(HNMO) - Ngày 9-7, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 và đánh giá rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai trong đợt lũ quét, sạt lở đất xảy ra cuối tháng 6 năm 2018 tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Toàn cảnh hội nghị. |
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn quốc đã xảy ra 2 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới, 88 trận dông, lốc, sét, 7 trận lũ quét, sạt lở đất, 7 đợt gió mạnh trên biển, 4 đợt rét đậm, rét hại. Thiên tai đã làm 75 người chết và mất tích, 48 người bị thương; 509 ngôi nhà bị đổ sập, 12.571 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái...; tổng thiệt hại về tài sản ước tính 868,5 tỷ đồng.
Đánh giá về nguyên nhân gây ra thiệt hại, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho rằng, ngoài biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường về quy luật và thời gian, một số người dân và chính quyền cấp cơ sở còn chủ quan trong phòng ngừa, ứng phó; công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn thấp…
Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2018, trên Biển Đông sẽ xuất hiện 12-13 cơn bão, trong đó có 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền; nhiều đợt lũ lớn xuất hiện trong thời gian ngắn; lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại nhiều sông, suối nhỏ...
Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt đối với lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi, các đại biểu tham gia hội nghị cho rằng, cần thiết phải củng cố lực lượng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, nhất là tại các thôn, bản; tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức, kỹ năng của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, truyền tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai…
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu cơ quan dự báo khí tượng, thủy văn tăng cường đầu tư thiết bị, hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai. Các thành viên Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai rà soát phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai... Các địa phương kiện toàn lại ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp, tập trung; rà soát quy chế phối hợp, phương án ứng phó, khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”; đẩy nhanh tiến độ đầu tư sửa chữa hệ thống đê điều, hồ đập trọng điểm, xung yếu…
* Cùng ngày, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp công nghệ trong phòng, chống lũ quét, sạt lở đất”. Tại hội thảo, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã đề xuất và chia sẻ nhiều giải pháp, kinh nghiệm phòng ngừa lũ quét, sạt lở đất; trong đó, đặc biệt chú ý là giải pháp xây dựng hệ thống xử lý mái dốc, ngăn bùn, đá bằng công nghệ đập thép, hở…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.