(HNMO) – Thế giới mà chúng ta đang sống được liên kết bởi các vùng nước rộng lớn. Nhờ đó, ngành hàng hải đưa đến sự phát triển thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, cũng chính những vùng biển đã trở thành nơi tranh chấp, xung đột căng thẳng giữa các quốc gia.
Tranh chấp trên biển Aegean giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến thềm lục địa và chủ quyền của một số đảo kéo dài từ năm 1973 đến nay. Xung đột thường xuyên diễn ra giữa hai nước, đặc biệt số sự vụ tăng lên nhanh chóng kể từ năm 2013.
Biển Đen đã trở thành một điểm nóng địa-chính trị giữa Nga, Ukraine và NATO sau khi Nga sát nhập bán đảo Crimea và xung đột với Ukraine. Hồi đầu tháng 4/2016, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO đã tiến hành tập trận hải quân chung.
Xung đột trên biển Baltic giữa NATO và Nga: Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra và Nga sát nhập Crimea, căng thẳng tại vùng biển này đã tăng lên nghiêm trọng. Cuối tháng 4 năm nay, 1 máy bay Su-27 của Nga đã thực hiện màn "lộn nhào" nguy hiểm ngay trên đầu máy bay RC-135 của Mỹ đang làm nhiệm vụ trinh sát ở không phận quốc tế trên biển Baltic.
Với những lợi ích kinh tế, địa-chiến lược quan trọng, vịnh Persian đã trở thành điểm nóng giữa Iran, Mỹ và các quốc gia Ả Rập vùng vịnh. Đặc biệt, những đối đầu kéo dài đã diễn ra giữa Iran và Mỹ liên quan đến eo biển Hozmuz, nơi diễn ra hoạt động thương mại của một phần 3 lượng dầu thế giới bằng đường biển.
Nằm ở ngoài khơi Somali, kết nối với vịnh Oman và vịnh Persian, biển Ả Rập từ lâu đã trở thành địa bàn hoạt động của cướp biển. Tuy nhiên nhờ có nỗ lực của cộng đồng quốc tế, hoạt động cướp biển tại đây đã suy giảm đáng kể.
Tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku/Điếu ngư đã khiến khu vực này trở thành một điểm nóng về chính trị, tuy chưa dẫn đến các xung đột về quân sự song nó đã có những tác động không nhỏ đến quan hệ giữa hai quốc gia Nhật - Trung và phần nào ảnh hưởng đến các nước trong khu vực.
Nga và Nhật Bản có tranh chấp từ lâu về quần đảo trên Thái Bình Dương mà Nga gọi là Kuril và Nhật coi là Lãnh thổ Phương Bắc. Nga tuyên bố mọi hòn đảo đều thuộc lãnh thổ Nga, nhưng Nhật cho rằng 4 hòn xa nhất ở phía nam là của Nhật. Chính vì tranh chấp này mà cho đến nay, hơn 70 năm từ khi Thế chiến II kết thúc, quan hệ Nga-Nhật vẫn chưa được bình thường hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.