Theo Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến ngày 20/7 đã có 1.408 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép mới, với số vốn đăng ký trên 8.695 triệu USD, tăng 31,8% về số dự án và tăng 25,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Dây chuyền sản xuất của Công ty Samsung Electronics Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN) |
Đồng thời, có 660 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký tăng vốn, với số vốn tăng thêm đạt trên 4.245 triệu USD.
Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 12.940 triệu USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI thực hiện 7 tháng năm nay ước tính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 7 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép mới lớn nhất với 5.626 triệu USD, chiếm 64,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986,2 triệu USD, chiếm 11,3%; các ngành còn lại đạt 2.083 triệu USD, chiếm 24%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước đến nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến đạt gần 9.122 triệu USD, chiếm 70,5% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 956,8 triệu USD, chiếm 7,4%; các ngành còn lại đạt 2.861,8 triệu USD, chiếm 22,1%.
Cả nước có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 7 tháng qua.
Theo đó, Hải Phòng có số vốn đăng ký lớn nhất với gần 1.840 triệu USD, chiếm 21,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hà Nội trên 950 triệu USD, chiếm 10,9%; Bình Dương 803,3 triệu USD, chiếm 9,2%; Đồng Nai gần 711 triệu USD, chiếm 8,2%; Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Tiền Giang chiếm từ 3,8 đến 7,4%...
Trong 7 tháng năm nay, trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với gần 3.270 triệu USD, chiếm 37,6% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Tiếp đến là Singapore trên 1.115 triệu USD, chiếm 12,8%; Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) trên 755 triệu USD, chiếm 8,7%; Đài Loan (Trung Quốc) 584,5 triệu USD, chiếm 6,7%; Nhật Bản 543,8 triệu USD, chiếm 6,3%; Trung Quốc 393,3 triệu USD, chiếm 4,5%./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.