Theo dõi Báo Hànộimới trên

5 điều nên làm sau buổi phỏng vấn xin việc

Tiến Huy| 13/12/2022 09:00

Buổi phỏng vấn xin việc giữa bạn và doanh nghiệp vừa kết thúc, đây là thời điểm quan trọng để xốc lại tinh thần và bắt đầu thực hiện một số việc cần làm tiếp theo. Một số khảo sát cho thấy, những ứng viên bắt tay vào chuẩn bị ngay sau khi buổi phỏng vấn kết thúc thường có kết quả tốt hơn những ứng viên không có bất cứ sự chuẩn bị nào.

Vậy đâu là những điều mà bạn nên làm sau khi kết thúc phỏng vấn tìm kiếm việc làm tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội…?

Tự đánh giá buổi phỏng vấn

Ngay sau khi hoàn thành một cuộc phỏng vấn xin việc, điều đầu tiên là nên viết một bản tóm tắt các câu hỏi từ nhà tuyển dụng cùng với câu trả lời mà bạn đã trình bày. Đây vừa là cơ sở để bạn tham khảo cho những vòng phỏng vấn tiếp theo, để rút kinh nghiệm và tự đánh giá bản thân. 

Trong bài đánh giá này, hãy ghi lại những thắc mắc, vấn đề mà bạn chưa có cơ hội để thảo luận với nhà tuyển dụng. Bằng cách đó, nếu bạn tham gia cuộc phỏng vấn thứ hai, bạn sẽ chủ động đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn về vị trí công việc của mình.

Việc tự thực hiện một bản đánh giá cá nhân là thói quen giúp bạn tóm tắt lại những phần quan trọng trong buổi phỏng vấn vừa rồi, từ đó xác định được hướng cải thiện và chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc phỏng vấn trong tương lai.

Viết thư cảm ơn nhà tuyển dụng

Viết thư cảm ơn nhà tuyển dụng là điều cần thiết sau khi kết thúc phỏng vấn. Hành động nhỏ này sẽ giúp bạn có được sự ấn tượng từ doanh nghiệp khi mà có rất nhiều ứng viên cũng cùng tham gia phỏng vấn. Một tin nhắn lịch sự và thân thiện hỏi về các mốc thời gian hoặc cảm ơn những người đã tham gia phỏng vấn bạn sẽ thể hiện sự nghiêm túc và chuyên nghiệp cho vị trí công việc này.

Nhắc về buổi phỏng vấn cho người tham khảo

Trong trường hợp bạn trình bày tên người tham chiếu trong CV hoặc trong quá trình trao đổi với nhà tuyển dụng, đây là thời điểm để nhắc cho họ về tình hình buổi phỏng vấn. Người tham khảo của bạn có thể là quản lý cũ, một chuyên gia trong lĩnh vực… vì thế nên gửi tin nhắn hoặc email trước để tránh trường hợp họ rơi vào thế bị động khi nhà tuyển dụng liên hệ. Nội dung lời nhắn nên ngắn gọn tập trung vào các ý chính trong buổi phỏng vấn xin việc và đề xuất của bạn nếu có. Đừng quên gửi lời cảm ơn đến những người tham chiếu vì đã giúp bạn trong quá trình chinh phục công việc mới này.

Chuẩn bị sẵn sàng cho vòng tiếp theo

Sau khi trả lời các email và cung cấp thông tin cho nhà tuyển dụng, lúc này bạn nên giữ tinh thần thoải mái để chuẩn bị cho vòng tiếp theo nếu được chọn. Đôi khi sẽ mất một thời gian trước khi nhà tuyển dụng liên hệ đến bạn vì số lượng lớn hồ sơ phải xử lý, vì vậy không nên quá căng thẳng hoặc gửi tin nhắn dồn dập. Điều nên làm là dành thời gian cho bản thân, tiếp tục tìm hiểu về doanh nghiệp và vị trí công việc để chuẩn bị thêm một số thông tin cần thiết. Thông qua các cổng thông tin chính thức như mạng xã hội, website, bạn cũng có thể nghiên cứu sâu hơn về quy trình làm việc, sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp đang cung cấp. 

Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản” để tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp khác. Các trang tìm việc sẽ là nơi bạn tiếp tục tham khảo lúc này.

Ngỏ ý để nhận phản hồi chi tiết

Khi bạn nhận được email kết quả từ chối từ doanh nghiệp cho vị trí công việc vừa phỏng vấn, sẽ có chút tiếc nuối nhưng bạn không nên phớt lờ email này. Đừng ngần ngại ngỏ ý để nhận phản hồi chi tiết từ nhà tuyển dụng để lắng nghe những nhận xét về phần phỏng vấn của bạn hoặc lý do khiến bạn không đủ điều kiện cho công việc này. Với một lời ngỏ ý lịch sự và cầu thị, có thể ứng viên sẽ nhận lại được một số ý kiến hoặc góp ý từ phía doanh nghiệp. Đây sẽ là thông tin hữu ích để bạn tự đánh giá và hoàn thiện bản thân trong cơ hội nghề nghiệp khác.

Trên đây là 5 điều bạn nên làm sau khi kết thúc phỏng vấn xin việc. Hy vọng bài viết vừa rồi đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để chinh phục những cơ hội phía trước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
5 điều nên làm sau buổi phỏng vấn xin việc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.