(HNMO) - Theo bản cập nhật Báo cáo kinh tế thường niên được công bố ngày 25-9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm nay và 6,7% trong năm 2020.
Theo ADB, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã giảm nhẹ từ 7% trong 6 tháng đầu năm 2018 xuống 6,8% trong cùng kỳ năm nay. Nguyên nhân là do nhu cầu từ bên ngoài giảm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ cũng giảm hơn một nửa, từ 15,7% trong 6 tháng đầu năm 2018 xuống 7,1% cùng kỳ năm nay. Tuy nhiên, tác động bất lợi của việc giảm tốc độ tăng xuất khẩu lên tăng trưởng GDP đã bị hạn chế nhờ nhu cầu nội địa tiếp tục được giữ vững.
Giải ngân vốn FDI ước tính tăng 8,1% trong nửa đầu năm 2019, đạt 9,1 tỷ USD, tương đương 8,4% GDP. Đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng phản ánh niềm tin của doanh nghiệp được cải thiện, tăng gần gấp đôi trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2018, đạt 8,1 tỷ USD.
ADB nhận định, những nỗ lực không ngừng của chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cùng với xếp hạng tín nhiệm quốc gia gần đây được cải thiện sẽ kích thích đầu tư tư nhân. Nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, nhiều doanh nghiệp sản xuất có thể cân nhắc chọn Việt Nam như một cơ sở sản xuất thay thế, tạo thêm động lực mới cho luồng vốn đầu tư FDI.
Việc ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu gần đây và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hứa hẹn sẽ mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho các hoạt động thương mại và đầu tư.
Tuy nhiên, ADB khuyến cáo, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với một số rủi ro, trong đó, tình trạng căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ khiến thương mại toàn cầu tiếp tục sụt giảm, tạo ra nhiều biến động đối với thị trường tài chính quốc tế. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.