-up. Nay, sau một thời gian, vị thế của ADSL sắp lung lay và được dự đoán là sẽ thoái trào để nhường chỗ cho công nghệ khác hiện đại hơn. Vấn đề ở chỗ, câu chuyện về "tuổi thọ" của công nghệ internet ADSL còn tồn tại được bao lâu không phải là điều quá quan trọng, vì đơn giản nó là vòng đời của một loại công nghệ, có thể thay đổi bất cứ lúc nào nếu không còn phù hợp. Chỉ biết rằng, công nghệ ADSL đã là một thứ phương tiện, góp phần phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
ADSL sắp hết thời?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.