Sản phẩm dịch vụ

Những nước đi sai lầm khi phỏng vấn xin việc

Trang Đoàn 25/07/2023 - 11:37

Dù bạn là một “chú lính mới” hay một “lão hồ ly” trong làng phỏng vấn xin việc, mắc sai lầm hẳn là điều rất khó tránh, có chăng chỉ khác biệt ở tần suất và mức độ phạm phải mà thôi. Thậm chí khi nhìn lại một cuộc phỏng vấn đã qua, bạn còn bật cười vì những sai lầm mình mắc phải cơ bản đến mức bạn chẳng hiểu tại sao mình có thể phạm sai lầm.

Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn nhận diện, ghi nhớ những nước đi sai lầm đó khi phỏng vấn tìm công việc online và trực tiếp gợi ý những nước đi khác nếu bạn có cơ hội bỏ đi làm lại.

580-202307251109451.png

1. Tự giới thiệu

Không nên: Đọc lại sơ yếu lý lịch, nghĩ gì nói đó, vấp lên vấp xuống vì không chuẩn bị trước - nước đi này bạn quá sai rồi. Tự giới thiệu là một câu hỏi quá mức cơ bản, nếu chuyện nhỏ bằng hạt cát này bạn không thể làm tốt thì nhà tuyển dụng có quyền quan ngại rằng bạn khó lòng đảm đương được việc lớn.

Vì thời gian có hạn, bạn nên kiểm soát câu trả lời của mình trong vòng 1-2 phút và cần làm rõ 3 điểm cơ bản:

* Giới thiệu ngắn gọn về bản thân: Họ tên, thời gian tốt nghiệp, kinh nghiệm làm việc.

* Tại sao bạn chọn công ty? Có thể lựa chọn lĩnh vực hoạt động của công ty, văn hóa công ty, cơ hội phát triển, sản phẩm dịch vụ...

* Tại sao công ty nên chọn bạn? Trình bày ít nhất 1, 2 điểm mạnh có liên quan mật thiết với bảng mô tả công việc, nếu có thành tích cụ thể để dẫn chứng thì càng tốt.

580-202307251109452.jpg

2. Tại sao bạn muốn ứng tuyển vị trí này?

Không nên: “Đúng lúc em đang tìm việc thì bắt gặp tin tuyển dụng của công ty và may mắn được mời phỏng vấn”. Cho dù đó là sự thật đi chăng nữa, bạn tuyệt đối không nên đưa ra đáp án như vậy bởi vì câu trả lời này thật sự kém duyên.

Nên: Tìm hiểu thật kỹ về công ty và mô tả công việc trước khi tham gia phỏng vấn xin việc, nhấn mạnh rằng mình đủ tố chất để đảm đương vị trí này; đưa ra những lợi thế, ưu điểm của công ty mình đang phỏng vấn; khẳng định lòng tin ở sự phát triển mạnh mẽ của công ty trong tương lai không xa...

3. Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?

Không nên: Chia sẻ lý do thật sự là bạn làm việc chưa tốt nên bị đuổi. Tuy sự thật thà được đánh giá cao nhưng năng lực của bạn lại tỷ lệ nghịch với nó. Cũng đừng phàn nàn về khả năng lãnh đạo của sếp cũ, đồng nghiệp toxic, lương thấp mà đòi hỏi quá nhiều… Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng mất thiện cảm, lo lắng và thậm chí chột dạ khi đâu đó trong công ty họ cũng tồn tại những khuyết điểm tương tự.

Nên: Tìm hiểu điểm khác biệt và ưu điểm của công ty hiện tại so với công ty cũ của bạn.

Ví dụ: Vị trí của bạn ở công ty cũ chưa được xem trọng, không có cơ hội phát triển nhưng công ty mới thì hoàn toàn ngược lại.

4. Điểm yếu của bạn là gì?

Không nên: Suy nghĩ chán chê rồi trả lời “Tôi không có khuyết điểm nào cả”. Vĩ nhân còn có khuyết điểm, huống hồ là bạn. “Tôi quá cầu toàn” - đáp án quen thuộc đấy và cũng “sách giáo khoa” đấy. Ngoài ra, đừng nêu những khuyết điểm “chí mạng” trong công việc, ví như ứng tuyển nhân viên bán hàng nhưng lại ngại giao tiếp. Cũng đừng quá trung thực về những thói hư, tật xấu của bạn vì rất có thể đó là những khuyết điểm chết người.

Nên: Trung thực nhưng có chọn lọc. Điều nhà tuyển dụng muốn biết chính là hiểu được bạn đã nỗ lực như thế nào để bù đắp khuyết điểm của mình, để không ảnh hưởng đến kết quả công việc của bạn.

6. Mục tiêu của bạn trong tương lai là gì?

Không nên: “Tôi chưa có mục tiêu gì cả” - thiếu ý chí cầu tiến và thật mù mờ về tương lai. “Tôi sẽ trở thành trưởng phòng trong 1 năm tới” - có tham vọng nhưng hơi hoang đường và thật đen đủi nếu trưởng phòng tương lai của bạn đang ngồi đối diện bạn.

Nên: Đưa ra mục tiêu dựa trên lộ trình phát triển công việc của bạn, hiểu công việc này cần những tố chất gì, bản thân đang có những gì và sẽ cố gắng như thế nào, cải thiện năng lực của mình ra sao để được thăng chức lên vị trí vừa tầm trong thời gian hợp lý.

580-202307251109453.jpg

7. Bạn có điều gì muốn hỏi không?

Không nên: “KHÔNG” - nghe thật mất hứng và rất dễ bị hiểu lầm là bạn không mấy hứng thú với công ty và vị trí công việc đang ứng tuyển. Cũng tuyệt đối không nên hỏi những câu hỏi vô tri (hỏi cũng như không).

Nên: Thể hiện sự quan tâm, hứng thú và mong muốn hòa nhập của bạn với công việc và công ty mới bằng những câu hỏi như: Lộ trình phát triển của công ty như thế nào? Công ty mong đợi điều gì khi tôi gia nhập?

Những thông tin cổ nhưng không cũ vừa rồi đã chính thức khép lại bài viết ngày hôm nay. Chúc bạn áp dụng thành công những gợi ý trên đây và đạt được kết quả phỏng vấn xin việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những nước đi sai lầm khi phỏng vấn xin việc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.