(HNMO) - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và nâng dự báo lạm phát năm 2022 của cả khu vực và nhiều nước đang phát triển ở châu Á. Định chế tài chính quốc tế này nhận định, đại dịch Covid-19, sự thắt chặt tài chính của Mỹ và cuộc xung đột ở Ukraine là những yếu tố chính đe dọa sự phục hồi, phát triển kinh tế trong khu vực. Cũng theo ADB, Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong số các nước Đông Nam Á.
ADB dự báo mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 5,2% vào năm 2022 trên toàn khu vực, giảm nhẹ so với mức 5,3% dự báo vào tháng 12 năm ngoái. Đối với năm 2023, khu vực này được ADB dự báo sẽ tăng trưởng 5,3%. Các nước Đông Á và Đông Nam Á đều được kỳ vọng sẽ trở lại tốc độ tăng trưởng kinh tế trước đại dịch.
Đáng chú ý, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 5% trong năm nay và 4,8% vào năm 2023, thấp hơn so với mức tăng 8,1% vào năm 2021, do làn sóng Covid-19 đang bùng phát mạnh ở quốc gia này. Ấn Độ dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 7,5% trong năm 2022 và 8% vào năm 2023. Trong số các nước Đông Nam Á, Việt Nam được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong năm 2022, đạt 6,5%; tiếp theo là Philippines, Malaysia và Campuchia.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cao cấp của ADB James P.Villafuerte cho biết, giá dầu tăng đáng kể sẽ khiến giá hàng hóa tiêu dùng tăng nhanh hơn. Dự kiến Philippines, Ấn Độ, Lào, Pakistan, Sri Lanka và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, do áp lực lạm phát có khả năng tăng nhanh hơn đối với các nền kinh tế có tỷ trọng nhập khẩu nhiên liệu và điện cao.
Kể từ khi ADB công bố loạt dự báo trước đó (tháng 12-2021), cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra những làn sóng chấn động trên các thị trường tài chính. Nhà kinh tế trưởng của ADB Albert Park cho biết: “Các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đã bắt đầu tìm được chỗ đứng khi dần hồi phục sau đợt đại dịch Covid-19 tồi tệ nhất. Dẫu vậy, sự không chắc chắn về địa chính trị và các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới cùng các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 có thể làm chệch đà, cản trở quá trình hồi phục kinh tế”.
Cũng theo ADB, những yếu tố khác có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của châu Á là việc giá hàng hóa liên tục leo thang, rủi ro ổn định tài chính tăng cao xuất phát từ việc tăng lãi suất mạnh mẽ ở Mỹ nhằm kiềm chế lạm phát... Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất khiến đồng tiền bản địa mất giá so với đồng đô la, ngân hàng trung ương các nước châu Á có thể gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa phục hồi kinh tế và ổn định giá cả. ADB cũng dự báo lạm phát ở khu vực này năm nay sẽ tăng lên 3,7%, so với mức 2,5% năm 2021. Mức lạm phát tuy vẫn thấp so với các khu vực khác trên thế giới, song sức ép về giá sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.
Trên cơ sở này, ADB đưa ra khuyến nghị: Chính phủ các nước trong khu vực châu Á cần hết sức cảnh giác và chuẩn bị thực hiện các bước để đối phó với những rủi ro tài chính. Cụ thể, cần tiếp tục thực hiện chính sách bảo đảm càng nhiều người dân được tiêm chủng Covid-19 càng tốt; các cơ quan quản lý tiền tệ nên theo dõi tình hình lạm phát một cách chặt chẽ. ADB cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ưu tiên các cải cách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động; hạn chế hoạt động công nghiệp phát thải nhiều carbon...
Những thách thức địa chính trị sẽ gây cản trở sự phục hồi kinh tế của các nước đang phát triển ở châu Á. Ngay cả các quốc gia có chính sách tài khóa thận trọng cũng có thể bị ảnh hưởng trước những diễn biến phức tạp, nhanh chóng của tình hình thế giới. Vì vậy, chỉ có nền tảng kinh tế vững chắc và các chính sách hợp lý mới có thể giúp các nước vượt qua “cơn bão” này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.