(HNM) - Dư luận mấy ngày nay đặc biệt quan tâm đến dự thảo Đề án đổi mới chương trình và SGK phổ thông để triển khai vào năm 2017 của Bộ GD-ĐT với khoản kinh phí 70.000 tỷ đồng.
Đổi mới SGK sẽ chiếm khoảng 1/70 tổng kinh phí dự án Ảnh: Bá Hoạt
Theo đánh giá của ông Vũ Đình Chuẩn, chương trình giáo dục phổ thông của các nước phát triển sau 7-10 năm đều được xem xét, điều chỉnh và thay đổi. Vì vậy, việc đổi mới chương trình và SGK ở nước ta đặt ra vào thời điểm này để thực hiện vào năm 2017 là phù hợp với xu hướng và kinh nghiệm chung của thế giới, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực với các phẩm chất và năng lực phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đặt ra nhiệm vụ phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Để thực hiện được nhiệm vụ ấy, chúng ta đang xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020. Việc đổi mới chương trình và SGK là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược đó.
- Việc xây dựng chương trình - SGK mới lần này sẽ được triển khai như thế nào và có gì khác so với chương trình - SGK mới vừa triển khai đại trà được vài năm qua?
- Nếu như chương trình giáo dục hiện hành được xây dựng theo hướng tiếp cận nội dung dạy học, tức là quan tâm chủ yếu đến việc HS sẽ học được những gì thì chương trình mới sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực. Các nội dung giáo dục được xây dựng xuất phát từ những năng lực mà mỗi HS cần có trong cuộc sống và đưa ra các phương pháp tiếp cận để HS đạt được năng lực ấy. Nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá đều hướng HS tới năng lực tự học, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề trong học tập, trong cuộc sống; coi trọng rèn luyện kỹ năng sống.
Ngoài ra, chương trình mới sẽ có mức yêu cầu, nội dung mang tính bắt buộc trong toàn quốc, nhưng cũng có phần dành để các địa phương chủ động xác định, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế; có sự hài hòa, cân đối giữa “dạy chữ”, “dạy người” và từng bước dạy nghề.
Việc cân đối các nội dung lý thuyết và thực hành, gắn với các tình huống đời sống và có sự tích hợp, tránh trùng lặp gây quá tải cũng là mục tiêu quan trọng của Ban soạn thảo khi xây dựng đề án.
- Được biết, kinh phí dự kiến cho đề án khoảng 70.000 tỷ đồng. Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn không biết số tiền lớn ấy sẽ được dùng vào việc gì?
- Dự thảo Đề án đổi mới chương trình và SGK phổ thông có dự toán kinh phí 70.000 tỷ đồng, nhưng không phải tất cả số tiền đó chi cho việc biên soạn chương trình - SGK. Kinh phí dự kiến dành cho việc biên soạn chương trình - SGK chỉ chiếm chưa đầy 1/70 tổng dự toán, tức là khoảng hơn 960 tỷ đồng. Số tiền còn lại chi cho các công việc khác như xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 35.000 tỷ đồng (chiếm 1/2 tổng dự toán); mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học 30.000 tỷ đồng; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý hơn 390 tỷ đồng… Với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước gấp nhiều lần mức quy định và lại là công trình quan trọng quốc gia, đề án sẽ được bàn thảo tại kỳ họp Quốc hội và chắc chắn phải tuân thủ theo đúng các quy định về tài chính. Tuy nhiên, đây mới chỉ là mức khái toán, các thành viên Ban soạn thảo sẽ còn tiếp tục tính toán chi tiết và xây dựng lộ trình đầu tư phù hợp.
- Vậy xây dựng đề án này sẽ được thực hiện theo lộ trình như thế nào, thưa ông?
- Bộ GD-ĐT được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu và xây dựng Đề án đổi mới chương trình - SGK phổ thông để có thể triển khai vào năm 2017. Hiện nay, đề án đang trong giai đoạn nghiên cứu xây dựng. Để hoàn thiện đề án, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục xin ý kiến của các nhà khoa học, các bộ, ngành và cả dư luận xã hội trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.